27/07/2013 12:30 GMT+7

Chuyện những đứa trẻ thiếu cha mẹ

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Sau khi ly hôn, không ít cha mẹ gửi con cho người thân nuôi dưỡng để tìm hạnh phúc mới.

4GllweVw.jpgPhóng to
Hai bác cháu Chung Quốc Bảo cùng đi làm để lo chuyện học của Bảo - Ảnh: Minh Tâm

Nếu may mắn gặp người thân hết lòng thương yêu bảo bọc, cộng thêm niềm tin, mục đích sống, đứa trẻ có thể vượt qua những khó khăn, thử thách. Ngược lại, nếu người thân nặng gánh gia đình không có thời gian quan tâm đến đứa trẻ, cộng thêm sự mặc cảm thiếu ý chí phấn đấu thì cuộc đời của những đứa trẻ có thể trượt dài...

"Người bác của Bảo đã hi sinh, nuôi dưỡng, đùm bọc cháu nên người. Còn Bảo mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn lạc quan vượt qua để đạt thành tích khá giỏi trong học tập"

Thầy Võ Đức Chỉnh (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, TP Cần Thơ)

1

Cha mẹ ly hôn. Tòa tuyên con trai duy nhất là Lý Văn Điều sống với mẹ (Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Cha có quyền và nghĩa vụ thăm nom, cấp dưỡng. Thời gian đầu, mỗi tháng ông đến thăm và cấp dưỡng cho con. Nhưng sau khi cưới vợ mới, cha chẳng những không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà thậm chí khi con bệnh, mẹ nhắn tin cha vẫn không đến. Sau đó ông chuyển đi nơi khác sinh sống. Từ đó Điều không gặp cha thêm lần nào nữa... Mẹ ở vậy lo cho con hơn hai năm thì đi thêm bước nữa. Cũng như cha, mẹ cùng dượng đến địa phương khác lập nghiệp. Mẹ gửi Điều cho ngoại và dì nuôi. Một năm mẹ về thăm ngoại đôi lần, cho con ít tiền. Thời gian đầu mỗi khi mẹ về Điều còn đòi mẹ đem mình theo, nhưng sau đó những tháng ngày xa cách biền biệt khiến tình mẫu tử ngày càng nguội lạnh nên Điều không còn mừng rỡ khi gặp mẹ...

Rồi dì lập gia đình ở chung nhà với ngoại. Bà ngoại rất thương cháu, muốn bù đắp cho đứa cháu sự thiếu hụt tình cảm cha mẹ mà đáng lý nó phải có, nên lo cho cháu đi học. Nhưng chẳng bao lâu ngoại mất. Mẹ về đội tang ngoại rồi đi. Từ ngày ngoại mất, Điều thường xuyên trốn học, cúp tiết... Người dì mải lo kế sinh nhai, chăm sóc con nhỏ, không có thời gian quan tâm đến việc học hành của cháu. Đến khi nhà trường báo tin Điều trốn học nhiều lần, dì rầy la, khuyên bảo vài tiếng rồi nhắn cho mẹ Điều hay nhưng người mẹ không về.

Cuối cùng Điều bỏ học. Suốt ngày lêu lổng theo đám bạn xấu, trộm cắp vặt... Lớn chút nữa Điều làm thợ hồ. Đến lúc này, Điều không về nhà ngoại mà ở lại nơi làm hoặc mướn nhà trọ ở chung với đám bạn. Từ tụ tập nhậu nhẹt, Điều sa chân vào con đường hút chích. Rồi một lần để có tiền phê thuốc, Điều cùng đám bạn đi trộm cắp vật liệu xây dựng. Sự việc bị phát hiện. Điều bị bắt và bị tuyên án 5 năm tù ở tuổi 17...

2 Mẹ mất khi Chung Quốc Bảo (xã Nhơn Nghĩa, Phong Điền, TP Cần Thơ) mới được 7 ngày tuổi. Cha làm ăn xa, có gia đình mới. Người bác tên Chung Văn An thương đứa cháu sớm mồ côi nên đem về nuôi dưỡng. Để nuôi mình và cháu, ông mưu sinh bằng đủ việc: phụ hồ, đắp đất, làm cỏ thuê... Làm quần quật từ sáng đến tối với tiền công chỉ đủ cho hai người sống tằn tiện qua ngày. Nhiều lúc bệnh nhưng người bác vẫn cố lướt đi làm bởi nghỉ ngày nào, cái đói sẽ xộc vào nhà ngày ấy. Tuy nhiên công việc ở quê không phải lúc nào cũng có khiến thu nhập rất bấp bênh. Có những hôm không có việc làm, hai bác cháu đành ăn cơm chan nước mắm. Cực nhọc là vậy nhưng ông luôn quan tâm đến chuyện học của cháu. Khi cháu đến tuổi đi học, ông dạy cháu viết từng chữ i, t..., phép toán cộng trừ... Trình độ chỉ lớp 5 nên khi cháu vào cấp II, ông kiểm tra bài vở bằng cách xem điểm số học tập của cháu. Rồi động viên cháu cố gắng học hành để có nghề về sau. Nhiều lúc cần tiền mua sách vở, quần áo cho cháu, người bác phải ứng trước tiền của chủ, sau đó làm trả dần nợ.

Ông An nhớ lại lúc ẵm Bảo về nuôi, ông vừa đóng vai trò làm mẹ khi đút từng muỗng cháo, thay từng cái tã... cho Bảo, vừa làm cha khi phải cật lực kiếm tiền. Những tưởng không kham nổi nhưng nhìn cháu bi bô, chạy giỡn, ông lại quên hết mệt nhọc. Thời điểm đó ông tuổi trên 30, đôi khi định lập gia đình song lại lo vợ không hết lòng yêu thương cháu, rồi còn sinh con lúc đó lo sao cho xuể. Nếu lỡ có gì, tội nghiệp cháu, nó đã thiệt thòi khi sớm chịu cảnh mồ côi.

Cứ vậy 18 năm qua, Chung Quốc Bảo lớn lên trong sự dạy dỗ, bảo bọc của người bác. Phần Bảo rất lo cho bác nên vào năm lớp 9, Bảo phụ bác trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Vào những ngày nghỉ, lễ Bảo đi phụ hồ, phụ bếp ở các khu du lịch. Bảo xúc động: “Đi làm thuê chung với bác, càng thương bác nhiều hơn. Cực lắm. Nhiều ngày nắng rất gắt nhưng bác vẫn trân mình làm cỏ hoặc đóng từng cột trụ. Vậy mà khi về nhà, bác còn nấu nướng để Bảo có thời gian học tập”. Sự lo lắng, quan tâm của bác tiếp thêm sức mạnh về tinh thần giúp Bảo có thêm nghị lực vượt qua thử thách, năm nào cũng đạt học sinh khá giỏi, rồi năm học lớp 11 này Bảo được trường cấp suất học bổng 600.000 đồng/tháng. Số tiền đó Bảo giao hết cho bác, được bác cho lại 200.000 đồng mua tài liệu, tập, sách...

Bảo tâm sự: “Mùa tựu trường này Bảo lên lớp 12. Bảo cố học để thi vào ngành nông nghiệp vì Phong Điền vốn là xứ sở của cây trái. Vả lại phải có nghề để sau này còn lo cho bác”. Còn người bác thổ lộ giờ bước sang tuổi 50, sức khỏe không còn như xưa, cầu trời cho đừng ngã bệnh để còn nuôi cháu ăn học thành tài...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên