Tranh danh họa Bùi Xuân Phái minh họa cho bài thơ Tự tình (trái) và Giếng nước của Hồ Xuân Hương
Triển lãm tranh của hai cây cọ chưa quen với giới hội họa là đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Nghiêm Nhan và Nguyễn Quốc Thắng.
Cũng vẽ các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa như Hồ Xuân Hương, Đức Thánh Trần, Phật hoàng Trần Nhân Tông... nên khi nghe tin triển lãm tranh Hồ Xuân Hương, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã đi xem với mục đích học hỏi đồng nghiệp.
Nhưng khi xem, tranh của Nguyễn Quốc Thắng khiến ông Sơn "kinh sợ" vì vẽ Hồ Xuân Hương với tạo hình phản cảm như truyện tranh, phim hoạt hình khiêu dâm (hentai) của Nhật Bản.
"Họa sĩ này chưa hiểu thơ của bà, nhìn thơ bà bằng con mắt dâm tục trần truồng, vẽ biến bà thành kỹ nữ, trong khi thơ bà để đùa giỡn, răn dạy cuộc đời chứ không phải kích thích dục tính. Thơ của bà ca ngợi, bảo vệ phụ nữ, nói lên khát khao tự do của người phụ nữ xưa, nhưng trong tranh đó chỉ thấy xúc phạm phụ nữ", họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn nói.
Ông Sơn so sánh: Bùi Xuân Phái, Lê Lam từng vẽ Hồ Xuân Hương rất táo bạo nhưng không ai thấy sự dung tục trong đó mà chỉ thấy đẹp.
Trả lời Tuổi Trẻ về những phản hồi của người xem tranh, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng (từng học thiết kế nội thất nhưng yêu thích hội họa, trở lại vẽ 8 năm nay) nói tranh của ông có dung tục hay không thì còn phải bàn luận. Với ông, ông vẽ Hồ Xuân Hương hở hang, sexy, bốc lửa, phồn thực là đúng với con người của bà.
"Tôi vẽ Hồ Xuân Hương lúc dịu hiền, đằm thắm, lúc nổi loạn, phong trần, sexy. Đó là vẻ đẹp hoàn mỹ, thánh thiện, không phải dung tục", ông Thắng khẳng định.
Đại diện cho đơn vị cho phép triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho biết ông đi công tác miền Trung, không có mặt trong hội đồng nghệ thuật xem và duyệt triển lãm này. Ông sẽ trao đổi với hội đồng nghệ thuật về triển lãm này.
Tuy nhiên, ông cũng có ý kiến rằng thơ Hồ Xuân Hương vừa tục vừa thanh, nhưng khi chuyển sang ngôn ngữ tạo hình của hội họa thì rất khác, phải rất cẩn trọng, vì chỉ cần trượt qua ranh giới rất mong manh là trở thành dung tục. Đường biên hết sức mong manh.
Ông Đoàn nói Bùi Xuân Phái cũng vẽ Hồ Xuân Hương táo bạo những cách tạo hình của bậc thầy làm duyên thêm cho Hồ Xuân Hương, tạo nên cảm xúc rất thanh thoát.
Còn nếu họa sĩ nào tạo hình một nhân vật văn hóa như bà Hồ Xuân Hương mà gây ra những va đập về thị giác, tạo cảm giác sỗ sàng, nghiêng về dung tục là rất không nên.
Chiều tối 23-7, ông Lương Xuân Đoàn cho biết hội đồng nghệ thuật của nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tiếp thu ý kiến đúng từ dư luận, cho gỡ một số bức Hồ Xuân Hương "nhạy cảm".
Ông Đoàn giải thích thời điểm duyệt triển lãm này, nhiều người trong hội đồng nghệ thuật của nhà triển lãm đi vắng nên "sơ sẩy không nhìn ra vấn đề". Đến tối cùng ngày thì họa sĩ quyết định rút toàn bộ triển lãm.
Theo ông Nghiêm Nhan, các ông muốn dành không gian triển lãm cho công việc đột xuất của nhà triển lãm. Các bức tranh có thể được triển lãm tiếp ở Nghệ An nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận