09/11/2022 09:19 GMT+7

Cô bé nhặt ve chai không đầu hàng cái nghèo

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Tan buổi học sáng, cô sinh viên Phạm Thị Diệu My chạy ù về nhà. Ăn vội bữa trưa với bát cơm nguội cùng vài cọng rau luộc, My lại tất tả ra phố bắt đầu buổi nhặt ve chai.

Cô bé nhặt ve chai không đầu hàng cái nghèo - Ảnh 1.

Phạm Thị Diệu My lượm ve chai, làm thêm ngoài giờ để có tiền đi học - Ảnh: NHẬT LINH

Xóm lao động nghèo nằm sát hộ thành hào dọc đồn Mang Cá (TP Huế, Thừa Thiên Huế) chắc không ai không biết Diệu My. Cô bé vóc người nhỏ thó với đôi mắt buồn ấy vẫn chăm chỉ nhặt ve chai sau mỗi buổi học, còn nhận cùng lúc hai việc làm thêm ngoài giờ để nuôi ước mơ thành dược sĩ.

Có nghèo mấy tui cũng sẽ cố gắng vay mượn để con đến trường bởi chỉ có học mới thoát được cái nghèo.

Bà VÕ THỊ CÚC (mẹ Diệu My)

Lao động chính

Sau bữa trưa vội vã, cuộc mưu sinh thường kéo dài đến tận nửa đêm. Trong bộ quần áo cũ bạc màu, chiếc nón lá, cô gái ra đường với chiếc bao tải lớn. Bước thật chậm, mắt cô bé đảo quanh những chiếc thùng rác màu xanh lá nằm dọc đường.

Tuyến đường này trước kia không phải là "địa bàn" nhặt rác của hai mẹ con My. My và mẹ thường đạp xe đến một bãi phế liệu ở quốc lộ 49B, cách nhà hơn chục cây số để nhặt rác và phân loại bao ni lông. Nhưng từ đầu năm nay, bà Võ Thị Cúc (50 tuổi) - mẹ My - bị tai nạn, một mình cô bé không đi xa được nữa nên chỉ nhặt loanh quanh gần nhà thôi.

Đó là tai nạn sau một ngày nhặt ve chai trở về, bà Cúc bị một thanh niên chạy xe máy tông phải. Bà Cúc bị gãy tay và chân, phải mổ nẹp vít nắn xương lại. Diệu My có ba anh chị em, cha mất sớm sau một cơn đột quỵ, gánh nặng kinh tế dồn cả lên gánh ve chai của mẹ. My cùng em gái đã có "thâm niên" theo mẹ đi nhặt ve chai từ nhỏ, sau buổi học ở trường.

Dù tiền viện phí của mẹ đã được bảo hiểm hộ nghèo chi trả nhưng gánh nặng thuốc thang và cái ăn mỗi ngày khiến gia đình lâm cảnh khánh kiệt. Vậy là bất đắc dĩ, Diệu My trở thành lao động chính trong nhà. Ngoài giờ học, bạn làm thêm ở một tiệm cà phê và một cửa hàng bán đồ trang trí. Lúc rảnh, cô bạn lại xách bị ra đường nhặt nhạnh từng chiếc vỏ lon, chai nhựa để bữa cơm trong gia đình có thêm miếng cá, con tôm.

"Ban đầu mình cũng tự ti, sợ bạn bè nhìn thấy bộ dạng nhem nhuốc của mình khi đi nhặt rác. Nhưng không làm vậy không có tiền thì tiền điện, tiền nước, tiền học của em và em gái biết lấy đâu ra", My nói.

Ánh sáng trong căn nhà tối

Căn nhà cấp bốn lợp tôn cũ kỹ của mấy mẹ con Diệu My nằm sâu trong con hẻm ở đường Tăng Bạt Hổ (TP Huế). Bà Võ Thị Cúc rạng rỡ khi nhắc đến cô con gái hiếu thảo của mình. Bà kể từ nhỏ My đã xin theo bà đi nhặt ve chai vào những ngày nghỉ hè, lễ tết. Mấy mẹ con rong ruổi gần như khắp TP Huế để nhặt ve chai bất kể nắng mưa, rét lạnh.

"Có hôm nhặt được cái bàn, cái tủ, chiếc ghế... còn sử dụng được, mấy mẹ con tui mừng lắm, hò nhau chở về nhà. Niềm vui của nhà nghèo đơn giản vậy mà hạnh phúc lắm", bà Cúc cười.

Nhưng niềm vui ấy vụt nhanh khi người phụ nữ ngoài 50 tuổi nhắc đến hoàn cảnh hiện tại. Bà ước chi mình không bị tai nạn gãy tay chân dẫn đến mất sức lao động, có lẽ cuộc đời cô con gái đã đỡ khổ hơn. Ngày My báo tin đậu ngành dược Trường cao đẳng Y tế Huế như mơ ước, bà Cúc khóc cạn nước mắt vì hạnh phúc mà cũng vì lo lắng chẳng biết xoay đâu ra số tiền mấy triệu đồng cho con nhập trường.

Biết mẹ khó khăn, My bảo sẽ nghỉ học kiếm việc làm để dành tiền rồi sang năm thi lại nhưng mẹ can ngay. Cũng vì thương mẹ, Diệu My không cho phép mình ngơi nghỉ. Nên bạn mới xin đi làm thêm tới hai nơi khác nhau. Có hôm chỉ kịp ăn vội gói mì ngay tại nơi làm việc.

"Mình từng nghĩ đến chuyện nghỉ học nhưng nếu vậy tương lai của mình, của mẹ lại càng khó khăn. Mình không được đầu hàng số phận, khó mấy cũng sẽ cố gắng để vượt qua", My nói.

Cô học sinh đầy nghị lực

Thầy Trần Thế Bình - giáo viên chủ nhiệm của Diệu My ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Huế) - nói Diệu My rất ham học, lễ phép và càng cảm phục nghị lực vượt khó của bạn khi không ngại khó hay mặc cảm để cùng mẹ đi nhặt ve chai.

"Chỉ vì hoàn cảnh khó khăn em ấy mới nhiều lần định nghỉ học chứ tôi biết My không hề muốn bỏ học và đầu hàng số phận. Tôi và nhà trường thường xuyên tìm cách giúp em ấy, ưu tiên mỗi khi có học bổng từ các nhà hảo tâm", thầy Bình nói.

Cô bé nhặt ve chai không đầu hàng cái nghèo - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đường đời chông chênh của cô bé nghèo xa cha mẹ Đường đời chông chênh của cô bé nghèo xa cha mẹ

TTO - Bị nhà nội chối bỏ khi mới tượng hình trong bụng mẹ, cô bé ra đời và sống dựa vào bà ngoại, ngần ấy năm bền bỉ với hành trình đến trường để bước tới hôm nay vừa trở thành tân sinh viên.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên