12/06/2011 12:01 GMT+7

Chúng ta có lỗi với thế hệ trẻ

VŨ CÔNG LẬP
VŨ CÔNG LẬP

TT - Ông bình luận thể thao trên truyền hình rất duyên và viết trên các báo cũng rất hay. Rồi ở lĩnh vực khoa học cũng thấy ông xuất hiện một cách sắc sảo. Ông tên là Vũ Công Lập...

TT - Ông bình luận thể thao trên truyền hình rất duyên và viết trên các báo cũng rất hay. Rồi ở lĩnh vực khoa học cũng thấy ông xuất hiện một cách sắc sảo. Ông tên là Vũ Công Lập...

* TSKH Vũ Công Lập sinh ngày 2-9-1946 tại Hà Nội.* Công tác: từ năm 1969-1989: Học viện Quân y (chủ nhiệm khoa vật lý - lý sinh), 1989-2009: Viện Vật lý y sinh học (viện trưởng), Viện Khoa học và công nghệ quân sự. Hiện là chủ tịch hội đồng khoa học Viện Vật lý y sinh học.

* Tác phẩm:

- Sách viết: Cơ sở vật lý y sinh học, Các tác nhân vật lý thường dùng trong vật lý trị liệu, Ðại cương về laser y học và laser ngoại khoa, Bóng đá chuyên nghiệp...<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

- Sách dịch: Một ca suy tim, Copa, Ai quyết định, Thế giới lượng tử kỳ bí...

Rất nhiều người sau khi đọc loạt bảy bài “Đế chế FIFA” trên Tuổi Trẻ đã hỏi rằng: nhà báo Vũ Công Lập chuyên bình luận thể thao với tiến sĩ khoa học Vũ Công Lập thực hiện loạt bài về sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt huy chương Fields có phải là một? Vâng, chỉ có một Vũ Công Lập mà thôi.

Trong thể thao không thiếu thứ gì

* Thưa ông, với những người mê bóng đá thì biết đến một nhà báo Vũ Công Lập nói chuyện rất duyên trên truyền hình và viết cũng rất hay trên một số tờ báo như Tuổi Trẻ, Thể Thao & Văn Hóa, Thể Thao TP.HCM, Bóng Đá... Còn với những bạn trẻ yêu khoa học thì biết ông Lập là một tiến sĩ khoa học, một dịch giả, đồng thời là một trong những người chủ biên tủ sách “Khoa học và khám phá” của Nhà xuất bản Trẻ. Trong cuộc trò chuyện này, chúng tôi nên gọi ông là gì?

- Ông VŨ CÔNG LẬP: Tôi xin phép được thay chữ “nhà” bằng chữ “bạn”. Tôi là một bạn đọc của báo, một người bạn cùng tham gia viết báo. Nếu kể thêm truyền hình thì tôi là một bạn xem đài, một người bạn cũng góp một chút hình ảnh và tiếng nói vào các chương trình của đài.

Với thể thao, tôi muốn được xem như một người bạn đồng hành, muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với thể thao, đối với bóng đá vì bóng đá đem lại cho tôi niềm vui sống từ khi tôi còn bé, góp phần dạy tôi cách chọn hướng và cách vượt qua khi tôi trưởng thành. Dù làm báo, làm khoa học hay y học thể thao, tôi luôn làm hết mình từ sự thôi thúc nội tại của bản thân, và nhờ đó có niềm hạnh phúc là có rất nhiều bạn bè trong nhiều lĩnh vực.

* Ông rất say sưa với nghề viết thể thao, sao không chọn nghề này là tay phải?

- Khi gặp anh Phúc Nguyên (nay là thiếu tướng, tổng biên tập) ở tổ quân sự báo Quân Đội Nhân Dân năm 1986, tôi được gợi ý góp bài cho chuyên mục thể thao, đăng vào số thứ bảy hằng tuần. Đó là điểm khởi đầu của cả một mạch viết cho bạn đọc, và mạch viết ấy lan sang nhiều tờ báo khác nữa. Viết lúc này đối với tôi là một cách bày tỏ lòng biết ơn, bày tỏ một nhận thức, một quan niệm, một xúc cảm.

Đối với tôi, việc viết rất quan trọng, như anh Vũ Duy Mẫn có nói: đó là một cách để tự hoàn thiện mình. Ngay từ ngày còn bé, những bài báo của Thép Mới, những trang viết của Nguyễn Khải... vừa như là những cuốn sách giáo khoa, vừa như những bức thư tình cuốn hút tôi ghê gớm. Tôi lớn lên, chịu ơn sinh thành và nuôi dưỡng của bố mẹ, được hưởng sự dạy dỗ, giáo dục của nhà trường, xã hội và cũng chịu ảnh hưởng to lớn khi đọc sách, báo. Rồi tôi cũng viết, viết cho mình thôi, kiểu như loại “những đoạn văn ngắn” trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội những năm 1960.

"Trải nghiệm không có nghĩa là sống nhiều năm mà quan trọng là ở cách sống, cách học từ cuộc sống, tích lũy từ cuộc sống"

VŨ CÔNG LẬP

Nói thể thao, bóng đá là tất cả thì có lẽ bạn sẽ cho là hơi quá, nhất là với những ai ít xem thể thao. Nhưng với riêng tôi, trong thể thao có lẽ không thiếu thứ gì. Là sung sướng, là đau khổ, là hi vọng, là quyết tâm, là tha thứ, là quyết chiến, là khoa học, là trực giác, thậm chí cả đôi chút mê tín nữa.

Và do đó, đặc điểm khi viết thể thao là khôn cùng, là gửi gắm trọn vẹn. Tôi lưu giữ những bài viết của mình trên giấy, trong bộ nhớ máy tính, đôi khi gặp chuyện gì đó buồn buồn rút ra đọc lại. Thấy vui hẳn lên, khí thế hẳn lên. Hóa ra viết cho bạn đọc nhưng cuối cùng vẫn là viết cho chính mình. Thể thao trước hết là một thể hoàn chỉnh và phong phú, nhưng thể thao đôi khi cũng là một cái cớ cho cả cuộc đời.

* Sự xuất hiện của nhà bình luận bóng đá Vũ Công Lập trên truyền hình có vẻ hơi muộn màng?

- Buổi bình luận bóng đá đầu tiên của tôi là làm với Long Vũ trên VTV3, trận bán kết Đức - Hàn Quốc 1-0 tại World Cup 2002. Lúc đó tôi 56 tuổi. Đúng là già, đúng là muộn. Tôi công tác trong quân đội nên có những quy định chặt chẽ về việc tham gia truyền hình. Mãi đến khi tôi được mời tham gia ban tổ chức SEA Games 21 năm 2002 và được Bộ Quốc phòng đồng ý cho làm việc bên y học thể thao và truyền thông dưới dạng biệt phái thì mọi sự mới thuận lợi hơn.

* Khi đặt ông viết loạt bài “Đế chế FIFA”, chúng tôi thật sự ngợp trước những tài liệu mà ông đã lưu trữ quanh vấn đề này cả chục năm nay. Ông làm việc hơn cả phóng viên chuyên nghiệp. Nhân đây, xin ông vui lòng có những nhận xét và góp ý cho những cây bút trẻ viết thể thao ở VN?

- Tôi không dám nhận xét, càng không dám góp ý, chỉ muốn nói đến kinh nghiệm của riêng mình. Tôi khá cần cù trong việc tìm và lưu trữ dữ liệu. Tôi cũng thận trọng khi lựa chọn và xử lý dữ liệu. Bài “Đế chế FIFA” vừa qua, tôi sử dụng khoảng 1/20 những gì mà tôi có trong tay, vì từ cả chục năm nay tôi nhìn thực thể FIFA với rất nhiều lo ngại.

Có lẽ trải nghiệm sống cũng quan trọng vì nó giúp ta tìm ra con đường đến với người đọc, người nghe. Mình viết từ mình, cho mình, nghĩa là rất chân thực và sâu nặng, nhưng khi mình đủ trải nghiệm thì cái đó lại dễ đến với cuộc đời. Trải nghiệm không có nghĩa là sống nhiều năm mà quan trọng là ở cách sống, cách học từ cuộc sống, tích lũy từ cuộc sống.

Quá trình điều chỉnh về trung tâm

* Về phần khoa học, ông có thể kể cho bạn đọc biết con đường của mình?

- Tôi tốt nghiệp vật lý lý thuyết khóa 1964-1968 Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1978, tôi tốt nghiệp tiến sĩ về lý sinh và năm 1986 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học về vật lý y  sinh học, đều ở Leipzig, CHDC Đức.

Tôi có ba cái may trong con đường khoa học của mình: được học những thầy giáo giỏi, có được những người bạn tốt và luôn đi vào những mảnh đất mới của khoa học. Những năm 1969-1989 tôi dạy học ở Học viện Quân y, từ năm 1989 đến khi về hưu (năm 2009) tôi công tác tại Viện Khoa học và công nghệ quân sự Bộ Quốc phòng.

Năm 2008, tôi cùng anh Phạm Văn Thiều và anh Nguyễn Văn Liễn, những người cùng học với tôi ở đại học, làm tủ sách “Khoa học và khám phá” cũng là một cách tri ân khoa học, tri ân vật lý.

Chúng tôi muốn truyền lại cho các bạn trẻ lòng say mê tri thức, say mê khám phá thông qua những câu chuyện sinh động về các nhà khoa học và các ngành khoa học. Bộ sách này đã được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành 15 cuốn, mỗi cuốn in 3.000 bản. Hết năm 2011 con số ấy lên 20 cuốn.

* Ông có thể giới thiệu đôi nét về Viện Vật lý y sinh học thuộc Viện Khoa học và công nghệ quân sự Bộ Quốc phòng do mình sáng lập?

- Chúng tôi làm công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong việc đưa những tiến bộ của vật lý vào phục vụ y học. Nền y học hiện nay được hiện đại hóa rất nhiều nhờ thiết bị y tế. Mà mỗi thiết bị y tế lại là một sản phẩm vật lý. Cho nên từ vật lý sang kỹ thuật, tới sinh học rồi về y học là một chặng đường liên ngành, khó khăn nhưng tất yếu để phục vụ sức khỏe quân đội và nhân dân được tốt hơn.

Viện chúng tôi là cơ quan đầu tiên ở VN đi theo hướng này. Về đào tạo, viện soạn thảo chương trình, giáo trình và thực hiện đào tạo ngành kỹ thuật y sinh tại Đại học Nguyễn Tất Thành. Nghĩa là, vật lý y sinh học đã trở thành một ngành khoa học mới có sức sống thật sự ở VN. Tôi rất sung sướng vì tìm ra được một hướng phát triển ứng dụng cho vật lý.

* Ông nghĩ gì khi nhiều bạn trẻ hiện nay có vẻ thờ ơ với các bộ môn khoa học cơ bản? Phải chăng người trẻ bây giờ không dám sống vì ước mơ như thế hệ cha anh?

- Hình như chúng ta cứ lệch trái một tí, rồi lại lệch phải một tí trong quá trình điều chỉnh để chuyển dần về trung tâm. Trước đây thì say mê lắm nhưng lại chẳng có tiền. Bây giờ nhiều khi có tiền lại thiếu say mê. Nhưng có lẽ chính chúng ta có lỗi đối với thế hệ trẻ. Phải làm sao cho ngành của chúng ta thật đẹp để người ta mê, thật hiệu quả đối với cuộc sống để người ta gắn bó. Đó là điều chúng ta chưa làm được. Nhưng rồi sẽ làm được vì cuộc sống bắt buộc chúng ta phải như thế.

HUY THỌ thực hiện

Một kỷ niệm rất đẹp trong sự nghiệp làm báo của tôi liên quan đến giải thưởng Fields của GS Ngô Bảo Châu năm 2010. Liên đoàn Toán học thế giới (IMU) vừa muốn giữ bí mật của sự kiện vừa muốn tuyên truyền về giải thật tốt, nên có chọn ra ở các nước những nhà báo tin cậy được ủy quyền (selected trusted journalist) được phép nhận tin và tài liệu trước về người được giải để kịp chuẩn bị bài.

Có lẽ do vừa làm khoa học lại vừa làm báo nên tôi là người VN may mắn được chọn và phải ký văn bản bảo đảm chỉ phát tin sau khi kết thúc phiên khai mạc tại Hyderabad (Ấn Độ). Tôi nhận được văn bản chính thức của IMU bốn ngày trước khi được quyền công bố, và đó là bốn ngày hết sức khổ sở vì không dám nói với ai. Phải giấu kín niềm vui lớn như vậy quả là một cực hình. Nhưng rồi tôi cũng kịp làm chương trình báo chí với loạt bài trên Tuổi Trẻ và hai chương trình truyền hình khá công phu trên VTV1.

VŨ CÔNG LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên