Như Tuổi Trẻ Online thông tin, tại hội nghị về giảm thời gian chờ khám và cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện, vừa được Bộ Y tế tổ chức sáng 18-5, người đứng đầu ngành Y tế nhấn mạnh: "Trong số hơn 20% người bệnh chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ, tỉ lệ chưa hài lòng về nhà vệ sinh bệnh viện là nhiều nhất. Nhà vệ sinh bẩn thì bệnh viện không thể xếp thứ hạng cao được, nhà vệ sinh bẩn thì tức là giám đốc bẩn, trưởng khoa bẩn".
Ngay lập tức, phát biểu thẳng thắn và quy trách nhiệm cụ thể này đã nhận được sự đồng tình của dư luận.
"Hay lắm Bộ trưởng. Vào bệnh viện người dân đã tốn bao nhiêu tiền viện phí rồi, lấy tiền đó mà làm cái nhà vệ sinh sạch sẽ đi."
Ý kiến bạn đọc Tiến Cường
Cho đây là một thực tế tồn tại kéo dài trong thời gian qua, nhưng phần lớn mọi người đều ngại đăng đàn phát biểu, bạn đọc tên Thuy viết: "Hoan hô Bộ trưởng! Nếu làm được thì sau này không phải ám ảnh nhà vệ sinh của bệnh viện nữa!"
Đồng tình với nhận định này, bạn đọc Nhật Tài bổ sung: "Khi đến bệnh viện thì ai cũng nghĩ là nơi sạch sẽ vô trùng nhưng hầu hết nhà vệ sinh đều bẩn kinh khủng."
Đi tìm câu trả lời vì sao nhà vệ sinh bệnh viện bẩn, bạn đọc Tran Tuan Dinh lý giải: "Ở Mỹ và các nước phát triển bệnh nhân và nhân viên bệnh viện dùng chung nhà vệ sinh (không có nhà vệ sinh dành riêng cho nhân viên). Đây là cách đơn giản nhất và nhanh nhất để giải quyết tình trạng tệ hại kinh niên của nhà vệ sinh trong bệnh viện công ở nước ta".
Từ gợi ý này, bạn đọc Lê Thành Đức đề xuất: "Đề nghị tất cả từ khách thăm, giám đốc bệnh viện đến bác sĩ, bệnh nhân, người nhà đều dùng chung nhà vệ sinh trong bệnh viện".
Cũng còn một lý do góp phần dẫn đến tình trạng này là ý thức của người dân. Về chuyện này, bạn đọc Hoa Mai viết: "Ý thức của người Việt mình khi đi vệ sinh công cộng quá kém. Muốn nhà vệ sinh bệnh viện sạch sẽ, bệnh viện và mỗi người dân phải cùng chung tay thôi..."
Về đề xuất tăng cường nhân viên làm vệ sinh cho bệnh viện, bạn đọc Minh Long hiến kế như sau:
"Lao công ở bệnh viện cực lắm, gấp vài chục lần ở trường học trung cấp trở lên. Chính vì vậy để đảm bảo sạch sẽ cần phải:
* Biện pháp 1:
1a. Tăng lương cho lao công (tùy khu vực)
1b. Tăng chi phí hỗ trợ (sáp thơm, nước vệ sinh,...)
1c. Dán thông báo "Giữ vệ sinh chung" (hoặc đại loại thế)
1d. Hợp đồng lao động cần ghi rõ "cam kết" thực hiện tốt vai trò lao công, đảm bảo giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thơm tho.
* Biện pháp 2:
Ngoài lương cơ bản thì tổ chức khen thưởng thêm phụ cấp cho lao công nào làm tốt nhiệm vụ. Cái này cần có thang chấm điểm do "người tham gia" ký xác nhận. (A,B,C,...)
Cuối tháng cứ xét theo điểm mà tặng trợ cấp."
Đã chỉ ra lỗ hỏng trong quản lý, không né tránh bất kỳ điều gì - dù đó là chuyện 'tế nhị' một số bạn đọc đề nghị cần phải có giải pháp mạnh mới để nhà vệ sinh bệnh viện không còn là nỗi kinh hoàng của người dân.
Về chuyện này, bạn đọc Tuấn Mạnh viết: "Năm 2016 Bộ trưởng đã từng nói "Nhà vệ sinh bệnh viên bẩn thỉu, giám đốc chịu trách nhiệm", năm 2018 lại vẫn là vấn đề nhà vệ sinh. Vậy đã có ông giám đốc bệnh viện nào bị xử lý chưa? Mấy năm mà 1 vấn đề nhỏ thế này không giải quyết được thì làm sao cải tiến các nội dung phức tạp hơn chứ!?"
Làm sao để nhà vệ sinh bệnh viện không còn là nỗi ám ảnh của người dân? Giải pháp không có nhà vệ sinh dành riêng giám đốc bệnh viện, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện liệu có khả thi? Mời bạn hiến kế cho Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận