Theo các chuyên gia, giá USD tăng mạnh chủ yếu là do yếu tố tâm lý - Ảnh: Q.Định |
Ngân hàng tăng mạnh giá mua USD. Trong ngày 15-12, các ngân hàng đã tăng mạnh giá mua USD sau khi giá bán USD đã tăng kịch trần vào chiều ngày trước đó.
Tại Vietcombank, có thời điểm giá mua USD tiền mặt tăng lên kịch trần: 22.547 đồng/USD, nhưng đến buổi chiều đã giảm giá mua USD tiền mặt về mức 22.517 đồng/USD. Tại ACB, giá bán USD cũng tăng 30 đồng, lên 22.497 đồng/USD.
Còn tại Eximbank giá bán USD tăng 10 đồng, lên 22.500 đồng/USD. Trong khi đó, giá bán USD tại thị trường tự do cũng lên mức 22.780 đồng/USD, tăng 80-90 đồng/USD, giá mua USD ở mức 22.680 đồng/USD.
Tỉ giá bắt đầu căng thẳng từ tháng 8 đến nay dù Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc điều chỉnh tỉ giá hai lần vào tháng 8 đã tính toán trước cho cuối năm và cả những tháng đầu năm 2016. Lần này, sức ép lên tỉ giá lớn hơn do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất USD lần đầu tiên trong vòng gần một thập kỷ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng diễn biến những ngày gần đây cho thấy có hiện tượng găm giữ USD.
“Tâm lý thị trường đang bị tác động mạnh do đến thời điểm này các chuyên gia đều dự báo khả năng FED sẽ tăng lãi suất. Ngoài ra còn có yếu tố khách quan là vào cuối năm, nhu cầu USD để thanh toán hàng hóa, trả nợ... tăng cao” - ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng dự đoán nếu FED có tăng lãi suất cũng sẽ chỉ ở mức độ rất nhẹ, khoảng 0,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã cam kết ổn định tỉ giá đến đầu năm 2016 nên sẽ áp dụng nhiều biện pháp để giữ vững tỉ giá. Trong trường hợp ngược lại là FED chưa tăng lãi suất, giá USD sẽ giảm mạnh do tâm lý thị trường được giải tỏa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho rằng những ngày qua giá USD bị đẩy lên kịch trần chủ yếu do yếu tố tâm lý, việc FED tăng lãi suất không phải là vấn đề mới và đã được dự báo từ một năm trước đó.
“Xét về cung cầu, nguồn cung USD vẫn dồi dào, cán cân vẫn thặng dư nhưng giới đầu cơ tranh thủ cuộc họp mang tính chất quyết định của FED, cộng với thời điểm cuối năm để đẩy giá lên. Ở đây cần vai trò của quản lý nhà nước để sớm ổn định thị trường” - ông Ngân nói.
Theo ông Ngân, nếu việc FED tăng lãi suất xảy ra, mức độ tác động đến thị trường VN còn tùy thuộc mức độ tăng lãi suất của FED là nhiều hay ít.
Nhiều nước gặp khó nếu FED tăng lãi suất Các nhà phân tích lên tiếng cảnh báo rằng việc FED tăng lãi suất sẽ gây nhiều khó khăn cho các nền kinh tế mới nổi trong việc ngăn chặn suy thoái. Theo AFP, sau nhiều năm giữ mức lãi suất thấp (0-0,25%) FED có thể tăng nhẹ lãi suất, từ 0,25-0,5%, nhằm phát ra tín hiệu rằng nền kinh tế giờ đây có thể tăng trưởng chắc chắn và chính sách tiền tệ cần được thắt chặt hơn. Nếu FED tăng lãi suất USD, tỉ suất cho vay và tiền gửi cũng có thể tăng lên. Trong khi đó, các thị trường đang nổi, nhất là những quốc gia đang gánh những món nợ lớn bằng đồng USD, sẽ chịu nhiều tác động. Đặc biệt, việc tăng lãi suất sẽ gây bất lợi cho việc tài trợ bằng vay nợ đối với các nền kinh tế này, khiến đồng tiền các quốc gia này bị sụt giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu từ xuất khẩu. Trong khi đó, kinh tế gia trưởng của Société Générale, ông Oliver Garnier, cho rằng những nước này có thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng lãi suất nội tệ. Các nước sản xuất dầu vốn chật vật với giá dầu thô tụt xuống mức thấp nhất trong bảy năm qua có thể sẽ phải đối mặt với tác dụng phụ từ việc FED tăng lãi suất cùng việc đồng USD tăng giá. “Các nước vùng Vịnh, nơi mà tiền của họ liên kết với đồng tiền xanh của Mỹ, để duy trì sự ổn định đối với đồng USD, họ sẽ phải tăng lãi suất, tạo thêm gánh nặng lên doanh nghiệp, làm chậm đi đà tăng trưởng kinh tế” - ông Garnier giải thích. Ngược lại, Trung Quốc có thể sống khỏe sau bất cứ quyết định nào của FED. Theo AFP, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 11-12 ra tín hiệu họ tin rằng giá đồng NDT trong tương lai sẽ ít phụ thuộc vào đồng USD. Liệu FED có tăng lãi suất? Một cuộc thăm dò của tờ Wall Street Journal mới đây cho thấy 97% các nhà kinh tế tin rằng điều này sẽ diễn ra. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận