07/02/2023 15:44 GMT+7

Chứng khoán giảm sâu, hơn 600 mã rớt giá

Sức ép từ bên bán càng về cuối phiên giao dịch hôm nay 7-2 càng mạnh dần, khiến thị trường chứng khoán bị giảm sâu. Toàn thị trường có hơn 600 mã chứng khoán bị rớt giá.

Chứng khoán giảm sâu, hơn 600 mã rớt giá - Ảnh 1.

Hàng loạt cổ phiếu rớt giá khiến không ít người lo lắng. Trong ảnh là nhà đầu tư đang theo dõi một phiên giao dịch chứng khoán - Ảnh: BÔNG MAI

Nếu như sắc xanh tăng giá vẫn còn neo trên các chỉ số chứng khoán chính ở phiên sáng, sang phiên chiều tình hình bắt đầu kém tích cực, càng gần cuối phiên áp lực bán càng tăng dần, sắc đỏ giảm điểm bao phủ toàn thị trường.

Với vốn hóa lớn, VCB (Vietcombank) là mã gây ảnh hưởng lớn nhất, kéo chỉ số chứng khoán của sàn TP.HCM (HoSE) lao dốc. Nhiều cổ phiếu khác cùng ngành ngân hàng cũng bị nhà đầu tư bán ra, điển hình như BID (BIDV), VPB (VPBank), CTG (VietinBank)...

Song song đó, thị trường còn chứng kiến hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn khác như HPG (Hòa Phát), VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), MSN (Masan), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), SAB (Sabeco)... bị rớt giá.

Dù sức mua tương đối thấp, không chiếm áp đảo so với phe bán, nhưng việc các cổ phiếu như HVN (Vietnam Airlines), GAS (PetroVietnam Gas), TPB (TPBank), FRT (Bán lẻ kỹ thuật số FPT), REE (Cơ điện lạnh), PLX (Petrolimex)... vẫn giữ được sắc xanh tăng trưởng cũng góp phần chống đỡ phần nào đà giảm của thị trường chung.

Hôm nay, mã VNZ của Công ty cổ phần VNG tiếp tục gây chú ý khi chính thức ghi nhận phiên thứ năm liên tiếp vươn lên giá trần. Đáng chú ý là mỗi phiên chỉ có 100 cổ phiếu được khớp lệnh. Sau 5 phiên tăng trần, giá mã này cũng đã tăng từ 240.000 đồng lên mốc 587.500 đồng/cổ phiếu (+145%).

Trong ngày, dòng tiền của nhà đầu tư thoát ra khỏi các ngành tài nguyên, hóa chất, ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tài chính, xây dựng và vật liệu xây dựng, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, thực phẩm và đồ uống… Một số ít ngành vẫn hút được dòng tiền như viễn thông, du lịch và giải trí, y tế…

Khép phiên, chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức mất 23,45 điểm (-2,15%) lùi về mốc 1.065,84 điểm. Trong khi đó cả sàn HNX và sàn UPCoM cũng bị rớt 4,47 điểm (-2,08%) xuống 210 điểm và giảm 0,42 điểm (-0,55%) xuống còn 75,54 điểm.

Tính chung cả ba sàn, có tổng cộng 611 mã chứng khoán bị rớt giá, nhiều gần gấp ba lần số mã tăng giá. Tổng thanh khoản trên toàn thị trường hơn 13.600 tỉ đồng.

Trong khi nhiều phiên trước nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ vị trí chống đỡ, đối ngược với lực bán của nhà đầu tư trong nước, thì phiên hôm nay khối ngoại chỉ mua ròng chưa tới 35 tỉ đồng.

Về diễn biến giao dịch tuần này, dưới góc nhìn kỹ thuật, phía Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo khả năng cao thị trường sẽ tiếp tục rung lắc với biên độ hẹp, kỳ vọng sẽ xuất hiện sự phân hóa rõ ràng hơn giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường.

Với góc nhìn dài hạn, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta đưa ra nhận định: "Thị trường chưa thuận lợi để mở rộng danh mục dài hạn".

Theo Yuanta, nếu chỉ số VN-Index tiếp tục hồi phục trong tháng này thì rủi ro ngắn hạn có thể giảm dần, mức kháng cự dài hạn là 1.224 điểm. Nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với xu hướng hiện tại. Xu hướng dài hạn của thị trường chứng khoán vẫn duy trì ở mức giảm.

Vietnam Airlines bị lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếuVietnam Airlines bị lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa thông báo đến Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) về việc "lưu ý về khả năng hủy niêm yết" cổ phiếu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên