03/03/2014 11:08 GMT+7

Chuyện chưa bao giờ kể...

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Là một trong những khoa trọng điểm của Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), khoa sản A tập trung nhiều sản phụ có bệnh lý nặng hoặc thai bị dị tật bẩm sinh và cả những ca chuẩn bị đi sinh.

qWe6BfW4.jpgPhóng to
Các nữ hộ sinh tư vấn và đo huyết áp cho bệnh nhân tiền sản giật - Ảnh: My Lăng

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, nữ hộ sinh trưởng khoa sản A, cho biết một ngày khoa tiếp nhận bệnh, làm hồ sơ xuất viện và chuyển đi phòng sinh, phòng mổ khoảng 200 ca, cao điểm có khi tới 250 trường hợp. Nhưng mỗi ca chỉ có 24 bác sĩ, nữ hộ sinh và có thêm 20 nữ hộ sinh hỗ trợ (trong giờ hành chính). Sau giờ hành chính, mỗi tua trực chỉ có tám người. Áp lực vì thế nhân lên gấp mấy lần.

Tình huống khó lường

Đặc thù riêng của khoa là tập trung nhiều ca bệnh nặng, đôi khi có những diễn biến rất bất ngờ. Mới đây nhất, lúc 2g sáng 25-1-2014, sản phụ Nguyễn Thị Thùy Vân (29 tuổi), đang mang thai 32 tuần tuổi, bị nhau tiền đạo. Bệnh nhân đã được xử lý những bước đầu và nằm theo dõi thì bất ngờ ra huyết rất nhiều. Tấm ga trắng loang đỏ máu khắp người bệnh, loang đỏ lên tới đầu. Lập tức các điều dưỡng khẩn tốc lập đường truyền cho bệnh nhân ngay. Vì khi mất máu nhiều, trong thời gian rất ngắn, các ven bị lặn sâu xuống không chích được. Chỉ trong năm phút, đường truyền cho bệnh nhân đã được làm xong. Trong khi đó bác sĩ trực đã nhận được tin báo. Sau khi xin sáu đơn vị máu, bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ. Thiên thần của chị Vân là một bé trai nặng 1,6kg đã được cứu sống.

“Những tình huống bất ngờ như vậy luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng vẫn có những tình huống không lường trước được, không biết giải thích với bệnh nhân như thế nào. Người ta không chấp nhận và không thông cảm. Có khi theo dõi rất bình thường nhưng ngay sau đó đột nhiên mất tim thai, không nghe được! Sau khi sinh mới biết do dây rốn quấn cổ nên khi có cơn gò thì dây rốn siết cổ em bé lại. Còn những trường hợp sản phụ bị bệnh lý (cường giáp, tim, tiểu đường...) thì phải theo dõi sát. Không chỉ theo dõi sáng - chiều mà phải 2-4 giờ, thậm chí có người 60 phút hoặc năm phút lại phải theo dõi một lần. Nếu không tập trung, không theo dõi kỹ, không có trình độ vững thì không thể xử lý nổi”, chị Thảo nói.

Nữ hộ sinh trưởng thành thật tâm sự: “Làm riết nên bị ám ảnh nghề nghiệp. Lúc có thai tôi cũng rất sợ bị gặp những tình huống bất ngờ như vậy vì mình không thể nào biết trước được. Sợ thai lưu. Sợ vỡ ối. Sợ sa dây rốn nếu không cấp cứu kịp thời thì không giữ được em bé. Khi sinh ra mẹ tròn con vuông mới thấy nhẹ lòng”.

Một nỗi khổ khác mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không thể chia sẻ được đó là chuyện phải trả lời ...thắc mắc dù đó là điều rất chính đáng. “Nếu dừng lại để trả lời tới nơi tới chốn tận tình thì công việc không được trôi - chị Thảo giải thích - Nếu trả lời ngắn gọn thì bị nghĩ là không nhiệt tình, thờ ơ, lại bị gọi đường dây nóng. Có người nhà bệnh nhân ở đây làm rất dữ nhưng khi lên gặp cấp trên thì rất nhỏ nhẹ, chúng tôi lại bị hiểu lầm. Mỗi lần bị phản ảnh, cấp trên lại gọi xuống khiển trách. Rồi phòng ốc thiếu thốn, xây dựng chưa xong, người bệnh vô đông phải nằm ghép. Bị chờ đợi ở ngoài lâu quá, khi vào gặp mình bệnh nhân “xả” giận, hoặc nhẹ thì cau có, cằn nhằn. Những em ở phòng khám bệnh luân chuyển vô đây không quen làm không nổi. Em nào vô cũng khóc xin chuyển đi. Vừa rồi có em N. ở khoa sản C (khoa hậu sản thường) cũng xin chuyển đi khoa khác. N. nói đã rất cố gắng nhưng vẫn không chịu được áp lực”. Trước đó đã có hai nữ hộ sinh chia tay với khoa vì không vượt qua được áp lực.

Nhưng có một nỗi buồn khác mà các nữ hộ sinh ít khi muốn nói tới, đó là cái nhìn không mấy coi trọng của chính bệnh nhân. Ít người biết khoa sản A có 15/61 nữ hộ sinh tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM. Nhưng, như nữ hộ sinh trưởng khoa sản A tâm sự: “Trong cái nhìn của người dân, chỉ có bác sĩ và y tá chứ không có khái niệm về nữ hộ sinh. Họ không biết nữ hộ sinh và y tá là cánh tay đắc lực của bác sĩ. Nếu bác sĩ mổ giỏi nhưng hộ sinh theo dõi, chăm sóc không tốt thì bệnh nhân không thể sớm hồi phục được. Chính họ mới là người tiếp xúc bệnh nhân nhiều hơn, theo sát hơn. Khi bệnh nhân có dấu hiệu bất thường, nữ hộ sinh là người thông báo bác sĩ tìm cách xử lý, điều trị”.

AC5Maqcb.jpgPhóng to
Nữ hộ sinh trưởng Thu Thảo đỡ một sản phụ dậy sau khi theo dõi tim thai - Ảnh: My Lăng

Chuyện của “bàn tay vàng”

Nữ hộ sinh Võ Thị Minh Dương (28 tuổi, Đồng Nai), một trong ba điều dưỡng của Bệnh viện Từ Dũ vừa được nhận danh hiệu Bàn tay vàng của ngành y tế năm 2013, thành thật bảo: “Về nhà rồi nhưng mỗi lần thấy điện thoại bệnh viện gọi là bất an. Phải có việc bệnh viện mới gọi. Về đến nhà nhưng đầu óc có được thảnh thơi đâu. Đồng nghiệp gặp nhau hằng ngày đấy nhưng có khi chẳng trò chuyện được với nhau câu nào. Bệnh nhân cứ vào ào ào. Làm gì có thời gian tâm sự. Có ngày viết hồ sơ nhiều quá, về bàn tay mỏi nhừ. Làm bất cứ cái gì lớn nhỏ cho mỗi bệnh nhân cũng phải viết”.

Minh Dương không ngại ngùng khi chia sẻ thời gian đầu cô từng rất mệt mỏi, chán nản và cả hoang mang. “Tôi cứ tự hỏi không biết mình có phù hợp với nghề này hay không. Có lúc cũng thấy tủi. Mình học hành có trình độ, tốt nghiệp đại học đàng hoàng nhưng người ta cứ nghĩ nữ hộ sinh chắc trình độ thấp lắm. Họ bực tức thì quát nạt, chửi mắng chứ lại không dám như thế với bác sĩ”.

Có một chuyện mà Minh Dương rất ít khi kể với đồng nghiệp. Đó là nỗi ray rứt, hối hận mãi âm ỉ trong tâm can cô con gái cả kể từ ngày ba không còn nữa. Chỉ đến khi ba nằm xuống (tháng 6-2012), Dương mới nhận ra bấy lâu mình đã dành quá ít thời gian cho gia đình. Nhà quá xa, ở tận Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). Công việc lại quá bận rộn, Dương không có nhiều thời gian về thăm nhà. Ngay cả khi ba gọi điện thoại, lần nào Dương cũng nói một câu: con đang trong giờ làm, lát con gọi lại sau. Lần nào ba cũng nói: không có gì, ba chỉ hỏi thăm con thôi. Câu chuyện kết thúc trong giọng nói thoáng buồn của ba.

Lần nào về nhà trọ (Q.Gò Vấp), vì quá mệt Dương lại lăn ra ngủ. Cô quên mất lời hứa gọi lại. Sáng hôm sau khi mở mắt ra thì đã nghĩ ngay tới... bệnh viện. Lại thêm một lần thất hứa. Cứ như thế... Cho đến một ngày ba lên thăm, Dương không có thời gian đưa ba đi chơi. Cô cũng vội đến nỗi chỉ kịp nhìn thấy nét mặt buồn bã, mệt mỏi của ba mà không kịp suy nghĩ ba đang có vấn đề khi người gầy sọp với những cơn ho liên tục. Đó là lần cuối cùng ông lên thăm con. “Ba mất là việc tôi hối hận nhất. Không gọi về nhà đã đành. Mỗi lần ba gọi lên tôi không nghe được vì công việc đang làm khiến đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, phải tập trung cao. Đang khám bệnh cũng không thể dừng lại được dù chỉ nói dăm ba câu. Làm thế bệnh nhân sẽ khó chịu, sẽ phản ứng ngay. Hơn nữa còn phải làm cho kịp vì việc quá nhiều, mỗi lúc lại có thêm người bệnh chứ không giảm. Dừng một chút là việc dồn lại”, Dương kể, đôi mắt rất buồn...

____________________

Kỳ cuối:Để đời bớt đau thương...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Khoa “đầu sóng ngọn gió” Kỳ 2: Bỏ tham quan để cứu mạng người Kỳ 3: Chuyện ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Kỳ 4: Nỗi lòng bác sĩ cấp cứu

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên