Thông tin của Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình và dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, dự án điện khí Lô B, Cá Voi Xanh đang được đẩy nhanh triển khai.
Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn đang triển khai tổng thể
Theo đó, với dự án mỏ khí Lô B, từ tháng 3-2024, PVN và các bên liên quan đã ký kết chính thức các thỏa thuận thương mại. PVN cũng đã đàm phán về phương án giá điện và hợp đồng mua bán điện (PPA) cho nhà máy nhiệt điện Ô Môn 4; đàm phán GSA Ô Môn 2...
Các nhà thầu đã hoàn thiện rà soát thiết kế và đang thiết kế chi tiết, triển khai công tác mua sắm các gói thầu chính và chuẩn bị chế tạo. Việc mua sắm các hợp đồng cũng được đẩy nhanh quy trình, thủ tục…
Đối với dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, hiện đã có khung chính sách cho đền bù giải phóng mặt bằng, thông báo đến các địa phương nơi có đường ống đi qua như Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau để có phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư.
PVN cũng đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh dự án và hiện đang lựa chọn nhà thầu.
Theo PVN, đến nay chuỗi dự án Lô B - Ô Môn đã vào giai đoạn triển khai tổng thể, đồng bộ các gói thầu EPCI#1, gói thầu EPCI#2, thu nổ địa chấn 3D hoàn thành khoảng 71% khối lượng công việc.
Đối với các dự án nhà máy điện sử dụng khí Lô B, trong đó dự án nhiệt điện Ô Môn 1 có công suất 2x330MW, sử dụng dầu FO, hiện đơn vị quản lý vận hành là EVNGENCO2 đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi phương án chuyển đổi nhà máy sang sử dụng nhiên liệu khí LÔ B.
Với dự án Ô Môn 2 có công suất 1.050MW đang đàm phán hợp đồng mua khí, mua bán điện.
Dự án điện khí Ô Môn 3 công suất 1.050MW cũng đang lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), trình Thủ tướng phê duyệt đề xuất vốn vay ODA của Nhật Bản; dự án Nhiệt điện Ô Môn 4 là 1.050MW đang thực hiện thủ tục phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án.
Những khó khăn triển khai các dự án này được chỉ ra, là các cơ chế chính sách về huy động, vận hành hệ thống điện cho các nhà máy điện khí chưa đồng bộ; đề xuất vay vốn ODA Nhật Bản vẫn chưa được phê duyệt; cùng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bị kéo dài.
Kế hoạch phát triển mỏ Cá Voi Xanh phụ thuộc giải quyết vướng mắc
Đối với chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí được ExxonMobil cho biết vẫn đang tiếp tục cập nhật. Song việc trình kế hoạch phụ thuộc vào tiến độ giải quyết các vướng mắc dự án, bao gồm các vấn đề liên quan tới cảng Kỳ Hà và tuyến ống đi qua Cảng hàng không Chu Lai.
Với các dự án điện, gồm nhà máy nhiệt điện Miền Trung 1 và 2 (công suất 2x750MW) vẫn đang chờ tiến độ cấp khí để phê duyệt;
Nhà máy nhiệt điện Dung Quất 1 và 2 (công suất 2x750MW), chưa xác định được thời điểm cấp khí mỏ Cá Voi Xanh để thẩm định; Dự án Dung Quất 2 (750MW) hiện đang đàm phán các hợp đồng...
Khó khăn trong triển khai các chuỗi dự án này là chưa rõ tiến độ các dự án thượng nguồn, nên khó triển khai thủ tục đầu tư; thủ tục thuê đất…
Trả lời kiến nghị cử tri các dự án này, Bộ Công Thương cho hay đây là những dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, nên Bộ Công Thương đang phối hợp các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai chuỗi dự án.
Dự án khí Lô B có quy mô đầu tư khoảng 12 tỉ USD, khi khai thác có thể cung cấp thêm nguồn khí thiên nhiên (dự kiến khoảng 5 tỉ m³ khí/năm) cho cụm 4 nhà máy điện tại Ô Môn trong thời gian hơn 20 năm.
Với dự án Cá Voi Xanh, tổng trữ lượng thu hồi dự kiến là 248 tỉ m³ khí thô (~150 tỉ m³ khí hydrocarbon). Trong giai đoạn bình ổn hàng năm sẽ cung cấp khoảng 7 tỉ m³ khí thô cho các hộ tiêu thụ điện hạ nguồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận