25/04/2020 13:36 GMT+7

Chuyên gia, chính phủ và dân Mỹ thay đổi quan điểm về khẩu trang như thế nào?

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Các chuyên gia, chính phủ và người dân Mỹ đã thay đổi quan điểm và thói quen để đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm virus corona chủng mới, dù trước đây vài tháng đây được xem là điều không tưởng.

Chuyên gia, chính phủ và dân Mỹ thay đổi quan điểm về khẩu trang như thế nào? - Ảnh 1.

Nhân viên và khách hàng đều đeo khẩu trang khi gội đầu tại một tiệm làm đẹp ngày 24-4 sau khi bang Georgia, Mỹ nới lỏng các hạn chế áp đặt để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 - Ảnh: REUTERS

Đài CNN ngày 24-4 đăng bài báo với tựa đề "Châu Á có vẻ đúng về virus corona và khẩu trang, và phần còn lại của thế giới đang dần đồng tình". 

Với người dân châu Á, yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng được xem là một chiến lược hiệu quả trên khắp châu lục này để hạn chế và ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới.

Tuy nhiên, với những khu vực khác trên thế giới, đặc biệt tại nước Mỹ, vài tháng trước nhiều quan chức y tế công cộng, các chính trị gia và các chuyên gia y khoa tiếng tăm từng tự tin tuyên bố khẩu trang không giúp được gì và kêu gọi mọi người nên tập trung vào việc rửa tay và giữ khoảng cách để hạn chế lây nhiễm.

Tác dụng của khẩu trang

Cuối tháng 2, chuyên gia phẫu thuật Jerome Adams từng viết trên Twitter kêu gọi mọi người "Ngừng mua khẩu trang!" khi cho rằng khẩu trang không có tác dụng ngăn cộng đồng nhiễm virus và người dân nên dành khẩu trang cho các nhân viên y tế phải điều trị các bệnh nhân COVID-19. Bài đăng của ông Adams đã được "retweet" lại hơn 43.000 lần.

Cùng thời điểm trên, khi được hỏi về việc mọi người cần đeo khẩu trang hay không, ông Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, đã ngay lập tức nói: "Không". 

CDC Mỹ cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số cơ quan và chuyên gia y tế công cộng khác từng cho rằng khẩu trang không có tác dụng và chỉ cần thiết cho nhân viên y tế và người bệnh.

Đầu tuần này, vào ngày 20-4, ông Redfield thừa nhận CDC đang xem xét các hướng dẫn và có thể sẽ ban hành khuyến cáo chung về việc đeo khẩu trang để bảo vệ mọi người khỏi lây nhiễm cộng đồng. Đài CNN cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian để các tổ chức khác, điển hình là WHO, làm theo và đưa ra khuyến nghị tương tự.

Trong tháng 3, ông Adrien Burch, chuyên gia vi sinh tại ĐH California - Berkeley, từng lưu ý "bất chấp việc nghe rằng khẩu trang 'không hiệu quả', bạn vẫn chưa thấy bằng chứng mạnh mẽ nào ủng hộ tuyên bố này. Đó là bởi vì bằng chứng không hề tồn tại". Dù vậy, thực tế chứng minh điều ngược lại khi khẩu trang đã giúp ngăn chặn các bệnh lây nhiễm từ virus như đại dịch hiện nay.

Chuyên gia, chính phủ và dân Mỹ thay đổi quan điểm về khẩu trang như thế nào? - Ảnh 2.

Thị trưởng Los Angeles, Mỹ, ông Eric Garcetti đeo khẩu trang để kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi đi làm trở lại - Ảnh: Mayor Eric Garcetti’s office

Ngay từ đầu, chính quyền đặc khu Hong Kong và nhiều chính phủ châu Á khác đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang nơi công cộng bất chấp việc họ có triệu chứng nhiễm bệnh hay không. Một số khu vực ở phương Tây đã ngạc nhiên trước hành động này, cho rằng châu Á có "nỗi ám ảnh" với khẩu trang dù chiến lược này đã góp phần ngăn dịch lan rộng ở nhiều nước khu vực này.

Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục, đều yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, đã chứng kiến hiệu quả lớn trong việc ngăn chặn dịch lây lan rộng hơn các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ vốn không quen đeo khẩu trang.

Trao đổi với Đài CNN, ông Ivan Hung, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại ĐH Y Hong Kong, nói rằng "nếu nhìn vào dữ liệu của Hong Kong, đeo khẩu trang có lẽ là điều quan trọng nhất trong kiểm soát lây nhiễm. Đeo khẩu trang không chỉ làm giảm các ca nhiễm corona mà còn làm giảm các ca bệnh cúm. Thực tế đây là mùa cúm và chúng tôi hầu như không thấy trường hợp cúm nào".

Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump vào đầu tháng 4 cũng kêu gọi người dân Mỹ đeo khẩu trang để bảo vệ mình trước COVID-19.

Hơn nửa hành khách không đeo khẩu trang

Các hãng hàng không lớn tại Mỹ, chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19, cũng đã ra quy định riêng của mỗi hãng về việc đeo khẩu trang. Điển hình, Hãng United Airlines ngày 23-4 cho biết sẽ yêu cầu tiếp viên hàng không phải đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ kể từ ngày 24-4 (giờ Mỹ), theo Đài CNN.

Đây là hãng hàng không lớn đầu tiên của Mỹ ra quy định trên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu đi lại giảm vì dịch bệnh và nhiều chuyến bay ở Mỹ có rất ít hành khách, chuyện hi hữu đã xảy ra trên chuyến bay từ Miami đến sân bay LaGuardia của New York ngày 22-4, theo báo New York Post. Hành khách Angie Wong trên chuyến bay 2669 của Hãng American Airlines cho biết có đến 80-90% ghế có người ngồi nhưng khoảng nửa trong số này không đeo khẩu trang. Bà Wong đã rất ngạc nhiên vì điều này.

Chuyện hi hữu trên xảy ra khi liên đoàn tiếp viên hàng không lớn nhất nước Mỹ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải Mỹ ra quy định hành khách trên các chuyến bay thương mại đều phải đeo khẩu trang.

Theo Business Insider, 7 bang ở Mỹ bao gồm New York đã yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng.

Mẹ cách ly vì COVID-19, nhà hỏng vì mưa đá, 2 đứa trẻ bơ vơ Mẹ cách ly vì COVID-19, nhà hỏng vì mưa đá, 2 đứa trẻ bơ vơ

TTO - Trận mưa đá rạng sáng 23-4 phá tan hoang ngôi nhà của hai cậu bé Tòng Văn Toản và Tòng Văn Tuyển ở xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La. Mẹ của hai cậu bé - là công nhân của Nhà máy Samsung ở Bắc Ninh - đang cách ly vì dịch COVID-19.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: covid-19 Mỹ khẩu trang