Tinh thần nghiên cứu của nhà nghiên cứu An Chi rất đáng để học hỏi bởi trong mỗi vấn đề, ông luôn nỗ lực lý giải đến tận nguồn gốc, tạo nền tảng cho các nghiên cứu liên ngành, đặc biệt là những phát hiện của ông liên quan đến từ nguyên.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: "Những kiến giải của bác An Chi đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình nghiên cứu lịch sử" - Ảnh Mai Thụy
Sau 11 năm ròng rã, độc giả yêu mến nhà nghiên cứu An Chi mới có dịp cầm trên tay cuốn sách Chuyện Đông chuyện Tây (tập 7) do Nhà xuất bản Tổng hợp phát hành kể từ khi 6 tập trước đó của bộ sách ra mắt vào năm 2006.
Đây cũng là cuốn sách cuối cùng tập hợp những bài viết của ông đã đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay trong nhiều năm liền.
Trong buổi ra mắt sách vào sáng 14-10 tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM), hai cuốn sách vừa được phát hành cách đây không lâu của nhà nghiên cứu An Chi (Huệ Thiên): Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm và Câu chữ Truyện Kiều cũng được giới thiệu.
Nếu Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm là nơi tập hợp các thảo luận của nhà nghiên cứu An Chi về một số vấn đề trong ngôn ngữ thì Câu chữ Truyện Kiều lại là những nghi vấn và bình giải của ông xoay quanh tác phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.
Những cuốn sách trên là tâm huyết của ông sau quãng thời gian dài miệt mài nghiên cứu.
Đã từng có một khoảng thời gian dài nền học thuật trên cả nước bị ngưng trê vì nhiều lý do chính trị, xã hội. Anh An Chi là người có công hàng đầu trong việc mở ra sự đối thoại học thuật bằng những bài viết của mình trên tạp chí Kiến thức ngày nay kể từ năm 1990.
Đến tham dự buổi ra mắt sách, ông Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, đã không kìm nén được xúc động khi nói về nhà nghiên cứu An Chi.
Trò chuyện với độc giả tại đường sách, ông Phan Hoàng còn kể thêm những câu chuyện đằng sau trang viết của học giả An Chi.
"Vì là một bạn luôn kề cận với anh An Chi nên đã rất nhiều lần tôi biết được những lá thư của cây đa, cây đề trong giới nghiên cứu từng gửi cho anh.
Có những bức thư lời lẽ rất gay gắt, thậm chí là chửi mắng nặng nề. Thế nhưng, vượt qua khó khăn đó, anh An Chi vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu của mình và mang đến cho bạn đọc những kiến giải sâu sắc về ngôn ngữ."
Một độc giả trẻ mang trọn bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây đến nhận chữ ký của học giả An Chi - Ảnh Mai Thụy
Chia sẻ về Chuyện Đông chuyện Tây (tập 7), nhà nghiên cứu An Chi cho biết kể từ khi phát hành tập 6 của bộ sách vào năm 2006, ông đã dự định không viết tiếp nữa vì một số lý do cá nhân.
Thế nhưng, khi nhận ra tình cảm của các độc giả mong muốn được đọc lại các bài viết của ông đăng rải rác trên tạp chí, nhà nghiên cứu An Chi đã tiếp tục hoàn thành cuốn cuối cùng của bộ sách.
"Có thể tôi không có phát kiến gì lớn lao trong những bài viết của mình, kể cả khi phụ trách chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây hay khi tôi viết về Truyện Kiều cũng vậy, tôi chỉ có một niềm say mê vô hạn dành cho công việc nghiên cứu ngôn ngữ." ông An Chi bày tỏ.
Trong suốt nhiều năm, bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây của học giả An Chi đã hỗ trợ đắc lực cho công việc của các nhà nghiên cứu khác.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho biết trong quá trình nghiên cứu lịch sử, bộ sách của học giả An Chi đã giúp cô giải mã được phần nào những ẩn ý trong các thư tịch của tiền nhân.
Mặc dù đã lớn tuổi nhưng học giả An Chi vẫn tâm sự rằng ông luôn muốn tiếp tục công việc của mình, dẫu cho sức khỏe đã không còn nhiều nữa.
Trong thời gian sắp tới, nhà nghiên cứu An Chi sẽ giới thiệu đến các độc giả cuốn sách Rong chơi miền chữ nghĩa (tập 4) và công bố một số công trình nghiên cứu ngôn ngữ ông vẫn đang ấp ủ từ nhiều năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận