29/05/2019 12:33 GMT+7

Chuyên gia không tin ngành chip của Trung Quốc đủ sức 'tự làm'

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Nền tảng yếu cùng một cuộc 'tháo chạy' của chuỗi cung ứng cao cấp khỏi Trung Quốc vì thương chiến Mỹ - Trung sẽ đặt áp lực lên tham vọng xây dựng ngành công nghiệp chip riêng của Trung Quốc.

Chuyên gia không tin ngành chip của Trung Quốc đủ sức tự làm - Ảnh 1.

Một con chip từ công ty HiSilicon được trưng bày tại một sự kiện của Huawei ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào ngày 21-3-2019 - Ảnh: REUTERS

Tháng 3-2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố ngành công nghiệp chất bán dẫn đứng đầu trong 10 ngành công nghiệp mà Bắc Kinh muốn tập trung phát triển trong chiến lược "Made in China 2025" (sản xuất tại Trung Quốc năm 2025).

Theo đó, ban lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu ngành công nghiệp bán dẫn phải đạt 305 tỉ USD về đầu ra vào năm 2030 và đáp ứng 80% nhu cầu nội địa. Trong khi năm 2016, các con số này lần lượt chỉ 65 tỉ USD và 33%.

Tuy nhiên, báo South China Morning Post ngày 29-5 dẫn nhận định của một chuyên gia về chất bán dẫn của Trung Quốc cho biết ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn nói chung và sản xuất chip điện tử nói riêng của Bắc Kinh cần hơn 10 năm để bắt kịp các đối tác toàn cầu do nền tảng yếu hơn và tác động từ thương chiến Mỹ - Trung.

"Đây là một ngành công nghiệp đầy thách thức, phụ thuộc nặng vào sự tích lũy công nghiệp dài hạn. Trung Quốc cần chuẩn bị cho một cuộc đua đường trường trong ít nhất 1 thập niên vốn cũng mất mát nhiều thứ dọc đường đua" - ông Jay Huang Jie, đối tác sáng lập công ty Jadestone Capital và cựu giám đốc quản lý Intel ở Trung Quốc, đưa ra đánh giá.

Ông Huang - người từng rời Intel vào năm 2015 để lập ra công ty đầu tư riêng tập trung vào ngành công nghiệp chất bán dẫn, cũng cảnh báo về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với tham vọng của Trung Quốc.

"Sẽ đáng lo ngại nếu chuỗi cung ứng cao cấp rút khỏi Trung Quốc khi mức thuế được đẩy lên. Viễn cảnh đó sẽ không xảy ra ngày một ngày hai, nhưng vốn khả dĩ" - ông Huang giải thích.

Chuyên gia không tin ngành chip của Trung Quốc đủ sức tự làm - Ảnh 2.

Một người đàn ông chụp ảnh các camera giám sát trưng bày tại gian hàng của Huawei trong triển lãm an ninh ở Thượng Hải, Trung Quốc hôm 24-5 - Ảnh: REUTERS

Lời kêu gọi "tự cung, tự cấp" trong công nghệ chiến lược - đặc biệt sản xuất chip của Bắc Kinh - cùng cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ tìm cách ngăn các công ty Trung Quốc tiếp cận các bí mật công nghệ của Mỹ khi căng thẳng thương chiến vẫn đang "cháy" âm ỉ.

Về phía Huawei, công ty con HiSilicon thuộc sở hữu của tập đoàn này tuyên bố vài năm qua, họ đã phát triển các chipset riêng như một kế hoạch dự phòng để sản xuất smartphone và các sản phẩm khác thay thế những con chip phải mua từ Intel hay Qualcomm của Mỹ.

Bà Hà Đình Ba - chủ tịch HiSilicon - khẳng định công ty này đã chuẩn bị nguồn lực trong suốt nhiều năm, một nỗ lực mà bà ví von là "lốp dự phòng trong cuộc Vạn lý trường chinh về khoa học và công nghệ".

Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ tiến triển như thế nào còn tùy thuộc vào sự sẵn có của các thành phần nội địa thay thế trong quá trình sản xuất chip tại Trung Quốc.

"Việc 'địa phương hóa chip' dù ở mức 99% hay chỉ 10% vẫn không có sự khác biệt mấy. Bởi lẽ nếu bạn không tìm ra được thành phần nội địa thay thế cho chỉ 1 bộ phận thì coi như thất bại" - ông Huang lý giải.

Người phụ nữ bí ẩn đứng sau tham vọng tự chủ chip của Huawei Người phụ nữ bí ẩn đứng sau tham vọng tự chủ chip của Huawei

TTO - Hà Đình Ba là cái tên xa lạ với truyền thông nước ngoài cho đến khi lên tiếng chỉ trích quyết định tấn công Huawei của Mỹ là "điều điên rồ", khẳng định công ty do bà đứng đầu đủ sức "cứu sống" Huawei.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên