* Học bổng - giải thưởng “Bạn tôi-người vượt khó” năm 2013 dành cho 250 học sinh THCS, THPT vượt khó, học giỏi trên cả nước. * Tổ chức: Báo Tuổi Trẻ TP.HCM và Thành đoàn Hà Nội * Tài trợ: Công ty TNHH Tài chính PPF Việt Nam (thương hiệu Home Credit).
Cô bé khiếm thị nuôi ước mơ bác sĩNhường đường đến trường cho em Con chữ, miếng ăn nhọc nhằn cha mẹ
Phóng to |
Ngoài thời gian học, Thảo tranh thủ hái chè thuê kiếm tiền phụ bà - Ảnh: Tiến Thắng |
Cha mất năm Thảo 2 tuổi, mấy tháng sau mẹ cũng bỏ nhà ra đi, em về ở với bà nội trong ngôi nhà nằm cheo leo trên sườn đồi.
Mất bà em ở với ai?
Con đường đất đỏ từ thị trấn Đại Từ vào nhà Thảo bụi bay mù mịt, trải đầy sỏi đá sắc nhọn, phải lội qua con suối nước ngập đến đầu gối. Vẫn con đường đó, tám năm nay ngày nắng cũng như ngày mưa, Thảo đều đặn đến trường chưa một ngày nghỉ học. Hỏi thăm đến nhà Thảo, từ người già đến trẻ em trong xã Na Mao ai cũng tận tình chỉ “nhà cái Thảo đen, mồ côi bố, mẹ điên nhưng học giỏi nhất làng”.
Gia đình Thảo thuộc diện nghèo khó nhất xã. Mái nhà tranh thấp lè tè nằm cheo leo lưng đồi, xen giữa cánh đồng bạt ngàn chè cằn cỗi từ lâu đã hoang tàn. Đây là nơi chứng kiến những tháng ngày tuổi thơ dữ dội của Thảo.
Năm Thảo lên 2 tuổi, bố mất trong một đêm uống rượu say ngã xuống suối. Sáu tháng sau, vì khóc thương chồng nhiều, mẹ Thảo phát bệnh thần kinh bỏ con đi lang thang ngoài đường. Thảo dọn sang ở với bà nội năm nay hơn 60 tuổi, sức khỏe kém, hai bà cháu rau cháo nuôi nhau qua ngày. Ký ức về những tháng ngày bị bạn bè cầm cây đuổi theo chọc ghẹo “con mẹ Thoan điên” luôn hiện về trong những cơn ác mộng của Thảo, “đến bây giờ mỗi lần mơ thấy em vẫn khóc thét lên” - Thảo rùng mình nói.
Năm năm học tiểu học, bà bận lên nương làm rẫy, Thảo tự đi bộ đến trường. Nghỉ hè năm lớp 5, Thảo đi làm thuê dành dụm được 500.000 đồng cộng với số tiền vay mượn rồi xin bà mua cho chiếc xe đạp cũ. Có xe, Thảo dậy sớm từ 3 giờ sáng học bài rồi đạp xe đến trường. 12 giờ, ăn cơm trưa xong Thảo lại đạp xe sang làng bên hái chè thuê. Thảo kể: “Ngày nào em hái nhiều nhất được 20.000 đồng. Hết mùa chè, em đi làm đổi công cho hàng xóm hoặc cấy thuê lấy tiền đóng học phí”. Ở nhà, bà còn mua cho Thảo một đàn gà và đàn vịt chăm để kiếm thêm tiền học.
Căn bệnh phổi của bà nội thường xuyên tái phát, những lúc bà ốm đau phải nằm viện, một tay Thảo vừa chăm bà, vừa đi làm thuê lấy tiền mua thuốc. Số tiền gần 10 triệu đồng Nhà nước cho hai bà cháu vay xây căn nhà từ năm 1999 đến nay cũng chưa trả được. Gánh nặng đè lên vai Thảo khi càng ngày số tiền học càng lớn, căn bệnh của bà cũng nặng hơn. “Có bữa hai bà cháu ăn cơm muối trắng để dành tiền mua thuốc chữa bệnh cho bà. Em sợ mất bà lắm, vì mất bà em biết ở với ai” - Thảo rưng rưng nước mắt.
Mơ thành cô giáo dạy sinh
Cuộc sống đầy khó khăn, cơ cực nhưng cô bé Thảo luôn nung nấu ước mơ trở thành cô giáo. Góc học tập của cô bé nằm bên cạnh bếp lửa treo kín giấy khen, suốt tám năm liền Thảo liên tục đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Nhiều người trong làng khâm phục cô bé học giỏi, thường đưa con đến nhà để noi gương Thảo học tập.
Tâm sự về ước mơ của mình, Thảo bảo: “Em muốn sau này lớn lên làm cô giáo dạy môn sinh học. Em sẽ cố gắng đi làm kiếm thật nhiều tiền để trả nợ và nuôi bà, rồi đón mẹ về ở cùng nữa, em nhớ mẹ lắm”. Nét mặt Thảo đang hào hứng khi kể về ước mơ làm cô giáo của mình bỗng nhiên chùng xuống, chuyển từ vui sang buồn. Gặng hỏi mãi, Thảo mới ngậm ngùi trả lời: “Em cũng chưa nói trước được điều gì vì còn phụ thuộc sức khỏe của bà. Bà mắc bệnh phổi, mỗi ngày một nặng, có khi học hết cấp II em xin nghỉ”.
Những ngày này, chè Thái Nguyên đang vào vụ, ngày nào Thảo cũng dậy thật sớm tranh thủ soi đèn đi hái chè rồi về đi học. Đang trò chuyện với chúng tôi, Thảo vội vàng đứng dậy cầm bao tải nói: “Em phải đi hái chè thuê kẻo muộn, cả năm đây mới là thời gian kiếm được tiền nhiều nhất từ chè nên em phải cố gắng”. Chúng tôi hỏi em mong muốn nhất điều gì bây giờ, đôi mắt Thảo nhìn xuống, giọng run run: “Em chỉ mong chè luôn tươi tốt để hái được nhiều bán lấy tiền tiếp tục đi học”.
Nói đến hoàn cảnh của Thảo, cô Chu Thị Lệ, giáo viên chủ nhiệm của em, cho biết: “Hoàn cảnh của em Thảo rất khó khăn, bố mất, mẹ bỏ đi nhưng em đã nỗ lực phấn đấu, vươn lên học hành chăm chỉ. Hiện em đang là lớp phó học tập của lớp, mọi hoạt động về học tập đều được em quán xuyến rất tốt, em cũng thường xuyên giúp đỡ những bạn yếu kém trong học tập. Thảo xứng đáng là tấm gương sáng để nhiều bạn noi theo”. |
Trao 250 suất học bổng vượt khó Hôm nay 8-11 tại Hà Nội, chương trình học bổng - giải thưởng “Bạn tôi - người vượt khó” năm 2013 (do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty TNHH Tài chính PPF VN tài trợ) trao học bổng cho 250 học sinh học giỏi, vượt khó mưu sinh (trị giá 4 triệu đồng/suất). Đây là những tấm gương nghị lực sống, vượt khó, mưu sinh đến trường được bạn bè, thầy cô, người thân, hàng xóm phát hiện và giới thiệu cho chương trình. Dịp này, ban tổ chức cũng trao giải thưởng cho 11 tác giả có bài viết hay với tổng giá trị giải thưởng 20 triệu đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận