08/01/2013 06:20 GMT+7

Cô gái "không gục ngã" trở lại

NGUYỄN BÍCH LAN
NGUYỄN BÍCH LAN

TT - Bạn đọc đã xúc động với Nguyễn Bích Lan “Không gục ngã” trên Tuổi Trẻ và giờ cô gái ấy lại xuất hiện với tự truyện đời mình.

Đó là những chi tiết, diễn biến nội tâm sâu thẳm mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được để trải lòng mình. Phép mầu đã được trao cho cô gái tưởng chừng không qua được tuổi 18? Hay chính cô làm ra phép mầu cho mình?

Utozyp65.jpgPhóng to
Bệnh tật không quật ngã được Bích Lan- Ảnh: Quốc Việt

Kỳ 1: Phép mầu kỷ luật

Tôi từng trải những ngày dằng dặc, chông chênh. Buổi sáng, hễ cứ mở mắt thì y như rằng tôi đối mặt với nỗi sợ khủng khiếp: phải làm gì cho hết mười hai giờ đồng hồ. Có cách nào để giết từng giờ, từng phút? Tôi đã không khóc vì đau, vì tuyệt vọng. Nhưng tôi khóc vì ngày của mình dài quá mà chẳng có cách nào giết thời gian.

0dNewSlo.jpgPhóng to
Nguyễn Bích Lan
Những tờ lịch xé

Tôi không chịu đựng nổi việc dính chặt vào giường, giả vờ mình chẳng có lý do gì để rời nơi nhàm chán ấy. Tôi cũng không chịu nổi mọi người trong nhà tất bật, còn mình ngồi không, chẳng làm gì. Mỗi lần đứng lên, ngồi xuống, tôi đều phải nhờ người giúp, nên tôi chọn cách đứng cả ngày nhìn ra khoảng không ngoài cửa sổ để hạn chế phiền người khác. Tôi nhìn vào hư vô, tấm gương phản chiếu sự trống rỗng lòng mình.

Tôi không biết điều gì xảy ra nếu sự trống rỗng ấy kéo dài mãi. Thật may, một thay đổi đã xảy ra. Mùa thu năm 1992, em trai tôi học lên cấp III, sau ngày khai giảng, em mang về cuốn sách giáo khoa tiếng Anh và khoe mình bắt đầu học môn này. Cậu ấy hào hứng như thể đã đợi suốt chín năm để có cơ hội được đọc một từ tiếng Anh. Ngồi học bài, em không ngại đọc oang oang từng từ tiếng Anh bằng giọng ngàn ngạt bẩm sinh. Những từ ấy như những mảnh nhỏ rất thực, rất lạ lẫm, gợi tò mò ào ạt bay vào thế giới trống rỗng của tôi. Tôi dùng tâm trí chộp lấy những mảnh nhỏ đó như đứa trẻ chộp lấy đồ chơi ao ước.

Hằng ngày, tôi đón những từ tiếng Anh bay ra từ buồng em học bài. Tôi lật đi lật lại trong đầu những từ học lỏm được, lẩm nhẩm đọc chúng cho đến thuộc lòng. Những lúc em tôi không dùng sách giáo khoa tiếng Anh, tôi mò mẫm tìm những từ mà tôi đã biết phát âm. Tôi chép chúng ra mặt sau những tờ lịch xé, lên bìa vở soạn bài không còn dùng của mẹ. Ngày qua ngày, tôi chép gần như trọn vẹn các bài khóa, tạo ra bản sao chắp vá của cuốn sách giáo khoa tiếng Anh lớp 10. Tôi học thầm, không muốn cho ai biết, vì nghĩ trong mắt người khác, việc học hành đối với tôi quá xa xỉ, ngớ ngẩn và thế nào cũng bị ngăn.

Tôi viết thư cho em họ đang học năm nhất Đại học Ngoại ngữ Hà Nội để mượn những cuốn sách tiếng Anh em đã học. Khi việc tự học của tôi công khai, tôi mới biết hóa ra không ai ngăn mà còn được ủng hộ nhiệt tình. Em họ gửi cho tôi cả chục quyển sách học tiếng Anh, từ sách giáo trình, dạy ngữ pháp đến sách rèn kỹ năng đọc hiểu.

Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 ở Hưng Hà, Thái Bình. Năm lớp 8, cô mắc bệnh nan y loạn dưỡng cơ tiến triển gây co rút cơ thể, thoái hóa đa khớp, suy tim mà nhiều người không qua được tuổi 18. Nhưng cô vẫn tự học ở nhà, trở thành giáo viên tiếng Anh, dịch giả, tác giả nhiều tác phẩm đi vào lòng bạn đọc. Năm 2010, cô được kết nạp vào Hội Nhà văn VN và đoạt giải thưởng Hội Nhà văn với tác phẩm dịch Triệu phú khu ổ chuột... Nhà bảo tàng Phụ nữ VN vinh danh cô là một trong những chân dung phụ nữ đương đại.

Tự học có nghĩa là tự nguyện khép mình vào kỷ luật do chính bạn thiết lập. Việc đó không dễ chút nào, bởi người ta vốn thích tự do và thường khó chấp nhận sự áp đặt bên ngoài, chứ chưa nói tự áp đặt kỷ luật cho mình. Khi lập thời khóa biểu tự học, tôi có cảm giác đang tự đeo gông vào cổ mình. Tôi tự hỏi liệu tôi có quá khắt khe với bản thân khi lập thời khóa biểu sít sao về thời gian và dày kín bài học? Tôi cũng không chắc liệu mình có tuân thủ thời khóa biểu ấy hay sẽ dễ dãi với bản thân?

Cuối cùng, tôi chấp nhận thời khóa biểu sáu tiếng một ngày tự học tiếng Anh, bảy ngày trong tuần đều có bài học giăng khắp. Tôi bắt mình phải làm hàng chục bài thực hành mỗi ngày. Những cuốn sách bài tập có đáp án giúp tôi xác định khả năng hiểu bài. Hồi còn đi học, mỗi lần được cô giáo sửa bài tập, tôi thường chú ý đến câu mình làm đúng. Nhưng khi tự học, tôi chỉ chú ý đến gì mình làm sai. Tôi học đứng lên từ vấp ngã.

Khi xây dựng thời khóa biểu, tôi quy định mỗi tháng phải tự sát hạch kiến thức. Tôi làm giám thị trong phòng thi đặc biệt. Phòng thi chỉ có thí sinh duy nhất là tôi. Cứ chiều chủ nhật, tôi lại làm bài kiểm tra 60 phút; cứ hai tuần làm bài kiểm tra 90 phút và mỗi tháng làm bài kiểm tra 120 phút. Đề bài tôi lấy từ những cuốn giáo trình, bộ đề tiếng Anh. Vừa là thí sinh vừa kiêm giám thị thực sự là thách thức rất lớn.

Tôi nghĩ ra nhiều cách ghi nhớ từ đã học. Tôi viết những câu tiếng Anh có chứa từ khó vào mẩu giấy nhỏ bằng ngón tay, gấp chúng lại, để trong túi áo cả ngày. Những mẩu giấy nhẹ như không, nhưng khi ở trong túi tôi, chúng lại như gánh nặng. Cái gánh nặng nhắc nhớ việc chưa hoàn thành. Bất cứ khi nào tôi cũng có thể sờ thấy những mẩu giấy ấy và có thể mở ra để học lại các từ chưa thuộc. Tôi mở giấy nhiều lần trong ngày cho đến khi chúng nhàu nhĩ. Mỗi ngày giặt quần áo, bà tôi lại cẩn thận nhặt những mẩu giấy đã nhàu đó và đưa lại cho tôi.

Phút chao đảo

Có những tối mùa đông rét cắt da, nhiệt độ xuống thấp tới mức rét hại. Nông thôn dường như tê liệt vì rét. Không đủ phương tiện chống rét, ai nấy ăn cơm xong đều muốn chui vào chăn. Những tối như thế, việc ép mình ngồi vào bàn học thật khó khăn với tôi. Dường như mọi dây thần kinh trong cơ thể ốm yếu của tôi đều cương quyết phản đối. Cảm giác rét từ trong rét ra khiến ý muốn được lên giường ôm lấy mẹ, để được mẹ ủ tay, ủ chân cho trở thành ý muốn tối thượng trong tôi. Tôi phải cố gắng dùng ý chí dập nó. Mùa đông còn dài. Giá buốt sẽ còn trở lại. Nếu tôi không cứng rắn với mình, có thể chỉ sau một mùa đông tôi sẽ trở về vạch xuất phát của hành trình tự học. Tôi biết rõ điều đó, bởi nó là nỗi sợ hãi thường trực trong tôi.

Cũng có những lúc sự cám dỗ bên ngoài khiến thành trì tự kỷ luật của tôi chao đảo, nghiêng ngả. Tôi nhớ một tối, tivi phát giai điệu quyến rũ của những ca khúc trữ tình mùa thu. Những giai điệu ấy lập tức chạm tới trái tim nhạy cảm của tôi. Tôi biết rằng chỉ cần bước chân qua cửa phòng học là có thể được quãng thời gian thú vị với giai điệu quyến rũ. Nhưng tôi cũng biết nếu lúc ấy cho phép mình rời bỏ sự tự kỷ luật, thì rất có thể lúc khác tôi cũng sẽ cho phép mình làm điều tương tự. Và rồi cái thành trì tự kỷ luật mà tôi dày công xây đắp sụp đổ.

Không ai có thể bắt tôi tiếp tục ngồi đánh vật với bài học.

Không ai có thể phán xét nếu tôi dừng học để xem tivi.

Tôi được tự do lựa chọn. Và tôi đã lựa chọn như thế nào?

Tôi đã bước đến cửa, nhưng không phải ra với giai điệu mùa thu ngọt ngào và quyến rũ, với sự hưởng thụ nhàn nhã và thoải mái. Tôi bước ra để đóng cửa phòng lại và trở về bàn học, tiếp tục khép mình trong tự kỷ luật.

_______________________

Tự mở cánh cửa tiếng Anh, Bích Lan còn phải đi hành trình rất dài và cô đã gặp những người thầy vô hình...

Kỳ tới: Người thầy vô hình

NGUYỄN BÍCH LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên