Nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: LÊ QUANG CHÂU |
Mùa đông năm 1978 lần đầu tiên tôi gặp Văn Cao. Lúc đó tôi vừa ra Hà Nội học, mới hơn 20 tuổi, nhạc ông tôi vẫn chưa biết nhiều, chỉ nghe loáng thoáng đâu đó.
Người bạn thân của tôi lại là bạn con gái ông, nên khi nghe rủ đến nhà Văn Cao chơi thì đi cho vui thế thôi, thật ra để nhìn mặt con gái ông nhạc sĩ là chính!
Ấn tượng về một ông già lặng lẽ, hay ngồi tĩnh tại suy tư tạo những tình cảm lớn dần lên trong tôi.
Văn Cao đứng vào đâu cũng đẹp!
Trong căn phòng cũ kỹ kiến trúc Pháp, vật duy nhất trong nhà có giá trị có lẽ là chiếc đàn piano màu nâu đen, còn tất cả lộ lên vẻ nghèo nàn không giấu nổi, kể cả chiếc ghế mây ông ngồi cũng vá víu bằng nhiều sợi nilông màu sắc khác nhau.
Ông thường một mình bên ly rượu, lọt thỏm trong chiếc áo lạnh màu xám đậm. Sau này khi nghĩ lại, hình như tôi quý ông vì con người ông trước rồi mới đến nhạc của ông thì phải, dù cả nước biết ông qua những tác phẩm bất hủ một thời.
Loáng thoáng như thế sáu năm với khoảng chục lần được gặp Văn Cao, tôi học xong và trở về Sài Gòn làm việc, thỉnh thoảng ra Hà Nội có ghé thăm ông. Biết ông thích rượu, tôi thường mua tặng ông khi thì chai vodka Nga, lúc thì của Ba Lan, thời đó là quý lắm.
Giai đoạn ấy tôi mới được nghe ông nói chuyện nhiều. Cảm giác về một giọng nói ấm áp chậm rãi vẫn còn đậm trong tôi.
Ông hay gọi chúng tôi bằng “anh” và xưng “tôi” dù chúng tôi chỉ bằng tuổi con ông. Ông hay nói về Hà Nội xưa, thời ông còn trẻ, hỏi thăm Sài Gòn rồi nhắc đến Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Rất ít khi ông nói về nhạc của mình, đôi khi có ai trong chúng tôi nhắc đến, ông chỉ gật gù, nâng ly rượu trên tay khẽ mỉm cười...
Đến những năm đầu thập niên 1990, khi phong trào làm video ca nhạc bắt đầu khởi sắc, tôi bước vào lĩnh vực mới mẻ này, và người đầu tiên mà tôi nghĩ đến chính là nhạc sĩ Văn Cao.
Ông đi cùng đoàn phim chúng tôi nhiều nơi, từ Hà Nội đến Bắc Ninh, từ chùa Thầy đến chùa Hương, hết trên bờ lại xuống thuyền. Ông vẫn vui vẻ dù đôi khi phải “diễn” lại nhiều lần. Mà thật ra ông chẳng diễn gì cả. Ông đi lại, đứng nhìn vu vơ, vài đoạn phỏng vấn.
Gần như ông làm gì tôi cũng ghi hình lại. Có một điều thú vị là Văn Cao đứng vào đâu cũng đẹp: mái tóc bạc phơ, chiếc áo cũ dài quá lưng (có lẽ là sang nhất của ông), chiếc gậy gỗ trong tay. Thế thôi mà đẹp làm sao!
Sau này nghĩ lại, tôi hiểu ra vẻ đẹp đó có lẽ nó toát ra từ chính con người ông, đó là cái đẹp của một nhà hiền triết, trải qua bao sóng gió cuộc đời vẫn tĩnh tại và ánh lên sự cao cả...
Cũng trong đợt đi quay này, có lần ông ngồi uống rượu ở làng Thổ Hà, tôi đã hỏi về thời gian dài ông ngừng sáng tác, trong khi nhạc sĩ Phạm Duy - người bạn cùng thời với ông - thì có hàng nghìn ca khúc. Ông đã ngồi trầm tư rất lâu...
Hôm nay khi viết bài này, mọi câu chuyện về Nhân Văn - Giai Phẩm đã không còn là điều ám ảnh nữa. Hầu hết những nghệ sĩ liên quan đều đã được phục hồi và trao tặng nhiều giải thưởng cao quý của Nhà nước, trong đó có cả Văn Cao.
Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất. Tên của ông được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều thành phố khác trong cả nước.
Nhưng thời điểm đó là một câu hỏi khó trả lời...
Dù ông không nói ra, nhưng tôi hiểu đó là những vết cắt khó phai trong sự nghiệp sáng tác của ông, kéo dài đến tận cuối cuộc đời...
Cành đào cuối cùng của Văn Cao
Năm 1992 khi bộ phim Văn Cao - giấc mơ một đời người ra mắt, báo chí thời đó khá ồn ào. Tôi sưu tập tất cả các bài viết về phim dán vào một album đầy, mang ra Hà Nội tặng ông cùng với mấy cuốn băng VHS. Ông rất vui. Và hình như hôm ấy là bữa rượu tôi được uống với ông nhiều nhất.
Vừa uống vừa xem băng, mấy bác cháu cùng cười to khi thấy những cảnh ông còn lóng ngóng “diễn” chưa đạt, rồi ông nhắc đến Thanh Thủy (biên tập), đến Quốc Thành (quay phim), rồi ca sĩ Ánh Tuyết, đến tất cả những người trong đoàn phim và tiếng cười gần như không dứt...
Mùa xuân năm 1995 tôi ăn tết ở Mỹ. Không hiểu sao trong lòng cứ bâng khuâng điều gì đó khi xem lại cuốn băng cũ về ông. Có một linh cảm mơ hồ nào đó trong tôi. Tôi gọi về cho Hãng phim Trẻ (hãng sản xuất phim Văn Cao) đề nghị cho người ra Hà Nội quay Văn Cao. Tôi chỉ có một yêu cầu duy nhất: quay cho bằng được cảnh ông cầm một cành đào đi giữa phố cổ.
Sau những sắp xếp, cuối cùng chính quay phim Trinh Hoan là người làm việc này. Và anh đã thực hiện thật xuất sắc. Tôi còn nhớ như in cảnh ông cầm một cành đào nở rực đi trên phố. Không hiểu ngày xưa Quang Trung mang cành đào vào Thăng Long trong mùa xuân chiến thắng đẹp như thế nào, nhưng với tôi cho đến tận bây giờ, đây là một trong những hình ảnh đẹp và cảm động nhất khi tôi nghĩ về mùa xuân đất Bắc... Nhưng đó cũng là cành đào cuối cùng, mùa xuân cuối cùng của Văn Cao.
Tôi còn nhớ mùng 2 tết năm đó tôi đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy. Sau khi thăm hỏi một lúc bác Duy nói: “Anh chờ tôi chút nhé”, rồi bấm máy gọi điện thoại. Tôi nghĩ chắc bác cần gọi ai đó có việc gấp, không ngờ bên kia đầu dây là tiếng nói của bác Văn Cao.
Tôi xúc động rưng rưng khi nghe giọng cười của ông qua điện thoại và câu nói vui của ông với tôi: “Anh đấy à? Anh làm gì mà đi ăn tết xa thế?”. Hình như đó cũng là câu nói cuối cùng của ông mà tôi được nghe.
Rồi mùa hè năm 1995, khi tôi từ Mỹ về chưa được hai ngày, định ra Hà Nội thăm ông thì nghe tin ông mất. Tôi ôm chiếc máy quay vội vàng bay ra Hà Nội và cũng dịp đó, Văn Cao - buổi sáng có trong sự thật, bộ phim ca nhạc thứ hai về ông ra đời.
Trong phim này, khi bài hát Mùa xuân đầu tiên với giọng ca sĩ Thanh Thúy vang lên, hình ảnh Văn Cao cầm cành đào đi cùng vợ giữa phố Hà Nội lại hiện lên, màu hoa rực rỡ bên mái đầu bạc trắng... Tôi đã rơi nước mắt khi ngồi dựng bài hát này.
Mới đó mà đã 20 năm...
Tôi tin ông đã về cõi thiên thai, cõi không có nỗi buồn, chỉ có tình yêu và ngập tràn tiếng hát... Cõi như ông từng mơ tưởng và viết lên những lời ca tuyệt đẹp để lại cho đời.
Từng có thời gian gắn bó, làm phim ca nhạc và phim tài liệu về nhạc sĩ Văn Cao nên đạo diễn Đinh Anh Dũng đã có rất nhiều cảm xúc cho chương trình Sol Vàng kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao lần này. Chỉ riêng khâu kịch bản, ông tâm đắc đến mức không đồng ý cho bất kỳ thành viên nào trong ban tổ chức chấp bút. Mọi người có thể góp ý để chương trình hoàn thiện nhưng chấp bút cho kịch bản lẫn chỉnh sửa phải do chính Đinh Anh Dũng làm. Đêm nhạc sẽ giới thiệu trở lại gần như toàn bộ các tác phẩm nổi bật của nhạc sĩ Văn Cao, từ ca khúc đầu tiên mang tên Buồn tàn thu, được sáng tác năm ông 16 tuổi cho đến ca khúc cuối cùng là Mùa xuân đầu tiên, khép lại sự nghiệp sáng tác âm nhạc lẫy lừng của nhạc sĩ trên cả hai mảng tình ca và hùng ca bên cạnh những bài như Suối mơ, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Bến xuân, Thiên thai, Trương Chi, Ngày mùa, Tiến về Hà Nội, Trường ca sông Lô, Thăng Long hành khúc ca, Làng tôi, Ca ngợi Hồ Chủ tịch... Sol Vàng - Văn Cao diễn ra tại nhà hát Hòa Bình, truyền hình trực tiếp vào lúc 20g ngày 11-7 trên VTV9 và tiếp sóng trên nhiều đài địa phương khác với phần tham gia thể hiện của: Họa Mi, Cẩm Vân, Năm Dòng Kẻ, NSƯT Thanh Thúy, Anh Bằng, Phạm Thu Hà, Thụy Long và tốp ca Nhạc viện... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận