26/03/2023 09:56 GMT+7

Có cần lắp mái che vỉa hè đường Lê Lợi?

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa đề xuất làm mái che vỉa hè trên đường Lê Lợi (quận 1). Người dân, du khách, chuyên gia nêu ý kiến.

Vỉa hè đường Lê Lợi mỗi bên trung bình 5,5 - 6m được đề xuất bố trí mái che nắng, che mưa vươn ra 4m - Ảnh: LƯU DUYÊN

Vỉa hè đường Lê Lợi mỗi bên trung bình 5,5 - 6m được đề xuất bố trí mái che nắng, che mưa vươn ra 4m - Ảnh: LƯU DUYÊN

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, sau khi metro số 1 trả mặt bằng, đường Lê Lợi đã được tái lập nguyên trạng, giao thông thông thoáng.

Tuy nhiên, hiện trạng tuyến đường không thể trồng cây xanh kịp lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Do vậy, sở đề xuất giải pháp lắp mái che vừa che nắng che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại - dịch vụ.

Lắp mái che hay trồng cây xanh?

Ghi nhận thực tế tại tuyến đường Lê Lợi, phía bên phải đường (hướng từ chợ Bến Thành nhìn qua) là hàng cây xanh tạo bóng mát. Ở chiều ngược lại bên kia đường, nắng trải dài cả vỉa hè, nhiều người đi đường khó chịu dưới nắng gắt.

12h trưa 25-3, ông Nguyễn Việt Dũng (hộ dân trên đường Lê Lợi) đang hì hụi xoay mái che di động ra để che bớt nắng. Mái che của ông dài khoảng 1m, che vừa đủ một khoảng chỗ ngồi. "Ở đây, từ 8h sáng nắng đã lên rất gắt. Tôi nghĩ lắp mái che cũng ổn, để che nắng che mưa cũng tốt" - ông Dũng nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu lắp mái che thì phải là loại mái che có thể di động hoặc cuốn lại gấp gọn để cửa nhà không bị che khuất. Còn nếu lắp đặt mái che cố định thì không cần thiết. "Vào ban đêm, nếu không thể kéo mái che lại thì không gian bên dưới sẽ rất bí và tù túng" - ông Dũng nói.

Đồng tình với ông Dũng, bà Nguyễn Thị Mỹ Trân ở gần đó nói: "Nếu làm mái che cố định ở đây, buổi tối nhiều người vô gia cư sẽ đến đây ngủ, con đường sẽ trở nên nhếch nhác và rất khó quản lý. 

Ở đây cửa hàng nào cũng có mái che sẵn rồi nên điều đó là không cần thiết. Nếu được, có thể trồng lại cây xanh như trước kia, vừa tạo bóng mát vừa giúp không khí trong lành, thông thoáng hơn" - bà Trân nói.

Người dân dè dặt, chuyên gia nói cần

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến thành phố đạt hơn 34,7 triệu lượt. Trong đó, một trong những tuyến đường khách du lịch thường xuyên lui tới nhất là đường Lê Lợi (quận 1) với hàng trăm cửa hàng dịch vụ, kinh doanh cùng với các văn phòng nằm dọc tuyến đường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười - nguyên chủ tịch Hội KTS TP.HCM - cho rằng việc lắp đặt mái che ở tuyến đường Lê Lợi là hoàn toàn hợp lý. Theo ông, với thời tiết nắng nóng và mưa bất chợt như ở TP.HCM, việc lắp đặt mái che rất hữu ích, người dân và du khách có thể đi bộ không kể nắng mưa.

Với cái nắng gắt như hiện nay tại TP.HCM, mái che sẽ giảm bớt cái nắng nóng, người dân cũng đỡ mất sức hơn khi đi bộ. Nếu trồng thêm cây xanh có thể sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của nhà ga metro bên dưới. 

"Đối với một con đường toàn là dịch vụ kinh doanh như đường Lê Lợi, thì việc lắp mái che rất thuận lợi để buôn bán cả ngày nắng lẫn trời mưa" - ông Mười nói.

Đồng tình với đề xuất nên lắp thêm mái che ở đường Lê Lợi, TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng cần những phân tích, tư liệu, số liệu chính xác mới có thể đánh giá lợi ích, cũng như hệ quả mang lại.

Chia sẻ về vấn đề mỹ quan TP khi lắp mái che, ông nói: "Khi TP lắp mái che xong, theo tôi không quá lo các vấn đề về bán hàng rong tại vỉa hè hay người vô gia cư ngủ lại. Vì đây là con đường lớn, TP nên có cơ quan quản lý, tránh việc nhếch nhác lộn xộn diễn ra".

Kinh phí 20 - 30 tỉ đồng

Kinh phí mái che tại đây ước tính sơ bộ bước đầu khoảng 20 - 30 tỉ đồng bao gồm chi phí vật tư, nhân công, thi công... Nguồn kinh phí này có thể huy động xã hội hóa, nguồn đóng góp từ các hộ kinh doanh có liên quan (được thụ hưởng từ việc lắp mái che) hoặc từ ngân sách địa phương.

Phương án mái che được đánh giá sẽ mang lại những hiệu quả nhất định cho tuyến đường Lê Lợi và cả khu vực trung tâm như thay thế dãy cây xanh bị di dời, tạo bóng mát, tạo không gian bên dưới ấm cúng, thân thiện, an toàn cho người đi bộ, khách du lịch.

Mái che cũng sẽ tạo điều kiện kinh doanh cho người dân hai bên đường, tạo không gian thương mại mua sắm dọc phố sinh động.

Với tầm quan trọng tuyến đường trọng điểm khu vực trung tâm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND quận 1 tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp, nguồn kinh phí để báo cáo TP xem xét, quyết định.

Nên có mái che

Dù đã quen cái nóng ở Malaysia nhưng tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước nhiệt độ giữa trưa tại TP.HCM. Nước tôi cũng có những con đường được lắp mái che nhằm khuyến khích người dân đi bộ nhiều hơn. Nếu ở TP.HCM với nhiệt độ cao như thế thì việc lắp mái che là hoàn toàn cần thiết.

Khi du lịch tại TP.HCM, đa số chúng tôi đều chọn đi bộ để có thể vừa mua sắm, ngắm nhìn tìm hiểu về kiến trúc và quang cảnh thành phố. Đi bộ dưới trời nắng nóng khiến chúng tôi mất sức rất nhanh. Tôi rất thích nếu những con phố đi bộ có mái che".

Chị Pebri Purba (du khách đến từ Malaysia)

Đề xuất dùng mái che vỉa hè rộng 4m trên đường Lê LợiĐề xuất dùng mái che vỉa hè rộng 4m trên đường Lê Lợi

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa đề xuất UBND TP phương án làm mái che vỉa hè trên đường Lê Lợi (quận 1) để tăng tính hấp dẫn, tạo không gian thương mại, mua sắm dọc phố thêm sinh động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên