Thầy hãy dạy thêm lớp khácCô là thần tượng của conTôi tự hào là người Việt Nam
Phóng to |
Cô Dung và tác giả bài viết - Ảnh: Mỹ Duyên |
Giờ văn của cô không chỉ là giờ học văn hóa mà còn là những giờ học đạo đức, như cô vẫn nói “văn học là nhân học”.
Cô dạy học sinh cách sống, cách yêu thương, cách làm người, cách cho đi mà không cần nhận lại. Và tất cả học sinh đều cảm nhận sâu sắc được sự yêu thương từ cô.
Học sinh nào cũng ao ước được cô chủ nhiệm lớp mình. Cô dạy bảo các em bằng tình yêu thương, sự khoan dung và lòng vị tha, cô không bao giờ la mắng hay đánh đòn bất cứ em nào dù các em có phạm lỗi gì.
ThầyĐẶNG VĂN PHA (hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình): Chỗ dựa tinh thần Hầu hết các lớp cô Mỹ Dung dạy đều không có học sinh bỏ học và đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%. Cô hiểu rõ năng lực và nắm bắt tâm tư tình cảm của từng học sinh mình phụ trách, quan tâm đời sống tinh thần của các em. Vì thế, khi học sinh có những chuyện không vui trong cuộc sống, khó khăn ở gia đình, các em luôn tìm đến cô để tâm sự, chia sẻ. Không chỉ học sinh lớp chủ nhiệm, học sinh các lớp được cô giảng dạy môn văn cũng rất yêu quý cô, xem cô như thần tượng và chỗ dựa về tinh thần. |
Nhiều học sinh cá biệt đã được cô cảm hóa, các em dần trở thành những học sinh ngoan, ra trường là những người có ích.
Ngày 20-11 hằng năm, học sinh đã ra trường về thăm cô rất đông, tìm cô để được nghe giọng nói của cô, nghe lại giọng văn mượt mà giàu tình cảm mà lâu lắm rồi các em không được nghe.
Các em học sinh ra trường vẫn hay gọi cô là “má Dung” - cái tên nghe thân yêu và gần gũi.
Không những dạy văn hay, cô còn là chuyên gia tư vấn tâm lý cho học sinh. Khi gặp chuyện khó nói các em đều tìm đến cô để tâm sự hoặc viết thư cho cô.
Cô chính là người đã gỡ rối cho rất nhiều trường hợp. Ngay cả những vụ đánh nhau dù giám thị có làm đủ mọi cách các em vẫn kiên quyết không khai, nhưng rồi sau đó vẫn có một vài em giãi bày với cô và được cô giải quyết mâu thuẫn một cách tốt đẹp.
Lớp cô chủ nhiệm năm nay có nhiều học sinh cá biệt. Nhưng cô không buồn vì điều đó, cô vẫn ngày ngày trao cho các em sự yêu thương chân thành. Học sinh nghỉ học, cô đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh và vận động đi học lại.
Học sinh không có giày, áo quần cô xin nhà trường hỗ trợ và cũng đã trích một phần tiền lương của mình để giúp các em. Cô còn bỏ thời gian nghỉ trưa, những ngày nghỉ của mình để dò bài, phụ đạo cho học sinh yếu. Lớp cô dần ngoan lên và có sự tiến bộ rõ rệt.
Và gần đây nhất, khi cô bị bệnh phải nhập viện, lúc này tôi mới thấy rõ hơn những năm tháng mà cô vất vả gieo hạt giống yêu thương giờ đã nảy mầm và ra hoa kết quả.
Học sinh đang học cũng như những em đã ra trường nhiều năm khi nghe tin cô bệnh đều tìm đến bệnh viện thăm cô. Hết nhóm này đến nhóm khác, chật kín cả phòng bệnh. Còn hạnh phúc nào hơn khi học sinh đã ra trường mà vẫn còn nhớ đến thầy cô, những người khách sang sông năm nào vẫn tìm về con đò, bến cũ để cảm ơn người lái đò thầm lặng đã đưa khách sang sông.
Cô vẫn hay nói với những giáo viên trẻ như tôi: “Hãy trao yêu thương rồi các em sẽ nhận lại yêu thương”.
Ấm áp tình thầy trò Trời Sài Gòn những ngày tháng tư nắng như đổ lửa, ở ngoài kia không khí ngột ngạt, oi bức và thật khó chịu nhưng trong căn phòng này lại ấm áp và tràn đầy tình cảm yêu thương của các em học sinh dành cho tôi. Các em nhễ nhại mồ hôi vì đã đạp xe một quãng đường khá dài đến bệnh viện thăm tôi, tốp ngồi cạnh tôi, tốp khác ngồi bệt xuống đất bên giường bệnh. Theo đó là những tiếng chào, hỏi thăm sức khỏe tới tấp làm tôi không kịp trả lời. “Cô ơi cô khỏe chưa?”, “Cô ơi khi nào cô về?”, “Cô ơi con được điểm 9 môn hóa nè cô”, “Cô ơi lớp mình dạo này ngoan lắm” - những câu nói đã làm tôi vơi bớt nỗi nhớ trường, nhớ lớp trong những ngày qua. Từng thế hệ học trò đi qua tôi không sao nhớ hết, vậy mà đến lúc này đây các em lại tụ về đông đủ. Tôi vừa xúc động vừa cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Xúc động nhất là có cậu học trò làm việc tại bệnh viện tôi đang điều trị đến thăm. Em nói: “Em thấy các em mặc đồng phục Trường Nguyễn Thái Bình vào bệnh viện thăm cô, hỏi ra mới biết là cô. Giờ này đang có ca trực nhưng em nhờ bạn trực thay để đến thăm cô vì được biết ngày mai cô xuất viện rồi”. Em hỏi thăm tôi vài câu rồi chào tôi để tiếp tục ca trực của mình. |
Cả trường cùng viết bài Chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương” đã nhận được 11 bài viết từ tập thể giáo viên, công nhân viên và phụ huynh của một trường mầm non tại TP.HCM. Mười một bài viết là mười một lời chia sẻ chân thành về sự tận tâm của những người làm việc tại đây khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Ban giám hiệu chia sẻ về cô tạp vụ cần mẫn, chú bảo vệ nóng tính nhưng làm việc một thời gian đã ôn hòa, chịu khó, dễ thương trong mắt bọn trẻ. Phụ huynh tâm tình về người cô đã dạy mình từ những ngày đầu tiên biết trường lớp, nay họ cảm thấy hạnh phúc khi con em cũng được học dưới mái trường do cô làm hiệu trưởng. Các giáo viên nói về lòng mến mộ lẫn nhau trong công tác giảng dạy cũng như yêu thương trẻ... Bên cạnh đó, chuyên mục cũng nhận được bài viết của các tác giả Đỗ Thị Thảo Quyên (Long An), Lê Thị Hồng (Tiền Giang), Hồ Tấn Nguyên Minh (Phú Yên), Thái Hoàng, Thanh Trắc Nguyễn Văn (TP.HCM), Minh Đức (Nghệ An), Vũ Xuân Minh, Kiều Dương (Hà Nội)... “Dạy học bằng cả yêu thương” là chuyên mục do báo Tuổi Trẻ cùng Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp thực hiện. Chuyên mục tôn vinh những nhà giáo giỏi, tận tâm với học trò nhằm khẳng định hình ảnh đẹp, mẫu mực của nghề giáo, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo. Bạn đọc có thể tham gia bằng cách gửi bài, ảnh hoặc cung cấp thông tin về các tấm gương thầy cô giáo... (những thông tin cung cấp có giá trị về các tấm gương thầy cô giáo sẽ được Tuổi Trẻ tặng quà) qua địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư xin ghi rõ chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương”. Bài tham gia xin vui lòng ghi rõ địa chỉ tác giả, tài khoản ngân hàng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận