07/04/2020 09:22 GMT+7

Cơ hội để con 'bung lụa'

NGUYỆT ANH (ghi theo lời kể của một phụ huynh)
NGUYỆT ANH (ghi theo lời kể của một phụ huynh)

TTO - Tôi vẫn hay nói đùa, kỳ nghỉ vì dịch COVID-19 là cơ hội để các con "bung lụa", được làm những gì con thích.

Cơ hội để con bung lụa - Ảnh 1.

Sản phẩm của con - Ảnh: HÀ ANH THU

Con trai đầu của tôi đang học lớp 12, con gái út học lớp 8. Nghỉ học lâu ngày, con gái như bị bó chân ở nhà. Con cảm thấy thời gian chậm lại và thấy nhớ lớp, nhớ trường, nhớ bạn. Vốn ham học, con luôn tự học và cố gắng hoàn thành bài cô giáo giao qua mạng, nếu cô chưa giao bài kịp thì con vẽ.

Khuyến khích sáng tạo

Con gái thích viết văn và làm thiết kế thời trang nên học sáng tạo thiết kế là cơ bản, vì vậy tôi rất khuyến khích. Nhiều hôm con gái đóng cửa trong phòng riêng, tôi biết con đang "làm việc" với tất cả niềm đam mê của mình. 

Con có khả năng tập trung cao độ, làm việc độc lập như thế và cảm thấy thời gian nghỉ học ở nhà không bị phí hoài, nhàm chán. Nhìn sản phẩm do con vẽ, tôi biết con đã dành khá nhiều tâm huyết trong đó.

Vì thành viên nào cũng suy nghĩ tích cực, nếp sống nhà tôi vẫn giữ nguyên, không bị đảo lộn nhiều vì các con đều có ý thức tự học và biết sáng tạo, biết phân bổ thời gian học, chơi hợp lý. 

Từ lâu, chúng tôi luôn dạy con tự lập, tự lo được cho bản thân và những kỹ năng cần thiết. Được giáo dục tự lập từ bé nên các con đều có thể lo được cơm nước, bởi vậy dịch bệnh xảy ra, không ai cảm thấy "sốc" mà ngược lại hòa nhập, thích ứng rất nhanh.

Tôi nghĩ, thay vì mệt mỏi, ta thán hay hoang mang, đây là cơ hội để các con chơi với nhau, gần nhau hơn nữa, cùng chơi cờ vua, cá ngựa, cùng đối thoại với nhau bằng tiếng Anh. Thực tế, bình thường các con lo học, lo làm bài, ít có thời gian chơi với nhau. 

Sinh hoạt gia đình tôi cũng thật sự hướng nội. Tôi vốn là người rất thực tế, không quá câu nệ chuyện giỏi hay phải điểm cao, nên các con học ở nhà hay học trên trường cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.

Không đề cao điểm số

Dù con trai đang cuối cấp nhưng tôi không lo sốt vó như nhiều phụ huynh khác. Con học nhạc là chính, học văn hóa ở trung tâm giáo dục thường xuyên nên cảm thấy rất nhẹ nhàng, không nhiều áp lực.

Không đề cao điểm số, coi trọng thành tích nên tôi không tạo sức ép gì cho con, con thích học gì thì tôi sẽ ủng hộ. Không cấm cản cũng không gây áp lực cho con, không muốn tạo gánh nặng học giỏi, thành tích cao lên đôi vai con. 

Tôi luôn tâm niệm, đại học không phải cánh cửa duy nhất vào đời, cứ giỏi chuyên môn, còn những việc khác sẽ tự tốt đẹp. Căn bản quan điểm giáo dục của tôi chính là hướng nghiệp cho con sớm, lên kế hoạch và bám sát kế hoạch. Về cơ bản, nhà tôi tập trung đầu tư lối sống dồi dào văn hóa và học tập trung chứ không chạy theo thành tích.

Việc dịch COVID-19 xảy đến, như một người bạn của tôi chia sẻ trên Facebook, chính là lúc phát huy cách sống của người Việt mình xưa: Có 9 đồng thì chi tiêu 5 đồng thôi, còn 4 đồng phải dành dụm lúc thóc cao gạo kém. 

Đời không ai biết chữ ngờ. Vì vậy, việc sống tiết kiệm, biết chi tiêu có kế hoạch là thật sự cần. Đây giống như một bài học lớn dạy một bộ phận lớp trẻ phải học cách "sống lại cho đúng".

Dịch bệnh, mỗi người, mỗi gia đình phải tự thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Thay đổi nếp sống, cùng nhau học và cùng nhau làm việc nên mọi thành viên đều cảm thấy không bị căng thẳng. Nhà tôi đã "đứng yên" từ hơn một tháng nay, chợ búa, đồ ăn cũng theo thói quen cũ là đi một lần, sơ chế, trữ trong tủ lạnh từ 3 đến 5 ngày.

Ở bên các con, chiêm ngưỡng những "tác phẩm" của các con, tự khắc phục những khó khăn, gia đình tôi không bị bức bối, ngột ngạt bởi dịch bệnh. Tôi biết, các con cũng học được nhiều điều quý giá qua dịch bệnh.

Dành thời gian bên con nhiều hơn

Tôi tranh thủ dành thời gian bên các con nhiều hơn, tập luyện thể dục để giữ gìn sức khỏe, yêu bản thân và yêu gia đình, có trách nhiệm với gia đình hơn.

Tôi dạy các con cách sống tiết kiệm, chi tiêu có kế hoạch, biết trân trọng đồng tiền, dạy con những kỹ năng cần thiết để thích nghi với điều kiện sống mới.

Giải tỏa căng thẳng cho con

20200324_151810 4(read-only)

Một bạn nhỏ tự học làm chú lính chì nhảy dù qua mạng - Ảnh: HẢI SA

Một đồng nghiệp của tôi cho biết khoảng hai tuần trở lại đây, cậu con trai đang học lớp 4 bỗng dưng thay đổi tính tình đến lạ. Mỗi lúc thấy ba mẹ chuẩn bị đi làm hay ra ngoài có việc là hạch hỏi đủ thứ theo kiểu "khi nào về?", "đi để làm gì?", "sao ba mẹ cứ đi hoài vậy?"... Chưa hết, cu cậu còn đòi đi theo. Nếu ba mẹ không cho đi là khóc la om sòm.

Cùng tâm trạng đó là câu chuyện của người chị họ của tôi với cô con gái đang học lớp 6. Cứ mỗi lần nhận được thông báo của nhà trường về việc kéo dài thời gian nghỉ học để tránh dịch là con bé nổi cáu lên với ba mẹ, lúc thì lầm lì suốt cả ngày không thèm đếm xỉa đến ai. Đáng lo là từ trước đến giờ con bé có tiếng là ngoan hiền, lễ phép.

Theo các khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong kỳ nghỉ học kéo dài do dịch COVID-19, nếu trẻ có những biểu hiện khác lạ, tính tình thay đổi theo chiều hướng tiêu cực... rất có thể trẻ đang rơi vào trạng thái căng thẳng.

Tùy theo độ tuổi, môi trường sống mà mỗi trẻ có thể phản ứng với sự căng thẳng theo các cách khác nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy căng thẳng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng miễn dịch.

Do đó đây là lúc cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ với các con nhiều hơn. Cha mẹ hãy đáp lại các phản ứng lạ của con trẻ bằng cách giúp đỡ, lắng nghe những mối bận tâm của trẻ, trao cho trẻ nhiều tình yêu và sự quan tâm hơn nữa.

CHUNG THANH HUY

Hiểu con hơn

Tôi đã biến kỳ nghỉ học nhàm chán, bó chân ở nhà trở thành cơ hội để hiểu con hơn, để con được giải phóng năng lượng tiêu cực trong học tập bấy lâu nay. Con nói: "Mẹ hãy cho con được học, được đọc và làm những gì con thích trong thời gian nghỉ học ở nhà được không ạ?". Tôi đồng ý!

Nhìn con vạch ra những kế hoạch nhỏ, tự lập ra thời gian biểu hằng ngày, tự phân bổ thời gian các môn học mà con cho là hợp lý, được chủ động, được tôn trọng khiến con trở nên tươi tắn, hoạt bát và tự tin hơn. Không còn là đứa trẻ chây ì, uể oải mỗi sáng thức dậy, con tự giác ngồi vào bàn học và tỏ ra rất kỷ luật.

Con có quyền được tự lựa chọn và phân bổ, sắp xếp việc học ở nhà sao cho hợp lý. Con chủ động và cảm thấy rất có trách nhiệm với mỗi buổi học. Con tự giác và chủ động trao đổi bài vở với mẹ chứ không phải học đối phó.

Thật không ngờ, khi được làm "bạn học" của con, tôi mới thấy rõ nhất gánh nặng bài vở của con lớn như thế nào! Tôi ngộ ra, những khóa học thêm, khóa học bồi dưỡng trước đây mà tôi xem là bổ ích trở nên đáng sợ ra sao với một đứa trẻ.

Khi tin con, cha mẹ mới làm bạn được với con.

HẢI ANH

Cách nào giúp con trẻ an toàn trong mùa dịch corona? Cách nào giúp con trẻ an toàn trong mùa dịch corona?

TTO - Dịch bệnh do virus corona đang phức tạp, người lớn cần làm gì để con an toàn? Làm sao để con đến trường mà không bị lây nhiễm? Tăng cường đề kháng cho con ra sao?...

NGUYỆT ANH (ghi theo lời kể của một phụ huynh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên