Nhiều con đường Nhà nước không thu phí đậu xe, cũng không có biển cấm dừng, cấm đậu. Song các quán cà phê ven đường cứ thấy người đi ô tô dừng đỗ ở khu vực này (thậm chí không phải trước khu vực quán và cũng không phải là bãi xe quán thuê) là đến đưa thẻ giữ xe, ngay cả khách vào quán uống cà phê cũng phải trả tiền giữ xe dù không có nhu cầu nhờ giữ xe.
Cho tôi hỏi việc tự ý thu tiền giữ xe ô tô khi khách đậu trên đường của Nhà nước như nêu trên có vi phạm luật không?
Bạn đọc Nguyễn Thúy Vi (quận Tân Bình) gửi câu hỏi.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Theo các quy định pháp luật dân sự, Luật Giao thông đường bộ, nghị định 100/2019, nghị định 123/2021 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì người có nhà ở mặt đường chỉ có quyền sở hữu, sử dụng, quản lý bất động sản theo ranh giới ghi nhận tại các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu sử dụng.
Đối với phần vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà người dân là tài sản công cộng, do Nhà nước quản lý.
Đã là tài sản công cộng thì mọi người đều bình đẳng trong việc khai thác, sử dụng. Bởi vậy người dân có bất động sản cạnh đường giao thông cũng chỉ có quyền sử dụng phần vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình như các cá nhân khác trong xã hội.
Hiện nay không có một quy định nào trao cho chủ nhà có quyền ưu tiên khai thác sử dụng vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình hơn các chủ thể khác.
Họ cũng không có quyền ngăn chủ thể khác khai thác sử dụng phần tài sản công này và càng không có quyền chiếm lấy làm tài sản sử dụng riêng, ngăn cản các chủ thể khác trong xã hội khai thác sử dụng.
Hiện nay, tại nghị định 100/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, không quy định về việc xử phạt đối với hành vi đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, chỉ cấm đỗ xe trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức. Với trường hợp đỗ ô tô chắn trước cửa nhà, hàng quán và các chủ quán yêu cầu trả tiền giữ xe như vậy là chưa phù hợp.
Việc cố tình tự ý thu phí giữ xe trái pháp luật và có những hành vi ngăn cản, đuổi, mắng hay có những hành vi gây tổn hại đến tài xế cũng như tài sản của họ có thể bị xử phạt.
Người dân chỉ có quyền đối với phần diện tích đất đã được Nhà nước cấp phép sử dụng.
Còn hành lang đường bộ, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do Nhà nước quản lý, không ai được phép chiếm dụng làm của riêng.
Nếu làm hư hại ô tô đậu ngoài lòng đường, vỉa hè có thể bị xử phạt về hành vi hủy hoại tài sản hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với tài xế, nên lựa chọn vị trí đậu ô tô để không gây ách tắc giao thông, không làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Nếu việc dừng, đậu xe có thể gây ảnh hưởng đến người dân, hãy để lại số điện thoại liên lạc nhằm hạn chế tối đa những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận