Cô giáo của mẹ con tôi

PHẠM NHƯ ANH
PHẠM NHƯ ANH

TT - Chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương” nhận được bài viết của độc giả Phạm Như Anh viết về cô Trần Thị Thu Thảo, cô dạy mầm non ngày xưa của mình và nay là hiệu trưởng Trường mầm non Lê Thị Riêng (Q.1, TP.HCM) nơi Như Anh, con gái độc giả này, đang theo học.

Cô là thần tượng của conNảy mầm yêu thương22 năm hoàn thành 1 bài giảng

C6tKHJiM.jpg
Tác giả Phạm Như Anh cùng con gái và cô Trần Thị Thu Thảo - Ảnh: Như Hùng

Mỗi lần nghe lại bài hát Cô đi nuôi dạy trẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tôi lại nhớ đến cô Trần Thị Thu Thảo, người đã dạy tôi khi tôi học Trường mầm non Hoa Lư trước đây và nay tiếp tục là cô giáo của con tôi với vai trò hiệu trưởng Trường mầm non Lê Thị Riêng.

Vẹn nguyên tình yêu trẻ

Trái đất tròn, khi tôi lớn lên và làm mẹ của hai đứa trẻ, con tôi lại tiếp tục học dưới mái trường mà cô làm hiệu trưởng. Cũng thật ngẫu nhiên, ba tôi ngày xưa từng tham gia ban đại diện hội phụ huynh của Trường Hoa Lư, thì nay tôi cũng tham gia hoạt động trong ban đại diện hội cha mẹ học sinh của Trường mầm non Lê Thị Riêng.

Bắt đầu với nghề nuôi dạy trẻ từ lúc 18 tuổi, tính đến nay tuổi nghề của cô đã gần 32 năm. Thế nhưng sự dịu dàng của cô với trò nhỏ, sự tận tụy với nghề, thân thiện với phụ huynh của cô vẫn như những ngày đầu.

Tôi nhớ như in cái ngày “mắt ướt nhạt nhòa” tạm biệt cha mẹ và bước vào lớp khi xưa. Cô đã phải bế tôi đi dạo lòng vòng trong sân trường, chỉ cho tôi xem những con mèo rửa mặt không sạch ở góc sân, con bướm vàng đang bay lượn ở một góc vườn hoa của trường, cùng tôi chơi xích đu để tôi quên đi nỗi buồn phải xa cha mẹ.

Còn nhớ có lần tôi vì bất cẩn mà té, cô dịu dàng chăm sóc vết thương rồi ôm tôi vào lòng vỗ về đến khi tôi thôi khóc và lại tỉ mỉ dặn tôi khi đi đứng, leo trèo phải cẩn thận thế nào. Lại nhớ vào năm học lớp lá, vì tranh giành món đồ chơi ưa thích tôi đã lao vào đánh nhau với cô bé cùng lớp. Hậu quả hai đứa đều có một ít “vết tích” trên mặt. Cô nghiêm mặt răn đe chúng tôi, tuy giọng nói vẫn rất nhẹ nhàng nhưng lại khiến hai chúng tôi không dám đánh nhau thêm lần nào nữa. Chả là đứa nào cũng sợ nếu không nghe lời sẽ chẳng được cô yêu thương nữa. Trải qua ba năm mẫu giáo dưới mái Trường mầm non Hoa Lư, đọng lại trong tôi là một ký ức sâu sắc về hình ảnh “cô giáo như mẹ hiền” của cô.

Trẻ luôn được là chính mình

Cũng vì tham gia hoạt động hội mà tôi càng có nhiều cơ hội trao đổi với cô Thảo về những hoạt động học tập, vui chơi của con mình. Tôi lại càng thêm yêu thương và kính trọng cô Thảo vì lòng yêu nghề, nhiệt huyết, luôn mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con trẻ.

Cô thường nói với tôi trẻ con như tờ giấy trắng, vì thế khi viết lên những tờ giấy này, chúng ta phải hết sức cẩn thận để tránh tạo ra “những vết đen”. Cô kỹ lưỡng đến từng nội dung dạy học, sao cho con trẻ luôn được sáng tạo, được là chính mình chứ không chịu sự áp đặt lối suy nghĩ của người lớn. Tôi nhớ trong một cuộc thi về nấu ăn tổ chức tại trường, các cháu nhỏ đã được tham gia nếm và đánh giá độ ngon của món ăn. Những kiến giải độc đáo của các cháu nhỏ khiến người lớn có mặt hôm đó bật cười và giật mình tự hỏi: “Sao bọn trẻ lại có thể nói hay đến vậy?”.

Trong chăm sóc sức khỏe các cháu, cô cũng có những chương trình chuyên đề rất bổ ích và thực tế. Nhận thấy nguy cơ béo phì không có lợi cho sức khỏe trẻ, cô thực hiện chương trình kêu gọi phụ huynh không gửi thêm sữa cho trẻ. Song song đó, cô tuyên truyền về lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, cũng như lượng sữa mà nhà trường cung cấp hằng ngày cho trẻ. Nhờ thế phụ huynh không gửi thêm sữa nhưng không có cháu nào bị suy dinh dưỡng, mà còn từng bước cải thiện tình trạng béo phì ở trẻ.

Tôi vẫn thường hay trêu cô là bận bịu như có con mọn vì lúc nào cũng thấy cô tất bật với các hoạt động, chương trình, chuyên đề trong dạy học cũng như chăm sóc sức khỏe con trẻ. Bên cạnh đó, cô cũng luôn quan tâm đến đời sống, tâm tình của giáo viên trong trường. Cô từng nói với tôi quan trọng không phải là tiền mà là cái tâm của phụ huynh dành cho giáo viên. Vì một khi đã xác định đến với nghề nuôi dạy trẻ, giáo viên đã biết trước rằng chẳng thể giàu có gì được với nghề này. Thế nên tình cảm phụ huynh mới là sự khích lệ cho người giáo viên thêm yêu nghề, yêu trường.

Chú trọng kỹ năng sống cho trẻ

Cô giáo Trần Thị Thu Thảo trong bài viết sinh năm 1964, hiện là hiệu trưởng Trường mầm non Lê Thị Riêng, Q.1 (TP.HCM). Đến Trường mầm non Lê Thị Riêng, được nghe khá nhiều chuyện thú vị về cô hiệu trưởng, người luôn nhận được nhiều tình cảm yêu mến của giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Cô Thảo rất thường lên ý tưởng, tổ chức những hoạt động bổ ích để trẻ vừa học vừa chơi. Cô tổ chức nhiều hoạt động lý thú cho các bé như đi dã ngoại, tham quan vườn rau ở Hóc Môn (TP.HCM) để các bé được thử làm nông dân một ngày. Các bé được học làm bánh, làm lồng đèn, làm giám khảo trong cuộc thi nấu ăn, còn biết tổ chức tiệc mừng 8-3 cho bà và mẹ.

Đúng với câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”, cô Thảo rất chú trọng việc dạy trẻ ăn uống chừng mực, lịch sự. Hằng tuần, ngoài việc ăn trong khay, các bé còn được tổ chức “bữa ăn gia đình”. Các bé được ăn theo mâm, dùng chén sứ và đũa như người lớn. Có bé mới 3-4 tuổi đã cầm đũa rất giỏi nhờ tuần nào cũng được tham gia “bữa ăn gia đình”.

Đặc biệt, cô còn lên ý tưởng cho các bé ăn buffet tại trường. Trong khi nhiều người lớn chen lấn, giành giật khi ăn buffet thì các bé mới 3-4 tuổi đã biết kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt. Các bé biết quan tâm đến bạn, không lấy quá nhiều thức ăn cho mình. Thông qua những hoạt động mà cô Thảo và nhà trường tổ chức, các bé được rèn những kỹ năng sống cần thiết ngay từ nhỏ, học được cách làm việc nhóm, tinh thần đồng đội, yêu thương gia đình.

Ý THI

PHẠM NHƯ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên