07/11/2013 02:11 GMT+7

Cô bé khiếm thị nuôi ước mơ bác sĩ

ĐÌNH VŨ
ĐÌNH VŨ

TT - Dù từ năm lên 1 tuổi mắt bị mờ dần nhưng Nguyễn Thị Hoài (1999) học sinh lớp 7A Trường THCS Kỳ Thư, xã Kỳ Thư (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn luôn đoạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.

naAuIu4M.jpgPhóng to
Em Nguyễn Thị Hoài đang học bài - Ảnh: Đ.Vũ

“Bạn em hỏi mù còn đi học để làm gì. Em khóc nhiều lắm nhưng bây giờ khác rồi, biết chữ em biết được nhiều thứ lắm”, Hoài mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Con chữ nhuốm máu

Hoài là con út trong gia đình có ba người con. Hai anh trai theo nhau vào đại học, bố bị bệnh thận phải điều trị thường xuyên trong bệnh viện khiến cuộc sống gia đình đã khó khăn lại càng ngặt nghèo hơn.

Trao 250 suất học bổng vượt khó

Ngày 8-11 tại Hà Nội, chương trình học bổng - giải thưởng “Bạn tôi - người vượt khó” năm 2013 (do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty TNHH Tài chính PPF Việt Nam tài trợ) sẽ trao học bổng cho 250 học sinh học giỏi, vượt khó mưu sinh (trị giá 4 triệu đồng/suất). Đây là những tấm gương nghị lực sống, vượt khó, mưu sinh đến trường được bạn bè, thầy cô, người thân, hàng xóm phát hiện và giới thiệu về cho chương trình. Dịp này, ban tổ chức cũng trao giải thưởng cho 11 tác giả có bài viết hay với tổng giá trị giải thưởng 20 triệu đồng.

THÁI BÌNH

Kể về chặng đường đến trường đầu tiên của con, bà Lê Thị Lành, mẹ Hoài, sụt sùi: “Nhà nghèo, cháu lại mù nên tui nói con nghỉ học đi, làm răng mà theo kịp bạn bè được. Rứa mà đang ăn cơm nó bỏ bát loạng choạng chạy ra sân nằm lăn lê khóc đòi đi học cho bằng được”.

Ngày còn rất nhỏ, mỗi lúc anh trai đọc bài Hoài lại ngồi sát bên cạnh để lắng nghe. Có hôm anh đọc thuộc bài, Hoài cũng nhớ vanh vách không thiếu một chữ. Khát khao được đi học bắt đầu từ đó, Hoài tập tễnh bước vào mẫu giáo.

Năm lên 6 tuổi (2005) may mắn đã đến khi Hoài được Hội Người mù Hà Tĩnh cho đi học lớp chữ Braille. Mẹ đạp xe gần 50km chở Hoài đi, đến trung tâm lại quay xe về, Hoài nước mắt lưng tròng. Không nỡ xa con, bà mẹ khuyên con về nhưng Hoài không chịu. Hoài bảo con phải học, biết chữ con mới nhìn thấy được, vậy là Hoài bắt đầu học.

Việc học không hề đơn giản, đưa bàn tay còn đầy vết sẹo, Hoài kể: “Thời gian đầu không quen nên em bị bút chữ nổi đâm vào tay, có hôm máu chảy ướt cả bàn chữ, còn chỗ bị đâm nhiều lại sâu nên thành sẹo”. Sau một năm học tập Hoài luôn đạt thành tích cao nhất lớp. Năm 2006 Hoài được chuyển về học lớp 2, hòa nhập cùng các bạn sáng mắt tại Trường tiểu học xã Kỳ Thư.

Để theo kịp các bạn, nhiều hôm Hoài phải thức trắng đêm lần mò từng con chữ để đọc bài trước. Thấy con vất vả nhiều, đêm đi làm về mệt mẹ cũng ngồi thức đọc bài để Hoài nhớ bài nhanh hơn. Thời gian đầu học bị các bạn trêu chọc Hoài khóc rất nhiều, có bữa Hoài vừa khóc vừa lần mò chạy về nhà, ra khỏi trường thì lao thẳng xuống hồ nước, may mắn thầy cô kịp thời phát hiện.

Hoài bảo: “Càng khóc em càng thấy thua thiệt bạn bè. Đến khi đi thi em liên tục được điểm 10 nên về sau các bạn không còn trêu nữa. Em sẽ làm được như những người bình thường khác nếu em không cho mình bỏ cuộc. Nghĩ vậy nên em luôn tự động viên mình cố gắng, phải chiến thắng bản thân, không tự ti mặc cảm”.

Chặng đường từ nhà đến trường gần 2km. Nhiều hôm mẹ chở Hoài đến trường, nhưng nhiều bữa mẹ bận Hoài phải tự mò mẫm đến trường, không ít lần Hoài bị ngã xuống ruộng. Suốt bảy năm đeo đuổi sự học, vượt lên mọi khó khăn Hoài luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Kể về cô học trò của mình, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A, tự hào: “Hoài học đều tất cả các môn, em luôn năng nổ phát biểu xây dựng bài và luôn giúp đỡ, kèm cặp các bạn học kém trong lớp”.

Theo cô Hà, do phòng giáo dục huyện chưa có điều kiện vật chất đầy đủ nên những học sinh khiếm thị như Hoài phải đến năm lớp 8 mới được tham gia dự thi học sinh giỏi cấp huyện. “Năm nay nhiều thầy cô bộ môn toán, văn, sử... đều đề xuất chọn Hoài tham dự kỳ thi học sinh giỏi huyện. Dù tham gia bộ môn nào tôi đều tin chắc Hoài sẽ đoạt giải” - cô Hà khẳng định.

Ước mơ làm bác sĩ tâm hồn

Chúng tôi đến nhà Hoài vào một ngày trời oi nóng. Hoài ngồi ở góc học tập miệng lẩm bẩm, tay lần tìm trên bàn chữ Braille, mồ hôi nhễ nhại nhưng Hoài bảo không bật quạt vì sợ tốn điện. “Em quen rồi ạ, tí ra em giội vài gáo nước lạnh là mát ngay” - Hoài bảo.

Nói về ước mơ của mình, Hoài chia sẻ: “Em sẽ cố gắng học giỏi để thi vào ngành tâm lý học, sau này trở thành một bác sĩ tâm lý chữa bệnh tâm hồn cho mọi người...”.

Ước mơ là vậy nhưng với Hoài chặng đường phía trước còn quá gian nan. Đã không ít lần Hoài định bỏ học nhưng được thầy cô, bạn bè động viên em lại tiếp tục mò mẫm tới lớp. Bố dường như lấy bệnh viện làm nhà, cuộc sống gia đình ngày càng chới với khi mẹ tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu đi. “Tui định sang năm không lo nổi nữa thì dựng tạm cái chòi rồi bán cái nhà này đi. Để mấy đứa nó học xong rồi tính tiếp, chứ bắt con nghỉ học tui không đành lòng...” - bà Lành nói.

Đêm đến, trong căn nhà bao lần định bán ấy, bà Lành cùng Hoài châm nến để học bài cho đỡ tốn điện. Nhìn xa xăm qua cánh đồng làng, ngọn nến vẫn le lói sáng. Tôi chợt nhớ đến câu nói lúc chiều của Hoài: “Có người ví cháu như ngọn nến cong. Cháu thấy cũng đúng, là nến cong nhưng cháu sẽ cố gắng học thật tốt để cho lửa thẳng, sống có ích cho xã hội”.

ĐÌNH VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên