18/10/2011 04:11 GMT+7

"Chúng tôi muốn đồng tiền chân chính"

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Cuộc vận động đẩy mạnh thực hiện y đức, trong đó có nội dung “nói không với phong bì” vừa được Công đoàn y tế VN phát động đã tạo ra một cuộc tranh luận.

Đừng đưa phong bì cho nhân viên y tế

ORcXIUP1.jpgPhóng to
Bà Trần Thanh Tâm - Ảnh: Việt Dũng

Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Trần Thanh Tâm, phó chủ tịch Công đoàn y tế VN, nói:

- Quan điểm của chúng tôi là vừa làm vừa gỡ, từ từ đi vào nhận thức của cán bộ y tế, lạt mềm buộc chặt, vừa làm vừa tìm cách làm hay vì áp đặt cán bộ sẽ không nghe.

* Những câu chuyện liên quan đến y đức, như cán bộ y tế kê đơn hưởng hoa hồng, không lắng nghe người bệnh... khá phổ biến gần đây. Đâu là cái gốc của vấn đề này?

- Tôi cho là do tình trạng quá tải của bệnh viện, cầu vượt cung dịch vụ y tế. Cán bộ y tế khám ngày 30 bệnh nhân thì có thời gian hỏi bệnh kỹ hơn, nhưng ngày khám 100 bệnh nhân thì làm sao đủ sức. Không có thời gian hỏi bệnh, lắng nghe bệnh nhân, người dân cũng khổ mà cán bộ y tế thì sức ép công việc cũng rất lớn. Người dân đi bệnh viện thấy đông thì muốn nhanh hơn một tí cho mình, muốn mình được ưu tiên hơn, từ đó nảy sinh tình trạng biếu tiền, quà cho cán bộ y tế. Tại sao bệnh viện lại quá tải đến thế? Nếu y tế cơ sở tốt, đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, người dân có niềm tin thì tuyến trung ương, tuyến tỉnh không quá tải, không dẫn đến tiêu cực. Trước năm 1996 tôi còn công tác ở bệnh viện, tất cả đồng nghiệp đều lăn lộn làm việc, không có chuyện bệnh nhân biếu tiền, quà. Các thầy dạy nghề thầy thuốc là nghề cao quý.

* Vì sao giờ đây lời dạy, lời thề y đức lại phai nhạt như vậy?

- Sức lực thầy thuốc có hạn, bệnh nhân muốn nhờ vả thì biếu quà. Lấy tiền, quà được một lần thì lần sau quen hơn. Chúng tôi muốn đồng tiền chân chính, muốn được tôn trọng, nhưng xã hội thế nào, lương thưởng ngành y thế nào để cán bộ y tế yên tâm làm việc, giữ được hình ảnh? Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã nói ngành y tế cần được đãi ngộ đặc biệt, chúng tôi không cần lương ngành y cao nhất, nhưng công bằng với các ngành khác, cán bộ y tế có lương đủ sống sẽ sẵn sàng phục vụ. Một khi đã biết khơi gợi, cán bộ y tế sẽ dốc hết sức mình. Chống được quá tải, điều kiện khám chữa bệnh đầy đủ hơn, người dân sẽ được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn, không phải một người đi chữa bệnh mấy người nhà phải đi theo.

* Nhưng rõ ràng tình trạng thiếu y đức, thiếu quan tâm đến bệnh nhân diễn ra cả ở những nơi cán bộ có thu nhập cao, thậm chí rất giàu có. Bà có cho là có căn bệnh đặt mình ở vị trí quá cao nên không quan tâm tới người bệnh ở một số cán bộ y tế?

- Đời sống của phần lớn cán bộ y tế còn khó khăn. Phụ cấp trực đêm chỉ có mấy chục ngàn đồng, chỉ bằng tô phở, cán bộ y tế sẽ so sánh với các ngành khác. Nhưng trong khi đợi chờ cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn từ gốc, chúng tôi vận động cán bộ y tế, khơi dậy trách nhiệm với bệnh nhân, vượt lên chính mình, giữ gìn hình ảnh người cán bộ y tế vì đây là nghề cao quý, đáng được xã hội tôn trọng. Bất cứ ai vào bệnh viện cũng thấy bệnh nhân bây giờ rất khổ, đi viện phải chờ đợi nhiều, chờ đợi đã quá khổ rồi. Cán bộ y tế phải vượt lên chính mình để chăm sóc người bệnh. Những cái đầu tiên như lời ăn tiếng nói, thái độ hòa nhã, chăm sóc ân cần, tận tâm điều trị, cái này không cần kinh phí cũng làm được.

* Lãnh đạo nhiều bệnh viện lớn cho rằng vận động thực hiện y đức, trong đó có chuyện nói không với phong bì là rất khó. Tại sao một việc khó thế này mà chỉ là “vận động”? Tại sao ngành không đưa phong trào này trở thành hoạt động có tính pháp quy?

- Đây chỉ mới là vận động thí điểm, xem khó khăn đến đâu, làm thế nào là tốt... Công đoàn vận động nhưng ở các bệnh viện đều có chính sách cụ thể. Mỗi bệnh viện đều đang có cách làm hay, ví dụ như Bệnh viện Việt Đức có đường dây tư vấn bệnh nhân, lãnh đạo bệnh viện thỉnh thoảng cũng gọi đến xem văn hóa trả lời bệnh nhân như thế nào, có cộc lốc thiếu thông tin hay không. Từng khoa, phòng cũng phải quản lý nhân viên của mình xem chăm sóc bệnh nhân đã tốt chưa, có vòi vĩnh bệnh nhân không. Sẽ vừa làm vừa nghĩ ra thêm các biện pháp, làm tốt ở năm đơn vị thí điểm rồi sẽ nhân lên toàn ngành. Đầu tiên là cán bộ y tế thấy trách nhiệm của mình đã, chứ không nóng vội, áp đặt.

* Theo bà, mở rộng việc dạy y đức ở trường y khoa hay bồi dưỡng y đức cho thầy thuốc đang làm việc tại bệnh viện hiệu quả hơn?

- Y đức đang là một môn học, nhưng tôi cho là cũng nên đẩy mạnh môn học này lên. Ngày xưa, chúng tôi học y đức đâu có nhiều, nhưng ngày xưa khác. Ngoài ra, cũng rất nên đẩy mạnh bồi dưỡng y đức cho thầy thuốc đang làm việc, như cuộc vận động này là một đợt bồi dưỡng như vậy. Có người nghi ngờ nhưng cứ để chúng tôi làm, các bệnh viện rất quyết tâm, chúng tôi không định làm giật gân, không phải nói suông.

* Vấn đề “nói không với phong bì”, một trong năm nội dung của cuộc vận động này. Có ý kiến cho rằng phong bì cảm ơn thì được. Ý kiến bà thế nào?

- Phong bì do vòi vĩnh hay bệnh nhân tự cảm ơn? Vòi vĩnh tất nhiên là không được, phải xử phạt nặng. Có những lúc tôi đã nghĩ tiền cảm ơn cũng không nên, vì thế hóa ra lại là “hợp thức hóa”. Nhưng thấu đáo hơn, tôi cho rằng định hướng trước hết là cố gắng làm sao để cán bộ y tế không nhận tiền, quà của bệnh nhân trước và trong quá trình khám chữa bệnh. Cứ làm được như thế đi, còn chuyện sau khi bệnh nhân ra viện thì để dần dần, khi phong cách ứng xử, quá trình chăm sóc bệnh nhân đã tốt rồi, đã phù hợp y đức rồi thì có khi không phải vận động nữa, mà có thể từ ngành y tế, y đức sẽ lan ra các ngành nghề khác.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên