29/08/2024 13:43 GMT+7

Có một cuốn sách tiếng Nhật về Bác Hồ được viết tay hoàn toàn

Lịch sử ngành xuất bản từng có một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Nhật in từ bản viết tay công phu vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.

Có một cuốn sách tiếng Nhật về Bác được viết tay hoàn toàn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa và cuốn sách về Bác bằng tiếng Nhật do ông chép tay để in - Ảnh: T.ĐIỂU

Và người chép tay cuốn sách ấy chính là con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm - ông Nguyễn Tuấn Khoa.

Đó là cuốn sách của Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người vừa qua đời năm 1969, từng in trên báo Nhân Dân, rồi sau đó xuất bản thành sách.

Cuốn sách có tựa Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. Tới năm 1990, kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác, cuốn sách được Nhà xuất bản Ngoại Văn (nay là Nhà xuất bản Thế Giới) xuất bản bằng năm thứ tiếng, cùng một khổ 13x19cm, trong đó riêng cuốn tiếng Nhật in từ bản viết tay của ông Nguyễn Tuấn Khoa.

Thế rồi một cơ duyên đặc biệt với tiếng Nhật lại đến với ông Khoa khi được mời chép giúp cuốn sách về Bác Hồ. Và cũng nhờ việc này mà ông Khoa được thấm nhuần cuốn sách giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính người học trò xuất sắc của Người - Thủ tướng Phạm Văn Đồng - viết.

Mối duyên cuốn sách chép tay

Có một cuốn sách tiếng Nhật về Bác được viết tay hoàn toàn - Ảnh 2.

Bìa cuốn sách Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp bằng tiếng Nhật - Ảnh: T.ĐIỂU

Những ngày đầu năm 1990, người của Nhà xuất bản Ngoại Văn tìm đến ông Nguyễn Tuấn Khoa, khi đó đang công tác tại một trung tâm thuộc Bộ Y tế.

Họ khẩn khoản nhờ ông Khoa chép tay cuốn sách Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp bằng tiếng Nhật để in, phát hành đúng vào tháng 5, sinh nhật Bác.

Tình thế cấp bách. Sách lần này in năm thứ tiếng, tiếng Anh, Pháp, Nga có thể xếp chữ in typo, bản tiếng Trung Quốc có máy đánh chữ cho ra bản nhỏ vừa vặn khổ in sách.

Nhưng tiếng Nhật thì kỹ thuật in, thiết bị ở Việt Nam lúc bấy giờ chỉ có thể viết tay rồi in selen.

Nếu gửi sang Nhật Bản nhờ chép, xếp chữ rồi gửi lại Việt Nam để in sẽ không kịp. Chỉ còn cách tìm người trong nước chép sách.

Khổ nỗi bấy giờ Việt Nam chưa có nhiều người biết tiếng Nhật, người viết tiếng Nhật đẹp, đều đặn, đủ tiêu chuẩn để in càng hiếm.

Đang bí thì một biên tập viên bản tiếng Pháp của cuốn sách này chợt nhớ ra người thầy mình từng theo học tiếng Nhật. Khi biên tập viên Nhà xuất bản Ngoại Văn tìm đến, ông Khoa viết thử một trang, nhà xuất bản ưng ngay và mời ông giúp cho một công việc rất quan trọng.

Ông Khoa miệt mài viết trong ba tháng, công phu, tỉ mỉ, cẩn trọng từng chữ. Phải đảm bảo chữ đẹp, đều tăm tắp.

Nhiều phen viết hỏng một chữ, lại phải bỏ đi cả trang, viết lại. Cho nên gần đến hạn chót mà chưa xong, lại vướng công tác nên nhà xuất bản phải nhờ thêm một người có chữ viết khá giống nét chữ ông Khoa chép giúp một số trang để nhà xuất bản kịp in đúng dịp sinh nhật lần thứ 100 của Bác Hồ.

Đây có lẽ là cuốn sách duy nhất về Bác bằng tiếng Nhật được in từ bản chép tay.

Hơn 30 năm qua, ông Tuấn Khoa vẫn giữ cuốn sách quý được tặng. Đó cũng là khoản "nhuận bút" duy nhất ông nhận cho công việc ông rất tự hào được giao phó, dù trên cuốn sách ấy không có chỗ nào nhắc tới tên ông là người chép cuốn sách này.

Ông coi nó là kỷ niệm sâu sắc nhất của ông về nước Nhật và thứ tiếng mà ông là một trong 20 cán bộ trẻ được lựa chọn đi học năm 1973.

Có một cuốn sách tiếng Nhật về Bác được viết tay hoàn toàn - Ảnh 3.

Một số trang sách do ông Nguyễn Tuấn Khoa viết tiếng Nhật - Ảnh: T.ĐIỂU

Thấm thía hơn về Bác nhờ chép sách

Ông Khoa nhớ lại tháng 8-1973, ông được Bộ Y tế cử đi học lớp tiếng Nhật ngắn hạn hai năm tại Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Lớp có 20 học viên chủ yếu là anh chị em ngoại giao, công an, hải quan, văn hóa, thương mại... Có bốn thầy giáo Nhật Bản do Đảng Cộng sản Nhật cử sang dạy cho lớp cán bộ đi học này, cùng một thầy người Việt dạy dịch.

Hầu hết học viên đều biết tiếng Trung hoặc tiếng Triều Tiên. Đó là lần đầu tiên ông Khoa và các bạn cùng lớp được tiếp cận với cách học ngoại ngữ trực tiếp, không có phiên dịch, giáo trình hoàn toàn tiếng Nhật.

Sở dĩ có lớp học tiếng Nhật này vì đầu năm 1973, sau Hiệp định Paris, Đảng, Nhà nước ta đã tính đến việc phải chuẩn bị cho ngày hòa bình, mở rộng quan hệ bang giao, hợp tác phát triển kinh tế.

Để chuẩn bị cho mối quan hệ Việt Nam với Nhật Bản sau này, Nhà nước ta đã đặt vấn đề với đoàn đại diện Đảng Cộng sản Nhật Bản tổ chức lớp tiếng Nhật cấp tốc tại Đại học Ngoại thương dạy trong hai năm 1973-1974.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa còn nhớ cuối khóa học, ông đi thực tập ở các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp sang trồng ớt.

Học xong lớp ấy, ông Khoa lại trở về Bộ Y tế công tác. Nhưng một hôm người của Đài Tiếng nói Việt Nam cử người đến tận nhà ông để mời về làm phát thanh viên tiếng Nhật cho đài.

Họ biết ông Khoa có giọng nói và phát âm giống hệt người Nhật. Ông Khoa xin lãnh đạo Bộ Y tế chuyển công tác nhưng không được đồng ý. Ông làm việc tại cơ quan này cho tới ngày nghỉ hưu.

Ông Khoa kể sau khi từ bài báo có tên Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp đăng trên báo Nhân Dân rồi in thành sách đã trở thành một tài liệu quý và xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa rất lớn trong việc khích lệ nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tiếp tục noi gương Bác và hoàn thành ước nguyện của Người là xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Đến khi chép tay cuốn sách này bằng tiếng Nhật thì ông Khoa càng thấm thía hơn tinh thần của cuốn sách, thấu tỏ hơn về con người, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là câu chuyện về một con người kiệt xuất sinh ra trong một đất nước, một dân tộc có ý chí quật cường, bắt nhịp được với tinh thần thời đại cách mạng giải phóng dân tộc của toàn thế giới. Và con người kiệt xuất của dân tộc ấy, trong thời đại ấy để lại một sự nghiệp vĩ đại.

Chuyện cuốn sách tiếng Nhật viết tay về Bác - Ảnh 3.Ông Nguyễn Thế Kỷ viết trường ca hơn 12.000 câu thơ về Bác Hồ

TTO - Ngày 13-12, tại Hà Nội, tác giả, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt trường thiên sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh với 12.668 câu thơ lục bát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên