01/05/2023 20:02 GMT+7

Có gì ở đèn tảo của nhóm sinh viên được USAID Mỹ tài trợ?

Nhóm sinh viên ước tính một chiếc đèn tảo có thể cho lượng oxy bằng 10 - 20 cây xanh nhỏ trồng trong nhà.

Có gì ở đèn tảo của nhóm sinh viên được USAID Mỹ tài trợ? - Ảnh 1.

Nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa và chiếc sản phẩm đèn tảo tạo oxy - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Bạn Phạm Nguyễn Thành Danh - sinh viên khoa cơ khí, Trường đại học Bách khoa, thành viên nhóm làm đèn tảo - chia sẻ rằng mọi người thường ít biết một nguồn tạo oxy "khổng lồ" là tảo.  

Ánh đèn là "điều kiện cần" giúp tảo "làm việc" và sản sinh oxy. Một trục quay vận hành liên tục giúp tảo bên trong được tiếp xúc đều với ánh sáng, tăng hiệu suất sản sinh oxy.

Oxy được tạo thành sẽ theo lỗ thông khí phía trên đi ra bên ngoài. Nhóm ước tính một chiếc đèn tảo có thể cho lượng oxy bằng từ 10 - 20 cây xanh nhỏ thường đặt trong nhà.

Theo Danh, điều đặc biệt ở tảo là chúng không lấy oxy để tạo "ngược" lại CO2 vào ban đêm như hầu hết các loại cây xanh, nên có thể để an toàn trong phòng ngủ. 

Có gì ở đèn tảo của nhóm sinh viên được USAID Mỹ tài trợ? - Ảnh 2.

Chiếc đèn tảo của nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Bạn Huỳnh Lê Hùng - sinh viên khoa cơ khí, thành viên dự án - cho biết sau khi nghiên cứu một số sản phẩm khác, nhóm nhận thấy một hạn chế là giá thành rất mắc, do người dùng thường xuyên phải thay nước tảo.

Để cải tiến, nhóm tính cách cho tỉ lệ tảo luôn được giữ ở mức vừa phải. Ở phần gần dưới đế, nhóm đưa vào thiết bị tích hợp tia UV, vừa không cho tảo sinh sản quá mức, vừa giúp lọc nước.

Phía cuối cùng là một màn lọc tảo chết. Số tảo chết này có thể được dùng để làm phân bón. "Chúng tôi ước tính tảo có thể hoạt động từ 4 - 6 tháng mới cần thay mới. Các sản phẩm hiện nay thường phải thay nước trong 2 - 4 tuần", Hùng nói.

Theo Hùng, chi phí làm một sản phẩm của nhóm là 2 triệu đồng, giảm từ 2 - 3 triệu đồng so với một số sản phẩm hiện nay. Nếu được chuẩn hóa quy trình công nghiệp, sản phẩm sẽ có chi phí rẻ hơn.

PGS.TS Phan Thị Mai Hà - giảng viên khoa cơ khí, Trường đại học Bách khoa - chia sẻ điểm đặc biệt của đèn tảo của nhóm sinh viên nằm ở chỗ đây là một hệ thống tuần hoàn.

Tảo được nuôi trong một mô hình khép kín với những điều kiện thuận lợi để kéo dài tuổi thọ, từ đó tăng hiệu quả sản sinh oxy.

Tháng 4-2023, chiếc đèn tảo này của nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa là 1 trong 28 dự án trong buổi trưng bày Đổi mới sáng tạo và Kinh doanh (IEC), do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ.

Có mặt tại buổi trưng bày, ông Adam Moussawi - Thực tập tham tán kinh tế, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM - nhận xét sản phẩm đèn tảo của sinh viên đã giải quyết được bài toán gia tăng lượng oxy cho không gian sống hiện đại. 

Đồng thời, dự án cũng có nhiều tiềm năng để tiếp tục các bước tiếp theo trên đường ra thị trường.

Sinh viên sáng tạo công nghệ lọc nước sạch cho ao nuôi tômSinh viên sáng tạo công nghệ lọc nước sạch cho ao nuôi tôm

Công nghệ của nhóm sinh viên có thể giúp giảm thiểu việc lạm dụng hóa chất dùng để làm sạch các ao nuôi tôm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên