14/02/2023 17:00 GMT+7

Chuyên gia đề nghị giao dịch nhà đất đều phải lên sàn

Chuyên gia kiến nghị quy định bắt buộc mọi giao dịch nhà đất, trừ giao dịch giữa những người cùng huyết thống, phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản để ngăn chặn việc khai khống giá mua bán.

Chuyên gia đề nghị giao dịch nhà đất đều phải lên sàn - Ảnh 1.

Luật sư Lê Hồng Nguyên phát biểu tham luận tại hội thảo chiều 14-2 - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Giao dịch qua sàn kiểm soát giá trị thực

Chiều 14-2, tại TP.HCM, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Góp ý dự thảo luật, ông Lê Hồng Nguyên - trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP.HCM - cho rằng trước đây nhiều ý kiến mong muốn bỏ quy định về các giao dịch bất động sản (chuyển nhượng, mua bán, thuê nhà đất…) phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản để tạo thông thoáng cho thị trường.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, do không có quy định này nên không thể kiểm soát được việc mua bán, nhất là giá trị thật của các hợp đồng chuyển nhượng và để lại hệ lụy rất lớn cho thị trường.

Dù cơ quan thuế đưa ra rất nhiều giải pháp để ngăn chặn việc "khai khống" giá mua bán, chống thất thu thuế từ việc giao dịch bất động sản (mua bán, chuyển nhượng, cho thuê…) nhưng sự minh bạch của thị trường vẫn chưa đảm bảo.

"Nhiều người dân mua nhà 10 tỉ đồng nhưng chỉ kê khai 1 tỉ đồng dẫn đến bị các cơ quan thuế không cho đăng bộ, không cho nộp thuế. Nghị quyết 18 yêu cầu minh bạch thị trường, cho nên việc quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản là cần thiết", ông Nguyên nhấn mạnh.

Dù vậy, ông Nguyên đề nghị quy định bắt buộc tất cả giao dịch bất động sản, trừ việc giao dịch giữa những người cùng huyết thống (cha mẹ, con cái, anh em…) phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản để ngăn chặn việc khai khống giá mua bán.

Theo ông Nguyên, quy định như vậy sẽ ngăn chặn được việc các cá nhân lợi dụng kẽ hở để khai khống giá giao dịch, cũng như tạo tính minh bạch cho thị trường. Đề xuất của ông Nguyên mở rộng đối tượng giao dịch phải thông qua sàn hơn so với dự thảo luật.

Theo đó, điều 57 của dự thảo luật quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản là chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân mua, bán, cho thuê nhà ở, các công trình xây dựng không thuộc quy định tại khoản 1 điều này thực hiện giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản để bảo đảm công khai, minh bạch và quyền lợi của các bên.

Chuyên gia đề nghị giao dịch nhà đất đều phải lên sàn - Ảnh 2.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 14-2 - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Ngăn chặn lừa đảo, sốt đất

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng kiến nghị bổ sung trường hợp cá nhân, hộ gia đình tự thực hiện hoặc liên kết, hợp tác với "đầu nậu", doanh nghiệp bất động sản để phân lô, bán nền phải thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản đối với trường hợp giao dịch với người không có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hoặc con nuôi, người được cấp dưỡng theo quy định pháp luật.

Theo HoREA, quy định như thế để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo và các cơn sốt đất như đã xảy ra trong thời gian qua.

Về quy định giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản, trước đây, Luật kinh doanh bất động sản 2006 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Sau đó, quy định này đã được bỏ tại Luật kinh doanh bất động sản 2014 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu các thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia thị trường.

Có ý kiến cho rằng việc yêu cầu các giao dịch bất động sản phải thực hiện qua sàn giao dịch có thể tạo thêm những thủ tục hành chính rườm rà, từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch về bất động sản trên thị trường.

Tuy vậy, với mục tiêu để đảm bảo tính công khai, minh bạch thì nghị quyết 18 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã định hướng bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch.

Theo đó, nghị quyết 18-NQ/TW đã có những định hướng có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm...

Tiếp thu định hướng, dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lần này có mục riêng quy định về sàn giao dịch bất động sản.

Đừng bắt nền kinh tế làm Đừng bắt nền kinh tế làm 'con tin' để kêu gọi giải cứu bất động sản

Người ta hay dọa nền kinh tế, bắt nền kinh tế làm con tin để kêu gọi giải cứu bất động sản. Nếu bây giờ chúng ta e sợ những "đe dọa" đó, đi giải cứu bất động sản thì biết bao giờ mới thoát ra được sự lệ thuộc vào bất động sản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên