18/04/2018 10:30 GMT+7

Chuyện hai đống rác lớn ở hai chung cư gần nhà tôi

ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM)
ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM)

TTO - Bên cạnh ý thức giữ gìn không gian chung của cư dân, năng lực quản lý vận hành chung cư hiệu quả là yếu tố tạo nên một môi trường sống tốt, văn minh cho chung cư.

Chuyện hai đống rác lớn ở hai chung cư gần nhà tôi - Ảnh 1.

Một buổi hội nghị nhà chung cư tại chung cư G9 (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Chị đồng nghiệp của tôi, một cư dân chung cư ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), kể trước đây có những người vào thang máy gây ồn, hút thuốc, khạc nhổ, bấm di chuyển lên xuống để dỗ trẻ con ăn... 

Từ khi có trưởng ban quản lý mới, người này đã tổ chức họp, đưa ra nội quy và tất cả cùng thống nhất. Một bảng thông báo được dán trong thang máy nêu rõ các điều cấm và mức phạt nếu vi phạm (lần đầu phạt 500.000 đồng, lần hai phạt 1 triệu đồng, lần ba phạt 2 triệu đồng...), thế là vi phạm giảm hẳn.

"Để quản lý chung cư có hiệu quả, đội ngũ quản lý và phục vụ cần được đào tạo nghiêm túc về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, tác phong, cách xử lý các tình huống... vừa tránh xung đột với người cư ngụ vừa tạo được môi trường sống tốt".

Đỗ Ngô Trần

Hay chung cư gần nhà tôi, mấy năm trước có hai khoảnh đất trống để lâu ngày trở thành hai đống rác lớn và xung quanh đó cũng vương vãi đầy giấy vụn, bao nilông, hộp xốp đựng thức ăn... Trước tình trạng xả rác bừa bãi này, ban quản lý cũ cũng từng giăng tấm bảng "Đừng xả rác vì môi trường xanh - sạch - đẹp" nhưng chỉ dừng lại ở mức kêu gọi nên không thay đổi được gì.

Ban quản lý mới đã chọn cách làm khác. Ban đã tích cực vận động người dân ai thấy rác cũng nhặt, ai cũng có trách nhiệm nhắc nhở người khác không xả rác... Ban đầu, các anh bảo vệ rồi đến các em nhỏ cứ thấy ai xả rác là chạy ra nhặt bỏ vào thùng rác nên người xả rác ngại đỏ cả mặt. 

Bên cạnh đó, hai thùng đựng rác có phân loại được đặt ở góc sân sử dụng chung, hai đống rác đã được dọn dẹp sạch và thay vào đó là vườn hoa, mảng xanh... Chỉ hai tháng sau, chung cư hiếm khi thấy rác ở sân, hành lang, cầu thang..., cư dân lại có được thói quen cùng nhau dọn dẹp vệ sinh khuôn viên vào ngày chủ nhật đầu tiên trong tháng.

Còn nơi anh bạn tôi cư ngụ được cho là chung cư cao cấp ở Thảo Điền (Q.2, TP.HCM), quản lý khá nghiêm ngặt. 

Anh kể mới đầu dọn đến thấy khó chịu vì phải tuân thủ nhiều nội quy, như là không nuôi chó, mèo; không mở nhạc lớn hay hát karaoke quá 10 giờ đêm; khách đến nhà phải báo trước cho bảo vệ để đăng ký lịch ra vào... Sau đó anh đã quen dần và thích nghi vì thấy những quy định chung này đã tạo ra một không gian sống tốt, an toàn.

Từ các câu chuyện ấy, tôi thấy văn minh chung cư phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ban quản lý. Chung cư có nhiều người cư ngụ, sinh hoạt trong một không gian chung từ việc đơn giản như bỏ rác cho tới sử dụng chung thang máy, hành lang, cầu thang, rồi nhu cầu sống của từng người... 

Nếu quản lý không hiệu quả dễ dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm theo thói quen, dễ xảy ra bất cập và sự bất ổn xuất phát từ chính những người dân cư ngụ trong chung cư sẽ còn tiếp diễn.

Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý phải là những người có sự nhạy bén cũng như thấu hiểu đặc tính với mỗi loại hình chung cư cùng thực trạng đang diễn ra mà có cách làm thích hợp, tác động đến ý thức người dân cư ngụ.

Bắt đầu từ những nụ cười

Năm 2011, tôi bắt đầu cuộc sống chung cư khi mua một căn hộ tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Như nhiều người về nơi ở mới, tôi thường xuyên mỉm cười chào hỏi hay bắt chuyện làm quen với hàng xóm mỗi khi gặp nhau ở nơi đổ rác, nhà để xe, hay khi đi chung thang máy, uống cà phê dưới tầng trệt... Có nhiều người đáp lễ rất lịch sự, nhưng cũng có không ít người làm lơ, trong đó có vài người ở cạnh căn hộ của tôi.

Vài tháng sau, hộ bên cạnh tôi có bà cụ ở quê lên nấu bếp gas gây cháy trong khi nhà chỉ có mình cụ. Tôi phát hiện, vội vàng vào nhà lấy cái mền rồi lao vào dập lửa. Tối ấy, vợ chồng chủ nhà gõ cửa nhà tôi và rối rít nói lời cảm ơn. Từ đó họ bắt đầu thân thiện với tôi.

Đến cuộc họp tổ dân phố, tôi góp ý một hộ nuôi chó, mèo gây ồn cả đêm, nhiều người bực mình nhưng không ai dám nói. Gia đình nọ thấy tôi góp ý có lý quá nên không nuôi thú cưng nữa. Cứ nhiệt tình giúp đỡ và góp ý chân tình như vậy, dần dà những người ở cùng tầng thân thiện với tôi hơn. Và chỉ thời gian sau, nhà tôi trở thành điểm "tụ tập" vào mỗi tối của hàng xóm, mọi người chuyện trò, trải lòng rất rôm rả.

Cứ như vậy, khoảng hai năm sau khi tôi về ở chung cư, tình cảm láng giềng đã cải thiện hơn rất nhiều. Mọi người không còn cảnh lạnh lùng khi gặp nhau, không còn cảnh đóng cửa nhà suốt ngày..., mà thay vào đó là những lời chào hỏi, những nụ cười thân thiện. Dịp cuối tuần, mọi người ngồi lại với nhau trong căn hộ của tôi hoặc láng giềng, chia sẻ chuyện ai ốm đau thì đi thăm hỏi, căn hộ bị hư thì ai biết sửa lại xung phong...

Tôi nghĩ, ở chung cư cũng như làng xóm, nếu ai cũng sống mở lòng, dẹp bớt cái "tôi", tận tình giúp đỡ người khác... thì chắc chắn tình cảm láng giềng sẽ xích lại gần nhau. Khi ấy, cuộc sống ở chung cư sẽ bớt đi những xích mích, những giận hờn, mọi người sẽ cùng nhau sống tốt hơn.

TẤN PHÁT

Diễn đàn Xây dựng văn hóa chung cư do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh chính thức mời bạn đọc gửi hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm.

Các ý kiến thiết thực sẽ được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày và TTO. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ bình chọn và dành tặng 5 phần quà trị giá 5 triệu đồng/phần cho cá nhân, tập thể có ý kiến đặc sắc.

Ý kiến gửi về email: maicong@tuoitre.com.vn (từ nay đến hết ngày 31-5).

Chung cư như cái làng, làng phải có hương ước? Chung cư như cái làng, làng phải có hương ước?

TTO - Tham gia diễn đàn, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng mỗi chung cư cần xây dựng một hương ước kiểu mới để mọi người lấy đó làm chuẩn mực ứng xử với nhau, lâu dần sẽ hình thành văn hóa chung cư.

ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên