Thứ 3, ngày 19 tháng 1 năm 2021
Cô 'bánh Quy' dạy tiếng Việt trên đất Mỹ
TTO - Nhận thấy có nhiều sinh viên Việt kiều mong muốn tìm về nguồn cội của mình, 'bánh Quy' dạy tiếng Việt, cố gắng giúp họ hiểu tiếng Việt và giúp họ có cơ hội tìm về Việt Nam.

Nguyễn Thị Quy (thứ hai từ trái qua) cùng các bạn đồng nghiệp tại hội thảo Fulbright tại thủ đô Washington D.C. - Ảnh do nhân vật cung cấp
Được dạy tiếng Việt nơi xa xôi, cô càng thấy trân trọng tiếng Việt và yêu đất nước mình hơn.
Vừa trở về Việt Nam, Nguyễn Thị Quy, 25 tuổi, ở Ninh Bình, chia sẻ với Tuổi Trẻ về lần thứ hai đặt chân đến đất nước Mỹ theo chương trình học bổng trợ giảng ngoại ngữ Fulbright. Một năm ở Mỹ, cô gái có biệt danh "bánh Quy" vừa học, vừa dạy tiếng Việt cho sinh viên Mỹ, vừa đến các trung tâm, trường học ở Mỹ để trao đổi văn hóa.
Được học nhiều hơn tiếng Việt
* Lần thứ hai trở lại nước Mỹ, Quy thấy thế nào?
- Năm 2015, tôi may mắn được lựa chọn là một trong bốn gương mặt đại diện Việt Nam tham gia chương trình YSEALI - Phát kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á, và đó cũng là chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời của tôi.
Năm 2018, tôi đến Mỹ theo chương trình học bổng trợ giảng ngoại ngữ Fulbright. Lần này, tôi chuẩn bị tinh thần, không phải không gặp khó khăn nhưng tôi biết khó khăn sẽ đến và sẵn sàng đón nhận. Chẳng hạn, ở bang Michigan nơi tôi ở rất lạnh, tháng 11 tuyết rơi và có đợt xuống âm 40 độ, hay chưa quen hẳn với thức ăn bên Mỹ.
* Điều thú vị là bạn dạy tiếng Việt cho sinh viên Mỹ?
- Không chỉ ở nước Mỹ đâu, bản thân tôi dạy tiếng Anh hay tiếng Việt ở Việt Nam cũng cảm thấy rất hay, cảm thấy tiếng Việt được nâng niu. Lúc tôi đến bang Texas, tiếng Việt lại là tiếng nói thứ ba ở bang đó, tôi càng thấy trân trọng tiếng Việt, yêu đất nước mình hơn.
Điều quan trọng nhất là hằng ngày mình không được nói tiếng Việt nên lúc dạy học, tôi cảm thấy đỡ nhớ nhà khi được giao tiếp bằng ngôn ngữ của mình.
Sang Mỹ, vừa học vừa làm nên tôi vừa được trải nghiệm làm giáo viên, làm sinh viên. Mới đầu tôi có hơi sốc vì không biết bắt đầu thế nào, nhưng sau 1-2 tháng làm quen dần.
Khó nhất là sinh viên Mỹ học theo phương pháp mới, nhận tài liệu, giáo trình và tự học, một giờ học chỉ có 40-45 phút nên trên lớp không phải là thời gian để truyền đạt cái mới mà để ôn lại 2 giờ sinh viên tự học ở nhà. Chưa kể giáo viên sẽ không dùng tiếng của học sinh mà được yêu cầu phải nói tiếng Việt để giải thích cho sinh viên hiểu.
Buổi dạy đầu tiên, tôi cho các bạn chơi trò chơi, đặt các câu hỏi đơn giản như: thủ đô của Việt Nam tên gì? món ăn nổi tiếng của Việt Nam? Các bạn chỉ biết đến món phở thôi, họ phải học tiếng Việt chỉ với lý do là làm sao nói chuyện được với ông bà, bố mẹ.
Trong quá trình dạy, tôi cố gắng lồng ghép yếu tố văn hóa Việt Nam, thậm chí có buổi cho các bạn xem video về người Việt đi cà phê, cổ động bóng đá, cho họ gặp người Việt Nam…

Nguyễn Thị Quy chia sẻ về lần thứ hai đặt chân đến Mỹ dạy tiếng Việt cho người Mỹ - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Với các bạn Việt kiều, Quy giúp họ thế nào?
- Các bạn ấy là người Việt Nam nhưng không biết về Việt Nam. Từ đó, tôi nhận ra có nhiều Việt kiều đang muốn tìm về nguồn cội của mình, tìm về văn hóa của mình bằng ngôn ngữ. Đó là điều tôi cảm thấy trân trọng, tôi cố gắng hết sức có thể để giúp họ, làm sao giúp họ có cơ hội tìm về Việt Nam.
Sau giờ học, các bạn ấy có thể gặp gỡ giáo viên ngoài giờ, tôi giúp các bạn hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Họ chia sẻ rất hay mâu thuẫn với cha mẹ vì cha mẹ "thuần Việt", có cha mẹ hay nói đừng cưới người này người kia…, họ không thể hiểu được điều này. Nhưng học rồi họ mới hiểu người Việt Nam là như thế, biết đó là khác biệt văn hóa chứ không phải cha mẹ khó tính. Hết khóa học, nhiều bạn cảm ơn, nói với tôi: "Chúng em học được, học nhiều hơn là tiếng Việt".
* Tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh nhưng lại dạy tiếng Việt, điều này có trái ngược không?
- Tôi nghĩ nó ngược tiếng thôi nhưng đều là một mảng dạy học, về phương pháp thì mình học thêm cái gì để áp dụng thêm. May mắn sang đó có nhiều người cố vấn kinh nghiệm, hướng dẫn tôi rất nhiều.
Cố gắng một chút mỗi ngày
* Kỷ niệm đẹp nhất sau hai lần bạn đặt chân đến Mỹ là gì?
- Tôi nhớ ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, tôi không nói được tiếng Anh, có một giáo viên người Mỹ động viên tôi cố gắng.
Bảy năm sau, tôi gặp lại cô ấy ngay ở bang Michigan. Tôi nhớ như in câu nói của cô: "Chỉ cần cố gắng một chút mỗi ngày thì mọi thứ không đứng yên một chỗ". Tôi không ngừng cố gắng mỗi ngày, nghe hơi sách vở một chút nhưng chỉ cần bạn cứ bước đi là sẽ đến gần mục tiêu.
* Bạn từng chia sẻ dù đi đâu làm gì cũng muốn quay về quê hương. Nay quay về, bạn có dự định gì cho tương lai?
- Hiện tôi đang mở trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, dạy thêm tiếng Anh, tôi cũng có kế hoạch làm thêm nhiều video. Tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ các bạn có mong muốn học tiếng Việt, tổ chức các tour thăm thú Việt Nam giúp các bạn nói chuyện nhiều hơn với người Việt. Đồng thời hỗ trợ các nhóm tình nguyện khác viết dự án, kế hoạch tình nguyện.
"Việt Nam dũng cảm"
Có một lần tôi nghe một đứa trẻ 6 tuổi nói: "A, con biết về Việt Nam, biết về chiến tranh Việt Nam". Tôi ngạc nhiên quá, hỏi "con biết điều gì?" thì bé nói rằng bé biết qua lời bà kể và bà nói "Việt Nam rất dũng cảm".
Nói chuyện với người lớn tuổi, tôi chia sẻ với họ rằng Việt Nam bây giờ rất khác; cho họ xem hình ảnh mới về Việt Nam, chia sẻ thêm về văn hóa Việt Nam, về tết, về các địa danh nổi tiếng, các món ăn của Việt Nam, họ nhận ra và nói rất muốn đến thăm Việt Nam.
-
TTO - Vấn đề Biển Đông được nêu trong cuộc họp đầu tiên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2021 do Brunei chủ trì ngày 19-1.
-
TTO - Mới đây, trên một số trang báo và mạng xã hội chia sẻ rộng rãi thông tin nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì ung thư vòm họng. Nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Trần Thu Hà đã đính chính thông tin này và bày tỏ sự bức xúc trước tin đồn thất thiệt.
-
TTO - UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án cấp nước sạch giai đoạn 2020-2050 và chương trình cung cấp nước sạch, giảm khai thác nước ngầm giai đoạn 2020-2030, trong đó dự kiến dời điểm lấy nước thô trên sông Sài Gòn về thượng nguồn.
-
TTO - 'Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại', câu nói trở thành lẽ sống của nhiều người khi quyết định hiến dâng một phần cơ thể cho y học sau khi qua đời. Từ nghĩa cử cao đẹp ấy, nhiều cuộc đời tưởng như tắt hi vọng sống được tái sinh.
-
TTO - Gần 3 triệu người ở vùng đông bắc Trung Quốc rơi vào cảnh phong tỏa vì một ca siêu lây nhiễm là nhân viên tiếp thị chuyên chào bán các sản phẩm cho người cao tuổi. Nhà chức trách để ngỏ khả năng xử lý anh này.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận