20/07/2014 09:20 GMT+7

Chuyến đi độc nhất vô nhị

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TT - Trung tuần tháng 7-2014 chúng tôi đến Huế để tìm lại một gia đình từng là chứng nhân lịch sử của cầu Hiền Lương trong những tháng năm đất nước chia cắt.

gDNdrqEO.jpg
Ông Nguyễn Xuân Liên, công an vũ trang giới tuyến, bắt tay giáo sư Dương Kỵ khi nhóm ba người đã qua cầu Hiền Lương (ảnh chụp tại bờ bắc) Ảnh tư liệu gia đình ông Xuân Liên

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, con gái đầu một chiến sĩ công an vũ trang từng công tác ở giới tuyến, cho tôi xem một bức ảnh quý của gia đình cất giữ gần nửa thế kỷ đôi chỗ đã ố vàng, với lời giới thiệu đầy trân trọng: ”Ba tôi được giao nhiệm vụ tháp tùng ba nhà trí thức từ miền Nam ra Bắc...”. Một người trong ảnh là giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ. Ông là một nhân sĩ trí thức, một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng tiếng tăm trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.

Khủng bố “Xuân Hòa Bình”

Huế một ngày mùa xuân năm 1955.

Tất cả có vẻ bình yên nhưng mặt nước lặng im không đủ khỏa lấp những đợt sóng ngầm của phong trào đòi hòa bình và tự quyết của trí thức, sinh viên cố đô. Sau Hiệp định Genève 1954 bắt đầu có một hình thức đấu tranh mới ở các đô thị miền Nam, nhất là Huế và Sài Gòn. Xứ thần kinh đã có nhiều tên tuổi được đồng bào, nhất là học sinh, sinh viên ngưỡng vọng, trong đó có nhóm trí thức đứng đầu là giáo sư hoàng tộc Tôn Thất Dương Kỵ. Họ cho ra mắt tập san Ngày Mai ngay sau những ngày đình chiến nhằm định hướng dư luận tiến bộ. Và chính quyền lúc bấy giờ đã không chậm trễ thẳng tay đối phó...

Vừa mới ra đời, Ngày Mai đã bị khủng bố. Những người hăng hái như Tôn Thất Dương Kỵ, Võ Quý Cường đã bị đánh đập dằn mặt ngay tại nhà mình. Đến số báo thứ tư thì tòa soạn bị “chiếu tướng”.

Theo công trình nghiên cứu khá công phu của tác giả Chu Sơn công bố gần đây năm 2012 thì thời điểm đó, nhà cầm quyền đã quyết định thu hồi những ấn phẩm có xu hướng kêu gọi hòa bình và thống nhất đất nước, có lợi cho Việt Minh. Ngày 24-2-1955, giám đốc Nha thông tin Trung Việt Võ Thu Tịnh có công văn gửi lên tổng trưởng Bộ Thông tin “về việc đề nghị tịch thu sách phản tuyên truyền“. Vậy nội dung công văn đòi “xử trảm” một tập san nghiêm trọng thế nào? Xin mời đọc tiếp.

“Kính gửi ông tổng trưởng

Hiện thời tại Trung Việt đang được lưu hành một số ấn phẩm văn nghệ, mới xem qua thì ra mặt ca tụng Việt Minh, nhưng sự thật nhằm mục đích tuyên truyền cho họ bằng cách nêu cao quan điểm hòa bình của đối phương và thôi thúc giai cấp đấu tranh một cách khôn khéo trong những vần thơ hoặc câu văn xuyên tạc.

Để chận đứng lối tuyên truyền quỷ quyệt ấy, nha chúng tôi đệ trình lên quý bộ cấm lưu hành tất cả các loại sách nói trên. Và ngay bây giờ, chúng tôi xin đề nghị quý bộ tịch thu những sách sau nầy về loại ấy.

...

3. Tập văn Xuân Hòa Bình do Nhà xuất bản Tâm Huệ số 1.c Nguyễn Hoàng (Huế) ấn hành...”.

Số báo thứ năm bị tịch thu, giấy phép xuất bản cũng bị thu hồi. Chưa hết! Những trí thức hăng hái như Tôn Thất Dương Kỵ, Võ Quý Cường... bị giam cầm nghiêm ngặt ở lao Thừa Phủ. Ba tháng sau họ được phóng thích nhưng lại bị trục xuất khỏi Huế.

Con đường chông gai của những người yêu nước vẫn chưa hết.

OZgPoZx9.jpg
Giữa hàng rào cảnh sát, nhà báo Phi Bằng, bác sĩ Phạm Văn Huyến và giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ chuẩn bị qua cầu Hiền Lương ra Bắc (ảnh chụp tại bờ nam) - Ảnh tư liệu Hồ Vĩnh sưu tầm

Lựa chọn trên chiếc cầu lịch sử

Khi vào Sài Gòn, giáo sư Dương Kỵ tiếp tục dạy học và làm báo, trung thành với con đường mình đã chọn. Ông lại tiếp tục bị tù, rồi được thả ra, lại lao vào hoạt động trong phong trào hòa bình và dân tộc, dân chủ, trở thành một nhân sĩ có uy tín lớn đối với đồng bào đô thị.

Năm 1962 vừa mới ra tù, giáo sư Dương Kỵ tiếp tục hoạt động năng nổ trong phong trào trí thức đô thị. Ông đã cộng tác với TS Nguyễn Nhã (tập san Sử Địa) trong những hoạt động diễn thuyết, báo chí. Công việc đang tiến triển, giáo sư Dương Kỵ nhận lời làm chủ biên cho tập san này thì một bước ngoặt đã đến. Có lẽ lúc ấy ông cũng không ngờ được rằng một thử thách hệ trọng đang sắp sửa xuất hiện trên đường đời của mình.

Hậm hực với những nhà trí thức yêu nước, chính quyền Sài Gòn đã tung ra một đòn bất ngờ và khá hiểm: nếu các nhà trí thức cứ đòi hỏi hòa bình, dân chủ, có cảm tình với cộng sản thì xin mời ra Bắc mà sống, xem thử có dám không?

Ba người được lựa chọn để chơi trò cân não là những trí thức tiếng tăm, có uy tín, quen sống giữa môi trường đô thị với những tiện nghi. Đó là giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, bác sĩ Phạm Văn Huyến và nhà báo Phi Bằng (tức Cao Minh Chiếm). Chính quyền Sài Gòn cho biết sẽ tống xuất ba nhà trí thức bằng con đường qua cầu Hiền Lương một cách công khai. Đó là một sự kiện không tiền khoáng hậu trên chiếc “cầu ma” bao nhiêu năm vắng bóng khách bộ hành.

Ngày 19-3-1965, tư lệnh vùng 1 chiến thuật, tướng Nguyễn Chánh Thi ra lệnh “tống xuất” ba nhà trí thức “cứng đầu” ra chiếc cầu này với sự chứng kiến của binh lính Sài Gòn và rất nhiều đồng bào. Bước qua màu sơn chia cắt để ra miền Bắc hay phải xin xỏ để ở lại miền Nam? Tất cả phụ thuộc vào lựa chọn của những trí thức yêu nước. Thật là những bước đi không hề đơn giản. Chính quyền Sài Gòn hi vọng họ sẽ đổi ý vào phút chót trong cuộc thử thách này.

Ba người đi qua cầu từ phía nam sông Bến Hải. Họ vẫn giữ phong thái ung dung, bình thản. Một bước, hai bước, rồi nhiều bước, màu sơn vàng của nửa cầu phía nam cứ lùi dần sau lưng họ. Và họ đã tới ngay giữa cầu. Một không khí im lặng chưa hề xảy ra với số lượng người đông như thế. Bước chân của họ dù với lựa chọn nào cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với mọi người, đối với đồng bào. Nhưng họ không hề chùn bước, vẫn vui vẻ đi tiếp qua phần cầu sơn màu xanh của nửa phần phía bắc. Nụ cười vẫn tươi trên môi của những người trí thức dấn thân. Ba trí thức đã về với miền Bắc.

Sau chuyến đi ra Bắc, cuối năm 1965, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ bí mật trở lại miền Nam, xúc tiến thành lập Liên minh các lực lượng dân chủ, hòa bình. Khi tổ chức này ra đời, ông là tổng thư ký Ủy ban trung ương Liên minh các lực lượng dân chủ, dân tộc và hòa bình Việt Nam, đồng thời cũng là bí thư đảng đoàn tổ chức này. Sau ngày nước nhà thống nhất, từ năm 1977, ông là ủy viên Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phụ trách nhân sĩ, trí thức các tỉnh phía Nam.

Còn nhà báo Phi Bằng sau chuyến đi qua cầu Hiền Lương ông ra nước ngoài, sang Pháp và Thụy Sĩ vận động cho cuộc đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam. Ông mất tại Pháp năm 1985, thọ 85 tuổi. Bác sĩ Phạm Văn Huyến cũng ra nước ngoài theo đuổi con đường mình đã chọn. Con gái ông, luật sư Ngô Bá Thành (tên thật là Phạm Thị Thanh Vân) ở lại trong nước, tiếp tục con đường của một trí thức yêu nước.

Ông Tôn Thất Dương Kỵ tên thật là Nguyễn Phúc Dương Kỵ (1914-1987) quê quán làng Vân Dương, xã Thủy Vân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từng dạy học ở Huế và Sài Gòn. Tham gia phong trào yêu nước và cách mạng, ông từng giữ các chức vụ như: ủy viên Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tổng thư ký Ủy ban trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam.

Tháng 1-2014 tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.HCM đã tổ chức tọa đàm về Tôn Thất Dương Kỵ nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (19-1-1914 - 19-1-2014) với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo và nhà khoa học. Các diễn giả đã đánh giá cao tài năng học thuật và nhân cách của ông cũng như sự đóng góp rất quan trọng của cá nhân giáo sư vào phong trào yêu nước.

Kỳ tới: Người lính gác cầu

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: “Nhắn ai xin giữ câu nguyền...” Kỳ 2: Tấm bia tưởng niệm ở Vĩnh Hiền Kỳ 3: 4 anh em lưu lạc trên đất Bắc Kỳ 4: Dòng sông không đủ hai bờ

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên