Vì sao chỉ là một chuyến viếng thăm ngoại giao, nhưng nửa thế kỷ qua hình ảnh Fidel Castro và chuyến thăm Quảng Trị ấy, vẫn luôn được nhắc nhớ trong mối quan hệ thắm thiết anh em Việt Nam - Cuba?
Năm 1972, Quảng Trị được coi là "vùng giải phóng miền Nam", nhịp cầu Hiền Lương đã "thông tuyến" xuyên vĩ tuyến 17 vào tận Triệu Phong nhưng một phần phía Nam của tỉnh Quảng Trị vẫn nằm bên kia chiến tuyến.
Khi Fidel vào tuyến lửa Vĩnh Linh, đến thăm Khu chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Cam Lộ thì địa điểm ấy vẫn nằm trong tầm bắn của các trận địa pháo của đối phương bên kia sông Thạch Hãn.
Khi Fidel bước chân trên cao điểm 241 Tân Lâm gặp gỡ những người lính của đoàn Khe Sanh thì quanh đó vẫn ngổn ngang bom mìn vốn được cài cắm dày đặc để bảo vệ căn cứ hỏa lực này.
Về tới trung tâm Đông Hà, trong bộ quân phục màu ôliu và dáng người cao lớn bước đi giữa những con phố trơ trụi bụi mù của một thị trấn phải trải qua bao trận bom oanh tạc, ông đã ôm lấy một cậu bé bị cụt hai cánh tay và khóc.
Chiều 15-9-1973, đoàn xe đưa ông ngang qua cầu Hiền Lương ra Quảng Bình để bay về Hà Nội. Đúng lúc đoàn xe ngang qua cánh đồng xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, một quả bom bi phát nổ, một nữ thanh niên bị trọng thương và nhờ có ông, những phương tiện y tế tốt nhất được tập trung cứu sống cô gái Quảng Trị ấy.
Nhắc lại những điều này về Fidel và chuyến đi năm 1973 vào Quảng Trị để hiểu một điều: Đó không phải là một chuyến thăm viếng ngoại giao hay hữu nghị bình thường. Đó là một chuyến đi của lòng dũng cảm, nó bất chấp đạn bom, nó mạnh hơn cái chết, mạnh hơn tất cả những ngăn trở luôn rập rình tính mạng quanh vị lãnh tụ ở cách Việt Nam đúng nửa vòng Trái đất.
Đó là chuyến đi của một biểu tượng, và tạo nên nguồn cảm hứng góp phần để cách mạng Việt Nam đi đến ngày thắng lợi. Và đó không chỉ một chuyến thăm mang tính biểu tượng.
Sau chuyến đi lịch sử ấy, tấm lòng của Fidel dành cho Việt Nam còn được cụ thể hóa bằng những công trình hỗ trợ đầy ý nghĩa như xây tặng khách sạn Thắng Lợi (hồ Tây, Hà Nội), xây đường cao tốc Xuân Mai, trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ, cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam cùng với bộ đội Trường Sơn mở rộng đường Hồ Chí Minh...
Đặc biệt, việc chứng kiến em bé ở Đông Hà bị bom làm cụt hai tay và cô gái Vĩnh Linh trúng bom bi, từ chỉ đạo của Fidel, một bệnh viện mang tên Việt Nam - Cuba đã được xây dựng tại Đồng Hới (Quảng Bình) ngay sau đó (1974) góp phần chăm sóc y tế cho người dân vùng tuyến lửa gần nửa thế kỷ qua.
"Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng máu của mình". Hình dáng cao lớn của Fidel trong bộ đồ chiến trận giữa một Quảng Trị ngổn ngang bom đạn cùng câu nói ấy, sau nửa thế kỷ vẫn lấp lánh xuyên qua thời gian không gian, đẹp như một biểu tượng bất tử của tình anh em vô cùng đặc biệt trong một thế giới hôm nay đang quá nhiều sự chia rẽ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận