04/05/2016 09:40 GMT+7

​Cô gái trẻ và 21 bức thư mời học

D.KIM THOA (Theo CNN)
D.KIM THOA (Theo CNN)

TTO - 17 tuổi, nữ sinh Kelly Hyles, người nhập cư Mỹ gốc Guyana, vừa nhận được 21 thư mời nhập học, trong đó có tới tám trường thuộc nhóm các trường đại học tư thục danh giá nhất ở Mỹ - Liên đoàn Ivy (Ivy League) như Harvard, Yale, Princeton, MIT...

Nữ sinh Kelly Hyles (trái) - Ảnh: Localtvwreg
Nữ sinh Kelly Hyles (trái) - Ảnh: Localtvwreg

Thời trung học, Hyles là một trong số hơn 20 học sinh da đen của lớp có hơn 130 học trò. Cô bé sớm nhận ra số học sinh da đen giảm dần không phải vì năng lực học tập mà chủ yếu do thiếu tự tin và thiếu sự chuẩn bị.

Để thay đổi quan niệm tự hoài nghi bản thân, cô bé nâng dần sự tự tin qua ba mùa hè làm người hướng dẫn các bạn khác tại trường trung học cũ ở Brooklyn thông qua chương trình DREAM chuyên hỗ trợ các học sinh muốn thi vào trường Hyles đang học.

Kỳ thi SAT đầu tiên vào tháng 5-2015 khiến Hyles thất vọng vì không đạt được mục tiêu mong muốn. Vậy là dốc sức học, không tiền mua sách mới, cô mượn lại sách của bạn trong lớp. Mỗi đêm cô chỉ ngủ năm tiếng.

Hiểu rõ mẹ sẽ không đủ tiền trang trải nếu mình không giành được học bổng, Hyles sẵn sàng dành mọi ưu tiên cho việc học dù đôi lúc cô thiếu nữ 17 tuổi cũng muốn có thời gian đi xem phim hay tiệc tùng cùng bè bạn.

Năm 2014 cô bé và hai bạn khác đã thành lập hội học sinh da đen ở trường trung học khi nhận thấy “không có câu lạc bộ nào trong trường mà ở đó học sinh có thể nói lên những bức xúc của họ”.

Hội này nhóm họp hằng tuần để cùng trao đổi về những vấn đề xã hội và cả những thành tích tuyệt vời của người da đen. Mỗi tháng một lần, Hyles tổ chức sự kiện “Blackout day” để tôn vinh văn hóa của người da đen với các thành viên khác.

Cô bé mạnh mẽ bảo: “Tôi không xem chủng tộc hay giới tính của mình là những yếu tố hạn chế bản thân, mà coi đó là lý do để mình học tập chăm chỉ hơn”.

Cũng quan điểm lạc quan ấy khi nhìn về hiện tượng “sốc văn hóa”, Hyles lại thấy đó là trải nghiệm khó khăn đã dạy cô cách sống tập thích nghi.

Hyles nhớ mãi lần đang đạp xe trên đường gặp một bác gái lớn tuổi, cô bé lễ phép chào bà và gọi bà là “dì” như cách chào quen thuộc ở ngôi làng tại Guyana. Nhưng người phụ nữ đã nhìn Hyles như thể cô bé bị điên.

Và bài học vỡ lòng về những nguyên tắc thích nghi văn hóa đã được rút ra theo thời gian sau những lần như thế. 

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và “lì lợm” đã là hành trang dày dặn để Hyles sẵn sàng nhập cuộc ở một trong số hơn 20 trường đại học trên toàn nước Mỹ đã gửi thư mời. Hyles bảo mặc dù Harvard là ngôi trường mơ ước nhưng lúc này Hyles vẫn đang cân nhắc cho những lựa chọn khác.

D.KIM THOA (Theo CNN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên