![]() |
Một đại đội lính tập Bắc kỳ đang vượt thác Bản Giốc - Ảnh: www.troupesdemarine.org |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
"Lính tập An Nam có theo chúng tôi sang tận Siberia của nước Nga", cựu sĩ quan Jean Mercier - người phụ trách nhà truyền thống trung đoàn 9 lính thủy đánh bộ Pháp ở Guyane - kể. Không chỉ nói, ông còn đưa cho tôi một trang giấy A4 tư liệu, nội dung như sau:
"Tiểu đoàn thuộc địa ở Siberia
Tuy đóng xa khu vực mặt trận của đại chiến, song trung đoàn 9 bộ binh thuộc địa (tiền thân của trung đoàn 9 lính thủy đánh bộ), cũng tham gia việc thành lập tiểu đoàn thuộc địa Siberia. Tiểu đoàn này sẽ can thiệp quân sự tại Siberia theo yêu cầu của các cường quốc đồng minh nhằm đối đầu đà tiến của lính bônsêvich về hướng Viễn Đông.
Đại đội 1 của đại úy Deseille gồm 228 binh sĩ và đại đội 8 của đại úy Schill rời Hà Nội ngày 24-7-1918 để đến Vladivostok vào ngày 9-8. Các vụ chạm súng đầu tiên diễn ra ngay từ ngày 15 và 23 (tháng tám đó) khi lính bônsêvich tấn công đại đội 1 ở Doukovkoie. Đại đội này được quân Nhật giải thoát, song cũng có 16 binh sĩ thuộc đại đội 9 tử thương vào ngày 23.
![]() |
Ngày 8-8-1918, con tàu hơi nước này ghé bến Takou (Trung Quốc) để đón thêm hai đại đội của trung đoàn 16 bộ binh thuộc địa và một đại đội thuộc tiểu đoàn 3 lê dương. Cùng ngày, tàu nhổ neo trực chỉ Siberia |
Sau khi được tái tổ chức, tiểu đoàn thuộc địa Siberia (gồm hai đại đội trên) tiến đến khu vực Ural qua ngả Kharbin, Tchita, Irkouts, Kranoiarsk, Onisk, Tcheliabinsk để đến Urfa vào ngày 21-11-1918 và đóng ở đó cho đến ngày 10-1-1919. Từ ngày 11-1 đến 3-3 đơn vị đóng tại Tcheliabinsk để cho 6 sĩ quan và 543 hạ sĩ quan cùng binh sĩ giải ngũ. Số còn lại sẽ hộ tống các đoàn xe lửa xuyên Siberia chở vũ khí và đạn dược đến Vladivostok cho đến ngày 15-7-1919.
Ngày 14-2-1920 đơn vị rời Vladivostok di chuyển xuống Thiên Tân, đến nơi vào ngày 4-3. Sau đó, tiểu đoàn thuộc địa giải thể và sáp nhập vào trung đoàn 163 bộ binh thuộc địa.Theo lệnh của bộ trưởng chiến tranh ký ngày 30-4-1919, tiểu đoàn thuộc địa được thưởng huân chương quân đội".
317 chữ của văn bản đó tuy quá sơ sài, song cũng đã phần nào cho thấy một trong những éo le đầu tiên của lính tập An Nam vào đầu thế kỷ 20: ngay từ năm 1918, khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga mới nổ ra, tại vùng đất địa đầu giá tuyết của Nga, tiểu đoàn thuộc địa Siberia gồm các lính tập An Nam đứng về một phía, bên kia là lực lượng cách mạng Bônsêvích. Đớn đau cho những người lính tập An Nam ấy, do lẽ họ chỉ là "thiên lôi" của quân đội Pháp, cấp trên bảo đánh đâu thì đánh đó.
Từ văn bản của Jean Mercier cung cấp, tôi truy cập tư liệu trên mạng và tìm ra một "cánh rừng" sử liệu.
Lính tập, thoạt kỳ thủy, tiếng Pháp gọi là tirailleurs, binh sĩ của một đội quân thuộc địa bản xứ (soldats dune troupe coloniale indigène). Ở Senegal thì gọi là tirailleurs senegalais, ở VN gọi là lính tập An Nam (tirailleurs annamites). Trong binh pháp Âu - Mỹ cho đến thế kỷ 19, thường thì binh sĩ xếp theo đội hình "khối vuông", khi giao tranh lần lượt hàng trước bắn xong thì đến hàng sau bắn. Tất cả hiên ngang giơ ngực ra mà bắn và hứng đạn. Sau đó, mới điều chỉnh bằng chiến thuật phân tán ra mà bắn nhằm gây rối nơi đối phương, gọi là disperser en tirailleurs, từ đó gọi các binh sĩ chuyên di chuyển tấn công này là tirailleur. Trong các quân đội sử dụng tiếng Anh gọi là thiện xạ (sharpshooter). Có lẽ do thời đầu mới thành lập, nhìn thấy các chú lính này tập tành "ắc ê” (một, hai) nên gọi là lính tập. Cũng như nhìn thấy cái quần phồng, lửng, chỉ dài đến đầu gối, xa lạ với y phục đương thời nên mới gọi là lính "khố xanh, khố đỏ”. |
Câu hỏi đặt ra là trung đoàn lính tập đầu tiên ra đời theo nghị định ngày 2-12-1879, vậy trong thực tế trung đoàn đó đã phải thành hình "bằng xương bằng thịt" từ trước đó. Lúc đó là khi nào? Theo tài liệu "Les Salaccos indochinois" dẫn lại theo biên khảo Casques et coiffures militaires franØais của Christian H. Tavard 1981, "ngay từ khi khởi sự chiến dịch thôn tính Nam kỳ (1858-1867), dân địa phương theo chúng ta đã được tập hợp thành những đơn vị lính tập".
Phê bình biên khảo Lính tập: lịch sử quân nhân Đông Dương phục vụ nước Pháp từ 1859-1954 của tác giả M.Rives - E Deroo, đã viết về họ như sau: "Nếu như trí tưởng tượng đại chúng vẫn thường ca tụng công trạng của các "lính tập Thổ" (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 1870, các "lính tập Sénégal" trong Đại chiến thứ nhất, thì lại quên mất các "lính tập Đông Dương". Ấy vậy mà họ đã lao vào mọi mặt trận của Cộng hòa Pháp, đổ máu cho cái hình ảnh đầy mâu thuẫn này. Từ Douaumont đến Siberia, từ Dardanelles đến Maroc, từ Syrie đến bưng biền Oisans, từ Sedan đến Bir Hakeim, qua Ý, núi Vosges và nước Đức, họ đều tận tụy và quên mình phục vụ”.
Các chi tiết trên cho thấy những éo le của những người lính tập An Nam. Chính những người Việt da vàng lúc đó đã phải đăng lính tham gia sự "mở mang bờ cõi" của Pháp.
_________________________________
Từ khi rời Đông Dương, các binh sĩ vẫn chưa quen được với khí hậu đông bắc Siberia. Họ ngã bệnh khá nhiều. Trận đánh đêm 23-8 sẽ vô cùng khốc liệt...
Kỳ tới: Hành trình không mong đợi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận