17/11/2019 11:29 GMT+7

Chuyện chưa kể về Mùa xuân đầu tiên

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Những người yêu nhạc sĩ tài hoa Văn Cao vừa tổ chức sinh nhật cho ông qua đêm thơ nhạc Suối mơ tại không gian văn hóa Ơ kìa Hà Nội tối 15-11.

Chuyện chưa kể về Mùa xuân đầu tiên - Ảnh 1.

Đông đảo người Hà Nội đến dự đêm thơ nhạc Văn Cao - Ảnh: T.ĐIỂU

Trong đêm nhạc, nhà thơ, họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao - nói rất ít, nhưng ông khiến những người tham dự xúc động khi kể về ca khúc Mùa xuân đầu tiên - một bài hát có số phận đặc biệt của cha ông, để gạt đi những thêu dệt xung quanh bài hát này.

Họa sĩ Văn Thao kể từ sau bài hát Tiến về Hà Nội được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác sớm hơn ngày giải phóng thủ đô 10-10-1954 tới 5 năm, khiến ông bị phê bình là "lạc quan tếu", Văn Cao đã nói với các con là sẽ không sáng tác các ca khúc cách mạng nữa. Ông tập trung vào vẽ tranh, nhưng ông vẽ tranh trừu tượng lại bị phê bình là vẽ "người dị dạng". Vậy là ông chỉ còn sáng tác nhạc không lời và làm thơ.

Tuy thế, Văn Cao không đoạn tuyệt hoàn toàn với sáng tác ca khúc như người ta vẫn hay nói trên sách báo. Văn Thao cho biết một vài lần những tin vui ở chiến trường cũng làm cha ông rất xúc động và ông đã sáng tác vài ca khúc trong kháng chiến chống Mỹ, như bài Dưới ngọn cờ giải phóng…

Đặc biệt, mùa xuân đầu tiên khi đất nước thống nhất năm 1976, trong nỗi vui tận hưởng niềm hạnh phúc giản dị, đời thường của một mùa xuân thanh bình, đặc biệt là niềm thôi thúc viết một cái gì đó để kết thúc cuộc chiến tranh mà 30 năm trước ông đã hiệu triệu mọi người bước vào cuộc chiến với ca khúc Tiến quân ca, Văn Cao đã sáng tác ca khúc Mùa xuân đầu tiên.

Bài hát được in ngay trên báo Sài Gòn Giải Phóng, nhưng nó sớm bị bỏ rơi bởi điệu valse của nó thật lạc lõng trong âm hưởng hào hùng, phơi phới tự hào chung của các ca khúc lúc bấy giờ. Chẳng nơi đâu biểu diễn hay thu âm ca khúc này.

Nhưng không rõ bằng cách nào, ngay trong năm 1976, Mùa xuân đầu tiên được in ở Liên Xô và biểu diễn ở đất nước xa xôi này. Bài hát còn được đặt lời tiếng Nga. Gia đình Văn Cao chỉ may mắn biết điều này vào những năm 1980, khi một người con của Văn Cao đến học tập tại Liên Xô báo về.

Đến cuối thập niên 1980, những nhạc phẩm tiền chiến của nhạc sĩ Văn Cao được biểu diễn trở lại, nhưng cũng chưa nơi đâu hát hay thu âm ca khúc Mùa xuân đầu tiên với những ca từ tha thiết yêu thương: "Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người...".

Năm 1991, khi Nguyễn Thụy Kha làm một phim video ca nhạc về cuộc đời Văn Cao, trong cảnh Văn Cao về quê Nam Định, ông lồng bài hát Mùa xuân đầu tiên vào một đoạn dài, thì lần đầu tiên ca khúc này do ca sĩ Quốc Đông thu âm mới được phổ biến tới công chúng.

Năm 1993, lần đầu tiên ca khúc được ca sĩ biểu diễn trước khán giả trong một đêm nhạc Văn Cao tại Cung văn hóa Thanh niên Hà Nội.

Nhưng bài hát chỉ thật sự được "bừng sáng" nhờ giọng hát ca sĩ Thanh Thúy năm 1995, trong bộ phim ca nhạc Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật do đạo diễn Đinh Anh Dũng làm sau khi nhạc sĩ đã qua đời.

Gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc Tiến quân ca Gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc Tiến quân ca

TTO - Sáng ngày 7-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Nghiêm Bằng - con trai nhạc sĩ Văn Cao xác nhận các thành viên trong gia đình ông đã thống nhất sẽ hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho Quốc hội.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên