Tôi tự hào là người Việt Nam

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Chương trình dạy tiếng Anh mà trò thích thú học, thầy hào hứng dạy này đang được triển khai tại các lớp tăng cường tiếng Anh bậc tiểu học ở TP.HCM.

s8l6jB76.jpgPhóng to
Cô Đoàn Ngọc Thùy Dung và học sinh lớp 3A Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (Q.3, TP.HCM) trong một tiết học “Tôi tự hào là người Việt Nam” - Ảnh: Như Hùng

Học sinh ở thành phố có thể nói tiếng Anh rất giỏi nhưng lại ậm ừ, không tự tin khi “bị” hỏi về ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng, về chủ tịch nước, về các tỉnh thành trên cả nước, về đặc sản vùng miền... Những giờ học văn hóa Việt bằng tiếng Anh tại các lớp tăng cường tiếng Anh ở TP.HCM bắt nguồn từ những lần ậm ừ như thế.

Học văn hóa Việt bằng tiếng Anh

"“I am proud to be a Vietnamese” không chỉ giúp bé học tốt tiếng Anh mà đồng thời còn giúp bé có thể sử dụng tiếng Anh để giới thiệu với bạn bè năm châu về quê hương đất nước VN mến yêu với một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và để giúp các bé luôn thấy tự tin và tự hào “Tôi là người VN”"

Ông Lê Ngọc Điệp(nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)

Giờ tiếng Anh của cô Đoàn Ngọc Thùy Dung ở lớp 3A Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, Q.3, TP.HCM. Học sinh học với giáo trình “I am proud to be a Vietnamese” (Tôi tự hào là người VN). Trong sách có sẵn tấm bản đồ đất nước cong cong hình chữ S, các vùng, miền được tô bởi những màu sắc khác nhau. Chưa có tên địa danh nào. Đầu tiên, giáo viên hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi: VN giáp với những nước nào? Nước đó nằm ở vị trí nào trên bản đồ? Sau khi diễn đạt bằng tiếng Anh, học sinh gỡ những miếng dán (sticker) có ghi tên địa danh Lào, Trung Quốc, Campuchia... dán vào những vị trí tương ứng trên bản đồ.

Tiếp theo, thủ đô của nước mình? Thành phố chúng ta đang sống? Quê của ba, nơi mẹ sinh ra? Hoàng Sa, Trường Sa nằm ở đâu? Có bao nhiêu tỉnh thành trên cả nước? Thấm thoắt, tấm bản đồ “mộc” ban đầu đã nên hình nên dáng, đầy màu sắc của những miếng dán các địa danh.

Ở lớp 3, học sinh còn được học một chương riêng về chủ tịch nước, điều mà phần lớn học sinh tiểu học ở VN cảm thấy khá xa lạ. Chủ tịch nước đầu tiên của nước ta là ai? Các đời chủ tịch nước ở VN? Chủ tịch nước hiện tại là ai, tên đầy đủ của ông là gì, ông có bao nhiêu người con, phu nhân của chủ tịch nước là ai? Những câu hỏi nghe rất “người lớn” nhưng đưa vào chương trình học cho trẻ con cứ nhẹ nhàng như không. Bởi trước đó, trẻ được giáo viên khuyến khích cùng ba mẹ tìm kiếm các tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ, về các đời chủ tịch nước và chủ tịch nước hiện tại thông qua tranh, ảnh trên báo chí, các trang web. Các em cũng được tô màu và nói về ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng, cách chào cờ và hát quốc ca.

Vào lớp, trẻ được hướng dẫn điền các thông tin vào chỗ trống bằng các hoạt động xé, dán, tô màu, điền chữ. Phần cuối chương là bức thư gửi cho chủ tịch nước còn để trống nội dung. Những câu hỏi ngộ nghĩnh, ngây thơ. Có em hỏi: Bác có biết tiếng Anh không? Hồi nhỏ bác thích học môn gì nhất? Có em viết: “Thưa chủ tịch nước, con muốn có một sân trường rộng hơn”, “Liệu chủ tịch nước có muốn ghé thăm trường và chơi cờ vua với con không?”.

Ở lớp 4, học sinh được hướng dẫn để trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Khi gặp những người bạn nước ngoài, học trò sẽ có thể tự tin giới thiệu cho họ các món ăn VN, những điểm du lịch, bãi biển nổi tiếng, nên đi chợ nào, thăm những kỳ quan nào... “Đến phần này, có học sinh thốt lên khi học bài giới thiệu về chợ: “Em đã từng đi chợ nổi nhưng giờ mới biết trong tiếng Anh chợ nổi là floating market” - cô Thùy Dung kể.

Học để tự hào

Giáo trình “I am proud to be a Vietnamese” - một tài liệu tham khảo dành cho lớp tăng cường tiếng Anh của học sinh bậc tiểu học tại TP.HCM suốt hai năm nay - được giáo viên và học sinh thích thú bởi đây là lần đầu tiên có một cuốn giáo trình tiếng Anh do người VN biên soạn. Điều đặc biệt, cuốn sách rất VN nhờ những hình ảnh nón lá, áo dài, nhưng cũng rất hiện đại bởi được thiết kế hai trong một. Vừa là sách vừa là vở của học sinh. Mọi hoạt động tiếp thu bài đều thể hiện trên sách: học trò dán hình ảnh tư liệu, tô màu, trang trí, viết những suy nghĩ, hiểu biết của mình bằng tiếng Anh vào sách. Kết thúc năm học, những phần trình bày của học trò được tách rời rất dễ dàng và đóng thành một tập sách mới mà tác giả “mới” là những học sinh tiểu học.

Cô Diễm Trang, giáo viên tiếng Anh Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ, quận 4, TP.HCM, kể: “Khác biệt lớn nhất là trước đây mỗi lần các trường học VN giao lưu với các đoàn khách nước ngoài, giáo viên thường soạn sẵn bài giới thiệu về trường, về đất nước, về các điểm du lịch nổi tiếng... Còn bây giờ học trò đã rất tự tin để tự giới thiệu theo cách của các em, và giới thiệu một cách rất tự hào về trường lớp mình, thành phố mình, đất nước mình. Ngoài tích hợp dạy các cấu trúc câu, học sinh còn mở rộng vốn từ về các lĩnh vực địa lý, lịch sử, du lịch. Những bài học này là bước đầu tiên và đơn giản để trẻ được vun đắp về văn hóa và tự hào về văn hóa Việt”.

Trong khi đó, cô Đỗ Thanh Thúy, giáo viên dạy tiếng Anh tại Hóc Môn, cho biết học sinh rất thích thú và ấn tượng bởi các hoạt động xé dán, tô màu, tự biên soạn sách khi học chương trình này. “Lần đầu tiên những kiến thức về văn hóa của VN hết sức gần gũi được chuyển tải trong tiết học tiếng Anh. Bởi trước đây với các giáo trình chính khóa do người nước ngoài biên soạn, học sinh được học về các kỳ quan thế giới, món ăn phương Tây. Khi được tìm hiểu về chính đất nước mình, học sinh mới thấy thật sự gần gũi, thích thú” - cô Thúy chia sẻ.

Cũng theo cô Thúy, kỹ năng nói và viết của các em tăng đáng kể bởi đây đều là những kiến thức các em tự tìm hiểu và diễn đạt theo cách nghĩ của mình. Và ngược lại khi tìm hiểu, chuẩn bị bài dạy để hướng dẫn học sinh, chính giáo viên cũng được bổ trợ thêm nhiều kiến thức về chính đất nước mình, đó là điều mà giáo viên cảm thấy hứng thú khi giảng dạy những bài học “Tôi tự hào là người VN”.

* Cô Nguyễn Hồ Thụy Anh (chuyên viên môn tiếng Anh, Sở GD-ĐT TP.HCM, tác giả giáo trình “I am proud to be a Vietnamese”):

Biến chuyện cao siêu thành gần gũi

Chúng tôi nghĩ đến việc phải có một cuốn sách văn hóa bằng tiếng Anh để trẻ con tiểu học có thể tự hào giới thiệu về đất nước mình, tự hào nói rằng tôi là người VN. Trẻ con là những chủ nhân tương lai của đất nước, các em cần được dạy tự hào về đất nước mình từ lứa tuổi này. Có những chủ đề tưởng là cao siêu, phức tạp với trẻ con, nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta đưa như thế nào. Khi được nhìn, nghe, hoạt động, trẻ sẽ tiếp nhận những chủ đề ấy một cách nhẹ nhàng và gần gũi”.

"Dạy học bằng cả yêu thương" là chuyên mục do báo Tuổi Trẻ cùng Sở GD-ÐT TP.HCM phối hợp thực hiện, xuất hiện mỗi tuần hai kỳ vào thứ hai và thứ sáu. Chuyên mục tôn vinh những nhà giáo giỏi, tận tâm với học trò, nhằm khẳng định hình ảnh đẹp, mẫu mực của nghề giáo, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo. Bên cạnh đó, chuyên mục cũng là sự động viên, hun đúc lòng yêu nghề của giáo viên trẻ, phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm trong việc dạy và học...

Mời bạn đọc tham gia chuyên mục này bằng cách gửi bài, ảnh hoặc cung cấp thông tin về các tấm gương thầy cô giáo... (những thông tin cung cấp có giá trị về các tấm gương thầy cô giáo, sẽ được Tuổi Trẻ trao quà tặng) qua địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư xin ghi rõ chuyên mục "Dạy học bằng cả yêu thương", bài tham gia xin vui lòng ghi rõ địa chỉ tác giả, tài khoản ngân hàng).

TUỔI TRẺ

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên