Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng - Ảnh: H.NGUYỄN
Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - BSSC) cho biết điểm cộng của chương trình là các bạn sớm có những bài học từ thực tế, giúp "khắc cốt ghi tâm" nhiều hơn là kiến thức trên giảng đường.
Kinh nghiệm, tâm lý khi đối mặt với khó khăn, thất bại, sự từng trải... sẽ là những hành trang có giá trị cho các bạn sau này.
Tuy nhiên chị cũng bày tỏ nếu các bạn thành công sớm, đôi khi "cái móng" về sự khiêm nhường, về sự tôn trọng người khác sẽ có phần bị lung lay. Còn khi thất bại sớm, các bạn dễ hoài nghi, mất niềm tin vào bản thân và cuộc sống.
* Chị luôn nhấn mạnh đến yếu tố truyền cảm hứng ở các startup, vì sao?
- Vững chãi, tự tin, mạnh mẽ là những tố chất cốt lõi của một người "thuyền trưởng". Trong khởi nghiệp, đôi khi chúng ta phải bơi trong một "đại dương xanh" ít ai từng trải qua, việc các bạn startup duy trì và truyền cảm hứng được cho đồng đội của mình là hết sức cần thiết.
Chúng ta chỉ có thể truyền cảm hứng cho người khác khi chính bản thân chúng ta có "lửa". Khi bị "mất lửa", các bạn nên tìm đến nhau, hoặc tìm tới những tổ chức như BSSC... để có nơi tiếp thêm niềm tin.
* Tiêu chí để BSSC xét duyệt hỗ trợ kinh phí cho các startup trong năm nay có gì khác?
- Đầu tiên luôn là tính hiệu quả về mặt kinh tế, tài chính của dự án. Chẳng hạn chúng tôi sẽ đặt những câu hỏi như: "Bạn kiếm tiền từ đâu?", "khi nào?", "bao nhiêu?"... - những câu hỏi mang tính "sát thương" buộc các bạn có cái nhìn thực tế.
Tiêu chí tiếp theo và là "xương sống" của dự án, đó là đội ngũ. Khả năng tạo ra một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hoặc vận hành dự án hiệu quả... đều đến từ con người.
Và cuối cùng là sản phẩm: có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với xu hướng, có thị trường đủ lớn... hay không.
* COVID-19 khiến nhiều startup lao đao, thậm chí "gãy gánh giữa đường"... chị có những chia sẻ gì với họ?
- Chúng ta có thể chủ động dừng lại khi cảm nhận rõ thị trường hay nguồn lực đã thay đổi, nhu cầu khách hàng đã khác xa.
Đó là sự dừng lại có tính toán, mang tính chủ động, dừng lại để tìm hướng đi mới. "Fail fast" - thua nhanh cũng là một chiến lược. Trong đại dịch, chúng ta chứng kiến nhiều startup tận dụng khúc quanh và tăng tốc để bứt phá chứ không phải ai cũng "gãy".
Luôn có nhiều phương án và kịch bản để chủ động ứng phó với những biến động bất ngờ. Chẳng hạn việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số là cần thiết.
* Là một trong những cá nhân sẽ tham gia vào hội đồng tuyển chọn ở Tuổi Trẻ Golf Tournament for Startup 2022, chị kỳ vọng những gì?
- Tôi kỳ vọng bên cạnh việc lan tỏa những điều tích cực, chúng ta cũng xây dựng tinh thần "cho đi" trong kinh doanh, để các startup đoạt giải ngày hôm nay sẽ có thể là người quay lại dìu dắt và trao "huân chương" cho thế hệ tiếp theo. Từ đó tinh thần của giải được lan tỏa và duy trì bền vững hơn nữa.
Chia sẻ cảm hứng khởi nghiệp đến các bạn trẻ
Chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament for Startup lần 3 năm 2022 tiếp tục được báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, hướng đến kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn.
Sẽ có hơn 30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage...) trong tháng 3-2022.
Diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp" sẽ là nơi cho các bạn trẻ, bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này chia sẻ những ý tưởng khởi nghiệp.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp trên sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.
Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, An Hòa...
Bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup@tuoitre.com.vn.
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận