15/08/2024 09:48 GMT+7

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 3: Làng cổ ven sông Thu Bồn

Có một ngôi làng cổ với những câu chuyện thú vị đặc biệt còn được lưu giữ suốt chiều dài lịch sử lập làng cho đến nay.

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 3: Làng cổ ven sông Thu Bồn- Ảnh 1.

Một góc làng cổ Mỹ Xuyên nhìn từ trên cao, nơi có sông Thu Bồn - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Nằm ở bờ nam dòng sông Thu Bồn có một làng cổ mang tên Mỹ Xuyên (nay là Mỹ Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), ngôi làng với những câu chuyện thú vị đặc biệt còn được lưu giữ suốt chiều dài lịch sử lập làng cho đến nay.

Đâu rồi Tiệm Rượu bên sông

Nhìn từ trên cao, làng cổ Mỹ Xuyên nép mình bên những rặng tre xanh ngắt, giữa sông là bãi bồi với bạt ngàn hoa màu. Nơi đây từ thời Pháp thuộc có thôn Tiệm Rượu từng nức tiếng với loại rượu SICA thượng hạng.

Trên con đường thiên lý Bắc - Nam, qua cầu Câu Lâu phía huyện Duy Xuyên sẽ gặp ngôi làng yên ả nằm bên sông Thu Bồn, đó là Mỹ Xuyên.

Bà Bốn Nhuận (87 tuổi) thuộc lớp cao niên của làng nay vẫn còn khá minh mẫn nói: "Ông già tôi chở gạo trên ghe bầu về Bàn Thạch. Nhà tui đưa ghe xuống lấy về bán". Thuở xưa nơi đây là thôn Tiệm Rượu. Pháp tới, rồi họ mở hãng rượu còn dân làng tản mác. Trong trí nhớ, bà Bốn chỉ mang máng tên Tiệm Rượu từ đó.

Chúng tôi tìm gặp những người con của làng Mỹ Xuyên Đông đang biên soạn cuốn sách Mỹ Xuyên Đông đất và người. Thật may mắn đã có những dòng lịch sử nhắc đến Tiệm Rượu.

Theo ký ức các vị cao niên thì giám đốc Nhà máy rượu SICA ở vùng Thượng Bình (lúc xưa có thôn Tiệm Rượu) là ông Ba-Sô, có vợ người Việt, có hai con trai tên là Ri-be và Lê-ô-na. Công nhân là người ở các làng lân cận, mỗi ca lao động công nhân đem muối mè đến, lấy cơm cháy (không ủ rượu) để ăn thay bữa, cuối buổi thì xin hèm rượu (bã rượu) nuôi heo. Thời ấy dân mình và SICA nấu rượu bằng cách truyền thống: nấu cơm rồi ủ men sinh học và nấu rượu, chứ không nấu "rượu siêu tốc" như giờ.

Ở Quảng Nam, họ chọn nơi có chất nước tốt là sông Thu Bồn và gần đường thiên lý (quốc lộ 1) ở Thượng Bình để đặt nhà máy rộng hơn 3 mẫu ta, sản xuất rượu và cồn, cung cấp cho các công ty phân phối.

Đến khoảng năm 1942, SICA Thượng Bình giải thể vì Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương và bờ nam sông Thu Bồn sạt lở làm sụp bờ tường và cột thép viễn thông của SICA Thượng Bình...

Khi đất nước thống nhất, làng được chia thành hai thôn là thôn Xuyên Đông và thôn Tiệm Rượu bao gồm các xóm cổ Mỹ Đình, Mỹ An và Bình An. Đây là lần đầu xuất hiện từ "Tiệm Rượu" như một đơn vị hành chính.

"Đất lở lại bồi! Vài năm sau, ở giữa dòng Thu Bồn lại nổi dần lên một gò đất bồi, như là muốn trả lại làng Thượng Bình và Cồn Thu vậy", các vị cao niên đúc kết.

Như sực nhớ ra, bà Bốn Nhuận chỉ chúng tôi đi dọc sông một đoạn không xa sẽ gặp lăng Đức sư Tạo. Trên đó hãy còn nhắc cái tên Tiệm Rượu.

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 3: Làng cổ ven sông Thu Bồn- Ảnh 2.

Đình làng Mỹ Xuyên Đông - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Báu vật của làng

Lăng mộ Đức sư Tạo nằm yên ả bên bờ sông, dưới những tán cây xanh mát. Trên cổng chào có in chữ Tiệm Rượu. Nơi này các cao niên vẫn kể về cuộc đời của ông.

Dân làng kể lại khoảng đầu thế kỷ 20, lính Pháp áp giải một nhà sư theo đường quốc lộ từ phía huyện Quế Sơn đến Duy Xuyên. Khi đến xóm Lang Châu thuộc làng Mỹ Xuyên, chúng dừng lại, gom dân đến nghe đọc cáo trạng để dằn mặt dân làng.

Nhờ đó nên dân làng mới biết nhà sư tên Tạo, hành đạo ở một chùa Hang. Chúng cho rằng sư Tạo mượn cớ tu hành, chữa bệnh và coi tử vi lý số nhằm quy tập đông người để chuẩn bị khởi nghĩa chống Pháp. Rồi chúng đẩy sư Tạo vào một cái cũi đóng bằng gỗ dìm xuống sông. Dân làng chung tay an táng, xây lăng sư Tạo trên đất Lang Châu.

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 3: Làng cổ ven sông Thu Bồn- Ảnh 3.

Lăng mộ Đức Sư Tạo nằm bên sông, trên cổng có ghi hai chữ Tiệm Rượu - Ảnh: LÊ TRUNG

Năm 1985, bờ sông sạt lở làm lăng ông sư bị đổ xuống sông, thi hài của ông bị nằm dưới đáy sông. Nhưng nhờ các vị bô lão nhắc rằng thời xưa dân làng "bó cốt" ông trong hợp chất vôi vữa theo kỹ thuật làm mộ vôi của người Chiêm Thành. Thế là ngư dân xóm chài ngụp lặn phát hiện "cái ống vôi vữa" đó. Dân làng đưa lên bờ, đục bỏ vôi vữa, lấy đủ bộ cốt để di táng thi hài sư.

Mùa đông năm 1996 có hai trận lụt lớn. Sau trận thứ nhất, bờ sông thoắt sạt lở nhanh vô đến mộ nhà sư làm phát lộ quan tài. Chưa kịp di dời vô bờ thì trận lũ thứ hai lại sắp ập đến. Dân làng đã kịp chạy đua với lũ, cung thỉnh được quan tài chứa thi hài sư vô bên trong bờ tre xóm An Bình.

Lúc đầu định di dời thi hài sư lên táng tại nghĩa địa Mỹ An, nhưng các cụ không nỡ chia lìa một chí sĩ đã hy sinh tại đây nên chính quyền xã đồng ý an táng tại chỗ là xóm cổ An Bình.

Giờ đây ở làng cổ Mỹ Xuyên với tên mới Mỹ Xuyên Đông còn có những báu vật được dân làng bảo quản suốt nhiều năm qua. Trong đó phải kể đến những sắc phong mà nơi đây được mệnh danh làng nhiều sắc phong nhất Quảng Nam với 32 đạo sắc phong được các vua từ Minh Mạng đến Khải Định ban, dẫu trải qua bao dâu bể chiến tranh nhưng dân làng vẫn gìn giữ, bảo vệ.

Bên cạnh đình làng không chỉ có mộ ngài tiền hiền Hùng Long Hầu Lê Quí Công mà còn có cây đa đường kính đến 20 người ôm không xuể.

Theo ông Văn Phú Thành (một người con của làng), từ khi làng Mỹ Xuyên được hình thành tính đến nay khoảng hơn 600 năm nhưng mãi đến năm 1836 thì cây đa trước đây mới bắt đầu hiện hữu.

Cây đa ngày ấy có đường kính trên 20m, cành lá sum suê phân đều ra các hướng phủ kín cả không gian rộng lớn nằm kề cận ngôi đình làng nên người ta quen gọi là cây đa Đình.

Cây đa đã gắn bó mật thiết với dân làng, nó cùng chung sống, cùng sẻ chia với dân làng biết bao biến thiên của tạo hóa, thời cuộc và cùng đón nhận biết bao hệ lụy do chiến tranh gây nên. Dưới tán đa, mọi người thường tụ tập về đây để hóng mát, để nghe tiếng chim hót líu lo vào mỗi bữa trưa hè.

Những năm chống Mỹ, kẻ thù đã đem bột cháy chất quanh gốc đa đốt liên tục trong ba ngày đêm, rồi dùng súng cối từ đồn Đại Hàn bắn gốc đa làm cho cây cháy rụi để lại một hố sâu cùng đống tro tàn.

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 3: Làng cổ ven sông Thu Bồn- Ảnh 4.

Cây đa Đình ở cạnh đình làng cổ Mỹ Xuyên, giờ gọi là làng Mỹ Xuyên Đông - Ảnh: LÊ TRUNG

Mãi đến tháng 7-1974, chiến sự tạm yên, dân làng đã đến một ngôi miếu ở Đà Nẵng và mang về một cây đa con chồi tím. Họ đào đất ngay tại gốc đa bị đốt cháy năm nào để trồng cây đa mới.

Đến nay cây đa làng hiện hữu tại Mỹ Xuyên Đông tròn 50 tuổi. "Cây phát triển phi thường quá, mới 50 năm tuổi mà nó to lớn, sum suê như thế đó", ông Thành nói.

Sau ngày đất nước thống nhất, tại gốc đa này đã tổ chức bao nhiêu đêm văn nghệ quần chúng, nhiều đoàn đã về chiếu phim phục vụ nhân dân. Và thậm chí đã có đạo diễn cũng chọn cây đa, đình làng, ngôi chợ và lăng mộ tiền hiền để làm bối cảnh cho phim.

"Trong bộn bề của cuộc sống hôm nay, mỗi người dân đang sinh sống trên mảnh đất quê hương hay lập nghiệp nơi xứ người vẫn luôn tự hào và nhớ về cây đa làng nơi cố xứ", ông Thành chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, trưởng ban trị sự làng Mỹ Xuyên Đông, cho hay nhiều người con ở làng hoặc xa quê cùng nhau biên soạn tập sách về làng nhằm tri ân tiền nhân có công lập ấp, dựng làng, kỷ niệm 200 năm sắc phong đầu tiên mà triều Nguyễn ban tặng cho làng Mỹ Xuyên 1824-2024.

Theo ông, làng cổ Mỹ Xuyên được hình thành cách đây khoảng sáu thế kỷ. Ban đầu làng có tên Mạc Xuyên, rồi Mỹ Xuyên..., tên làng còn lưu lại ở các sử sách và thư tịch cổ. Trải qua gần sáu thế kỷ, các thế hệ dân làng dù những người còn sinh sống ở quê hay tha phương tìm kế sinh nhai đều luôn đau đáu trong lòng về làng quê thân yêu.

----------------------

Ngư dân quê tôi cho rằng cá hanh trắng rất... tình cảm. Chúng thường bơi theo từng cặp một đực một cái. Chúng tìm nơi dòng nước ngọt và nước mặn giao nhau để sống.

Kỳ tới:Cá hanh trắng sông Thu

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 2: Sóng vỗ Giao ThủyChuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 2: Sóng vỗ Giao Thủy

Giao Thủy, một ngôi làng nằm nép mình sau rặng tre, nơi ngã ba hai con sông gặp nhau là Thu Bồn và Quảng Huế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên