Thầy hãy dạy thêm lớp khácCô là thần tượng của conNảy mầm yêu thương
Cô Minh với nhiều sáng kiến dạy môn lịch sử để thu hút học sinh - Ảnh: Đ.Cường |
Và cho đến một ngày cô đã tìm ra cách dạy được bài dạy sử ấy...
“Ai dạy bài này thành công tôi sẽ bái phục”
"Có người hỏi tôi sợ gì, tôi chỉ sợ không được dạy sử, sợ vắng học sinh chắc tôi sẽ buồn mà chết mất. Dạy môn gì cũng cần giáo viên có đam mê, nhưng với môn sử thì niềm đam mê đó phải nhân lên gấp bội, nhất là trong thời buổi hiện nay" Cô Nguyễn Thị Kim Minh |
Trong căn phòng bộ môn lịch sử của Trường THCS Trần Quý Cáp (Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng), một tốp học sinh lớp 6 vây quanh cô Nguyễn Thị Kim Minh.
Cả nhóm chăm chú, lắng nghe từng câu chữ của bài “Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng” mà cô Minh đang lý giải trên tập giấy có in hình đồ họa màu sắc rất đẹp. Khi đến từng phần tường thành, công sự, dòng sông, thành trung, bộ binh, thủy binh... cô Minh lại giở từng trang giấy in hình thành Cổ Loa để minh họa.
Những trang ảnh với màu sắc, hình ảnh toàn cảnh, cận cảnh sinh động sắc nét khiến học sinh rất thích thú. Công Hoàng - học sinh lớp 6/1 - chia sẻ: “Nhìn hình ảnh cô Minh dạy dễ nhớ, dễ học và thú vị hơn trên sách nhiều. Tụi em hình dung rất rõ rệt về thành Cổ Loa là như thế nào”.
Cô Minh tâm sự thêm: “Hiện đang vào mùa thi học kỳ. Đây chỉ là một nhóm học sinh của trường tự đến phòng bộ môn lịch sử để tìm hiểu. Còn bình thường nếu vào giờ học, tôi sẽ trình chiếu hình ảnh trên máy chiếu, lung linh và sinh động như thật. Đến phần nào của thành Cổ Loa chỉ cần click chuột là sẽ hiện ra”.
51 tuổi, cô giáo gốc Hà Nội này vẫn giữ được lối nói chuyện “rất có lửa” và dễ dàng lôi cuốn người đối diện. Cô Minh nhẩm tính đến mốc năm 2010 là đúng 22 năm đứng trên mục giảng.
“Và tôi có một bài giảng thất bại 22 năm - đó là bài Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng” - cô Minh thừa nhận. Cô Minh nói rằng một bài lịch sử quá đồ sộ và hấp dẫn nhưng chỉ có 45 phút để giảng thì chẳng khác nào thầy bói xem voi. Giáo viên vẽ minh họa lên bảng để minh họa nhưng cũng chỉ là vẽ cho vui vì làm sao diễn tả cho được một công trình kỳ vĩ được xây dựng bằng đất. Vừa có thành nội, thành ngoại, vừa có đường sông, đường hầm thông ra đầm... “Tôi tự nhận mình thất bại với bài này. Khi đi trong đoàn thanh tra công tác chuyên môn tôi còn “thách” những đồng nghiệp của mình nếu ai dạy bài này thành công tôi sẽ bái phục là giáo viên giỏi ngay” - cô Minh nói.
Và mãi từ năm 2011 trở đi, cô Minh mới tự tin khẳng định mình đã vượt qua được bài giảng thất bại.
Chuyện “xây thành”
Năm đó cũng dịp tháng 5 này, cô Minh phải vất vả suốt ngày để chạy đi tìm một học sinh lớp 9 vì nghiện chơi game bỏ học. Bám theo miết thì cậu học sinh này vào một tiệm game. Cô Minh cũng vào tiệm, kéo ghế lại ngồi bên cạnh hỏi học sinh: “Em chơi gì mà ham quá vậy?”. Học sinh trả lời: “Dạ! Em chơi game bảo vệ thành”. Nghe học trò nói, nhìn lên màn hình máy tính cô Minh như vỡ lẽ về bài dạy sử mà mình đau đáu suốt hơn 20 năm qua. “Lúc đó tôi bắt đầu có ý tưởng dùng thiết kế đồ họa để mô phỏng thành Cổ Loa” - cô Minh thổ lộ.
Điều cô Minh băn khoăn nhất là vẫn chưa tìm ra cách thiết kế đồ họa xây dựng thành Cổ Loa. “Trong game thường có lệnh xây thành và mình phải tìm ra lệnh đó mới có thể xây thành được.
Việc dựng thành trên máy tính nhưng phải đúng sơ đồ, quy chuẩn như sách giáo khoa, chân thành to, trên thành nhỏ, hình xoắn ốc... Vì thế tôi phải ra Hà Nội nhờ con trai hướng dẫn. Chưa xong, lại về ĐH Bách khoa Đà Nẵng nhờ hẳn một sinh viên cùng tôi hì hụi suốt cả tháng để thiết kế đồ họa” - cô Minh cho biết. Và cô Minh đã xây dựng thành công mô hình thành Cổ Loa. Theo cô Minh, nếu trước đây học sinh nhìn vào sách chỉ có vài đường nét vẽ đơn sơ về thành Cổ Loa, thì nay với việc ứng dụng đồ họa, học sinh có thể chiêm ngưỡng công trình bằng đất của cha ông thật sinh động trên màn hình.
Và đề tài “Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng” của cô Minh đã đoạt giải nhì hội thi sáng tạo khoa học toàn quốc năm 2011. Nhưng điều cô Minh vui nhất là: “Mỗi lần đến giờ học các em lại hào hứng, có em nhảy cẫng lên khi thấy hình thành Cổ Loa được chiếu. Thậm chí khi hết giờ học, nhiều em còn ngồi lại nói cô cho em xem lại hình”.
Dạy sử phải luôn tươi mới Với câu hỏi: “Khi thiết kế bài học cho học sinh dựa vào game, trong khi game đang là vấn đề nhức nhối và bị xem là tiêu cực trong đời sống, cô có ngại điều đó không?”, cô Minh nói: “Vì sao học sử học sinh dễ chán nhưng nhìn vào game thì mê? Vấn đề là dùng game để phục vụ bài học sinh động cuốn hút chứ không phải là khuyến khích học sinh chơi game”. Vì thế năm 2012-2013, cô Minh tiếp tục ứng dụng đồ họa game và hoạt hình cho bài lịch sử “Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền”. Với sự kiện, cô Minh còn lồng tiếng của mình và học sinh vào bài dạy. Cô Minh còn sưu tầm phim hoạt hình về cắt, dán lại để làm hình ảnh động chiếu cho học sinh. Cô Minh nhận định: “Dạy sử phải luôn tươi mới, phá cách mới hấp dẫn học sinh được”. |
Mua tiền cổ về để dạy sử Nhìn vào phòng bộ môn lịch sử của Trường Trần Quý Cáp giống như một bảo tàng lịch sử thu nhỏ. Chỉ tay vào tủ đựng các loại tiền cổ, tiền cũ, cô Minh cho biết: “Có tờ tiền tôi phải bỏ 1,5 triệu đồng để mua về trưng bày ở đây. Khi dạy lịch sử cho học sinh, để các em cầm trên tay, nhìn bằng mắt thật như vậy mới hấp dẫn được”. Không chỉ vậy, trong những lần cùng gia đình đi Huế, cô Minh còn gùi về cả túi chum chén để làm dụng cụ phục vụ việc dạy sử. Thầy Nguyễn Văn Bảy - hiệu trưởng nhà trường - nhận định: “Môn sử ai cũng nói được nhưng quan trọng là sự khác biệt và cô Minh làm nên điều đó bằng phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy nên học sinh rất thích thú”. Theo thầy Bảy, cô Minh không chỉ đi đầu trong sáng tạo dạy học, mà từ 3-4 năm nay năm nào cô cũng có đề tài khoa học nhận giải TP, quốc gia và được ứng dụng vào thực tế. Thầy Bảy cũng cho biết thêm phòng bộ môn lịch sử của trường hiện là phòng duy nhất đạt chuẩn quốc gia của Đà Nẵng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận