Tác giả trên buồng lái điều khiển xe giường nằm - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tôi trở lại chạy xe khách giường nằm, xe hợp đồng nên đi một chuyến về lại nghỉ có khi cả tháng. Từ đầu tháng 9 đến nay tôi mới chạy được 5 chuyến từ Buôn Ma Thuột đi TP.HCM. Tối nay đi, tối mai về.
Chuyến xe thứ 6 tôi được gọi chở đoàn hành hương từ Buôn Ma Thuột đến Thánh địa La Vang, Quảng Trị. Đây là chuyến đi dài ngày nhất từ khi quay lại ôm vô lăng. Thời gian 4 ngày, với cung đường xa nhất hơn 660km.
Tôi khá thích thú với chuyến đi này, phần vì sẽ được đặt chân đến địa danh tôi nghe từ lâu mà chưa một lần đến, thứ nữa là tôi sẽ được quay lại đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chi Minh) nơi nhiều năm trước tôi cũng từng trải nghiệm khi chạy xe khách Bắc Nam.
Lái xe vừa là chủ xe, vừa là bạn đồng nghiệp. Trước anh cũng nhiều năm làm giáo viên dạy lái xe hạng E. Anh tiếp xúc với nghề lái từ rất sớm vì gia đình có truyền thống nghề xe nên lĩnh vực xe khách anh có thâm niên và có nhiều kinh nghiệm hơn tôi.
Trở lại cung đường xưa
Xe đón tôi tại bến xe liên tỉnh Đắc Lắc khoảng 20 giờ. Anh giới thiệu tôi với 39 hành khách và tôi chào lại. Anh để tôi chạy trước. Tôi biết anh dành chạy cung đường Trường Sơn, bởi anh chưa chứng kiến tôi chạy xe khách giường nằm tuyến đường này bao giờ, hơn nữa anh cũng thừa biết đã lâu tôi không chạy.
Toàn bộ khách trên xe đều là ca đoàn của Giáo xứ Trung Hòa (Buôn Ma Thuột). Khi xe đã vận hành êm ái, tất cả tập trung đọc kinh Thánh. Đây không phải lần đầu tiên tôi chở các giáo dân đi hành hương, nên việc sáng, tối hoặc trong ngày bà con đọc kinh cũng bình thường như ăn cơm, uống nước.
Tôi cũng thấy lòng an nhiên và tự nhủ phải lái cho thật êm, thật tốt, hạn chế tối đa việc sử dụng còi, phanh gấp để tất cả được sống trong không khí tôn nghiêm, trang trọng nhất.
Đọc xong kinh thánh, tiếng đàn ghi ta lại vang lên, rồi những câu chuyện đối vui khiếm cả xe tràn ngập tiếng cười cho đến tận khuya.
Anh bạn chủ xe đi nằm nhưng thắc thỏm mãi không ngủ được. Anh lo lắng những điều của một chủ xe buộc phải lo lắng. Tôi biết, vì tôi cũng từng một thời làm chủ một chiếc xe. Anh cẩn thận, kỹ tính, dặn: Ông không cần chạy nhanh, cứ đúng tốc độ cho phép chạy cho tôi. Người ta chạy thường xuyên biết chỗ nào có công an, chỗ nào hay bắn tốc độ… người ta chạy. Mình lâu lâu mới đi một lần làm sao chạy như họ được… Tôi khá hài lòng với những yêu cầu này.
Qua Pơng Drang huyện Krông Buk bắt đầu những dốc đèo, quanh co liên tục, anh nhổm dậy hỏi tôi còn nhớ đường không? Đến đoạn đổ dốc xuống cầu bắt đầu thị trấn Ea Hleo nơi chiếc xe tải chở gạch mất phanh đối đầu với một chiếc xe tải ngược chiều khiến 6 người chết cách đây vài năm anh cũng nhớ.
Dốc dài nguy hiểm đấy! Tôi ra số về số thấp cho anh yên lòng, nhưng cũng hết sức khâm phục trí nhớ của anh, một lái xe chuyên nghiệp. Gần 24h đêm, xe vào địa phận thành phố Kon Tum, chủ xe bảo tôi tấp vào để anh chạy. Tôi đành trả tay lái mặc dù rất muốn chạy đỡ anh thêm một đoạn.
Tôi nấn ná muốn thức quan sát đường mòn Hồ Chí Minh đặc biệt là đoạn qua đèo Lò Xo (Đắk Glei) xem đã thay đổi thế nào mà tai nạn vẫn liên tục xảy ra. Chủ xe nói như ra lệnh: "Ông vào ngủ đi cho đảm bảo sức khỏe, ngày mai còn chạy. Hàng bao tính mạng trong tay mình không đùa được đâu"!
Tôi hơi chột dạ nhưng anh ấy nói đúng nên tôi vào ghế nằm. Mắt tôi vẫn lướt qua cửa sổ. Hết Đắc Hà rồi Đắc Tô, Tân Cảnh, Ngọc Hồi… Những địa danh mà ba tôi lúc sinh thời ao ước một lần trở lại chiến trường xưa nhưng ông đã không kịp thực hiện để rồi viễn du vào cõi vĩnh hằng trong tiếc nuối. Con đang đi trên con đường ngày xưa ba chiến đấu và ước mơ một lần trở lại đây ba… Con đi vì công việc, không thể khám phá kể cho ba nghe về sự thay đổi…
Tôi nằm nghĩ về ba về thế hệ cha anh mà trào nước mắt. Thời nào cũng có cái khó, cái khổ của thời đó. Rồi đèo Lò Xo với những biển báo hạn chế tốc độ. Những chiếc đèn vàng như những con đóm đóm khổng lồ chớp sáng tìm bạn tình suốt đêm.
Những khúc cua được mở rộng dang dở. Những bó vỉa, hộ lan, đường cứu nạn, những dãy lốp xe phòng hộ được ken 2 lớp, sơn trắng đỏ chạy dài theo những cua đường… Những dãy đèn phản quang chớp nháy liên tục, cả những mũi tên hướng dẫn sáng rực giữa trời đêm. Những dốc dài liên tục, những khúc cua như thắt lòng…
Tôi không thấy cái miếu thờ 31 vị cựu chiến binh về thăm chiến trường thiệt mạng vì xe lao xuống vực năm xưa… Tôi thầm cầu cho các vị được thanh thản nơi chín suối và phù hộ độ trì cho lớp con cháu lái xe trên cung đường này phải giảm tốc độ, để đi đến nơi, về đến chốn an toàn. Đừng đổ thừa vì cuộc sống mưu sinh mà nhanh, mà vội, mà cẩu thả để rồi chính mình chết không toàn thây mà còn làm bao người, bao gia đình khác phải sống trong tang thương, đau đớn…
Cú phanh khẩn cấp
Khoảng 8h sáng xe đến nhà thờ Trà Kiệu cho bà con ăn sáng, đi lễ và tham quan phong cảnh. Tôi chạy tiếp và đến Quảng Trị khoảng 13h30, khi còn cách Thánh địa La Vang khoảng 10km tôi xém vướng vào một tai nạn khủng khiếp. Đường một chiều có 3 làn xe. Làn xe bên trái có một chiếc xe tải đang dừng đèn đỏ cấm rẽ trái. Làn giữa dành cho xe cơ giới và làn dành cho xe thô sơ đang đèn xanh.
Xe đang chạy ngon trớn chuẩn bị qua đèn xanh thì một chiếc xe môtô kẹp đôi một nam, một nữ vượt bên trái với tốc độ khá nhanh rồi lấn vào làn xe tôi đang chạy. Phát hiện chiếc xe tải dừng đèn đỏ phía bên trái, xe môtô bất ngờ dừng đột ngột thay vì chạy qua khi đèn tín hiệu đang báo xanh. Phanh gấp ở khoảng cách quá gần và tốc độ khoảng 60km/h tất cả đều biết chắc chắn có va chạm.
Ông chủ xe và những hành khách phía trước đều đứng bật cả dậy và tay bám chặt cho một tình huống phanh khẩn cấp. Tôi tìm ra khe hở không tưởng giữa chiếc xe tải và xe môtô đang dừng.
Chân phải đạp phanh. Tay trái lái ép sát hông xe tải. Tay phải đưa qua bên phải tìm phanh tay, nhưng chiếc xe tôi chạy là dòng xe Trung Quốc nên phanh tay bố trí bên trái khác với những chiếc xe bình thường khác và trong tình huống khẩn cấp này tôi đã không nhớ. Tay phải tôi bật cup bô bên phải (bố trí cùng cần gạt mưa) còn gọi là phanh khí xả. Chân côn đạp để cắt truyền động từ động cơ, tăng hiệu lực phanh hãm, đến khi chân phanh đạp cứng mà xe vẫn chưa dừng, chân côn lại nhả để phanh số. Xe dừng, chân côn đạp lại để không chết máy…
Tôi vẫn nghe tiếng một chai nước theo quán tính đã bay từ tầng trên xuống và tiếng một vài người rú lên thảng thốt. Chiếc xe máy dừng yên ổn ngang cửa lên xuống xe tôi. Lạy Chúa!!!
Anh chủ xe mở cửa nhắc nhẹ: Không biết luật à, sao đèn xanh mà dừng vây?...
Sau ba đêm, bốn ngày xe chúng tôi về đến Buôn Ma Thuột an toàn. Qua chiếc loa kẹo kéo, anh trưởng đoàn và mọi người nói cảm ơn nhà xe, cảm ơn hai bác tài đã chạy xe êm dịu không ai say, khác với các xe mà họ đã từng đi và từng say…
Tất cả cùng hát bài nhạc mà họ tự chế, cùng vỗ tay rầm rập: Hoan hô bác tài, hoan hô bác tài, nào các bạn cùng hoan hô, nào ta hoan hô… Anh chủ xe đang lái với nụ cười hoan hỉ và khuôn mặt đỏ bừng… Tất cả đều vui và hẹn sớm gặp lại trong nhũng chuyến hành hương sắp tới.
Tôi thấy lòng mình tràn ngập hạnh phúc.
Hãy cùng "Chuyến xe văn minh" xây dựng văn hóa giao thông
Chương trình "Chuyến xe văn minh" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các sở ngành TP.HCM phát động và sự đồng hành của Grab Việt Nam với mong muốn chia sẻ, lan truyền rộng rãi những câu chuyện đẹp góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
Để lan tỏa các hành động đẹp, ứng xử văn minh trong giao thông, chương trình "Chuyến xe văn minh" mời bạn truy cập website: http://chuyenxevanminh.tuoitre.vn hoặc gửi bài vở qua email: chuyenxevanminh@tuoitre.com.vn .
Ban tổ chức sẽ có những phần quà ý nghĩa dành cho những tác giả có câu chuyện thú vị, xúc động, góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn minh khi tham gia giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận