"Làm báo gần nửa thế kỷ, vậy mà mỗi khi thấy tên mình trên báo tôi vẫn sung sướng như ngày xưa, khi lần đầu tên Hoàng Thoại Châu xuất hiện ở mục nhận bài" - nhà báo Hoàng Thoại Châu diễn tả niềm hạnh phúc trong buổi ra mắt hai tập tạp văn dày hơn một ngàn trang, tập hợp những bài tạp văn châm biếm nổi danh Ba Thợ Tiện trên các tờ báo ông xây dựng, cộng tác.
"Các bạn hãy đứng lên, bước vào cuộc đời đầy bụi bặm, gió mưa, hãy nghe tiếng nói của cõi nhân sinh và viết. Cây bút của nhà báo là phương tiện để sửa chữa những cái chưa hay, chưa đẹp của cuộc đời" - Nhà báo Hoàng Thoại Châu - Ảnh: Tự Trung
Tên chuyên mục: "Nói hay Đừng". Thể loại: tạp văn châm biếm. Nội dung: phản biện xã hội. Ngần đó đủ để dự đoán được những gì sách sẽ mang đến cho độc giả.
Ông Phan Chánh Dưỡng nói: "Tôi hiểu thêm bạn tôi, Hoàng Thoại Châu, qua Ba Thợ Tiện. Nhưng điều đáng đọc nhất là hiểu được rõ hơn, sâu hơn xã hội mình mấy mươi năm qua, những hay những dở, những trái tai gai mắt, những hợp đẹp lòng người".
Nhà báo Minh Phong nói: "Dẫu thời gian trôi qua đã khá lâu, những câu chuyện được kể có tính thời sự rất cao, tưởng như chỉ cần đổi mốc thời gian rồi đưa lên báo vẫn nóng hổi".
Ông Ba Thợ Tiện kể về bài viết gây cho ông nhiều hệ lụy nhất. Trong một chuyến công tác, được giới thiệu đến xem mô hình xây dựng văn hóa nông thôn ở một huyện, ông xuýt xoa vì nơi này được đầu tư cơ sở vật chất quá tốt nhưng dường như cung cách tổ chức chưa biết phát huy.
Được mời phát biểu, ông nói: "Ở đây cần thêm vài cái đầu thì sẽ phát triển được". Ông chủ tịch xã đồng ý ngay: "Đúng. Chúng tôi đang đề xuất thêm mấy cái đầu video đa hệ, bà con rất thích xem phim…".
Sự lầm lẫn dở khóc dở cười này được ông đưa vào bài viết Đau đầu về những… cái đầu. Hai ngày sau, một lá thư từ vị cán bộ lão thành nào đó gửi đến cơ quan trung ương quy kết: "Ba Thợ Tiện nói "cái đầu" tức là nói các lãnh đạo…".
Những yêu cầu giải trình, kiểm điểm tới tấp gửi đến báo và cơ quan chủ quản… suốt ba năm.
Bài thứ hai Ba Thợ Tiện tâm đắc lại xuất phát từ kinh nghiệm được truyền trong các cán bộ kháng chiến: trong rừng, lấy lá trung quân làm nhà là tốt nhất vì lá trung quân chịu được lửa.
Câu chuyện kể cán bộ cũ rất công phu về lại cánh rừng xưa chở lá trung quân lợp căn nhà mới của mình. Năm qua, tháng qua, ông giữ nguyên niềm tự hào căn nhà lá không bao giờ cháy.
Rồi một hôm, trong cuộc rượu có người không tin lá trung quân không cháy. Ông thách thức và người bạn bật lửa. Nhà cháy. Khi đó ông ngậm ngùi nhận ra: lá trung quân đã mục thì đâu còn là trung quân. Nó sẽ cháy, mà cháy rất nhanh.
Tưởng như chuyện cười nhưng chất chứa bao nhiêu quy luật cuộc đời, nhất là khi bài báo được ra mắt năm 1991, sau sự sụp đổ bất ngờ, nhanh chóng của Liên Xô.
Ba Thợ Tiện nói ông tiếc nhất là những chuyện chưa thể viết được thành bài báo. "Cái nợ của nhà báo với độc giả còn nhiều lắm" - ông nói.
Độc giả nghe vậy càng tiếc, vì nếu Ba Thợ Tiện vẫn còn "tiện" đến hôm nay, sẽ còn bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười được ghi lại bằng "đôi mắt công dân, suy tư nhà báo, thổn thức nhà thơ và sắc sảo ngòi bút" của ông.
"Nói hay Đừng hôm nay là dành cho các nhà báo trẻ" - Ba Thợ Tiện nhấn mạnh. Nghe ông nói vậy, biết rằng ngòi bút của ông vẫn sắc, bộ tạp văn này chưa phải là cuối cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận