Chứng khoán lao dốc với 852 mã rớt giá
Khởi động phiên giao dịch hôm nay 3-10, áp lực bán lập tức đổ dồn vào thị trường chứng khoán, càng về cuối phiên mức giảm càng sâu, có lúc VN-Index giảm tới 40 điểm, sau đó tiếp tục giằng co mạnh giữa phe bán và mua.
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng bị nhà đầu tư tháo chạy, gây tác động tiêu cực đến thị trường chung, điển hình là các mã như BID (BIDV), VPB (VPBank), CTG (Vietinbank), TPB (TPBank), STB (Sacombank)…
Việc các cổ phiếu có vốn hóa lớn như VIC (Vingroup), HPG (Hòa Phát), VHM (Vinhomes), GAS (PetroVietnam Gas), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), MSN (Masan), MWG (Thế giới di động)… bị rớt giá cũng khiến thị trường càng thêm chao đảo.
Dù sắc xanh vẫn còn bám trụ ở một số mã như DBD (Trang thiết bị y tế Bình Định), BWE (Nước - môi trường Bình Dương), DPM (Đạm Phú Mỹ), YEG (Yeah1), VSH (Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh)… nhưng không đủ sức kéo thay đổi tình hình chung của toàn thị trường.
Soi vào diễn biến của từng lĩnh vực kinh doanh, có thể thấy các nhóm bị nhà đầu tư bán mạnh, giảm từ 3-6% trở lên gồm: thực phẩm - đồ uống, ô tô - linh kiện phụ tùng, ngân hàng, dịch vụ tiện ích, xây dựng và vật liệu, bất động sản, dịch vụ bán lẻ, hóa chất, dầu khí, dịch vụ tài chính… Không ngành nào tăng trong phiên.
Trải qua khoảng thời gian dùng dằng, với hành động bán quyết liệt của nhà đầu tư, chỉ số VN-Index chính thức dừng phiên hôm nay với mức giảm hơn 37 điểm (-3,2%), lùi về mốc 1.118 điểm. Sắc đỏ cũng bao trùm lên hai sàn còn lại gồm HNX và UPCoM, với mức giảm lần lượt hơn 10 điểm (-4,3%) xuống 226,7 điểm và hơn 2 điểm (-2,3%) xuống còn 86,7 điểm.
Tổng giá trị mua bán cổ phiếu trong ngày đạt xấp xỉ 24.750 tỉ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 50 tỉ đồng. Toàn thị trường có 852 mã chứng khoán rớt giá.
Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn bi quan
Nhận xét về thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, đội ngũ phân tích của Yuanta Việt Nam cho rằng: "Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn bi quan". Điều này thể hiện qua việc kể cả ở những phiên hồi phục kỹ thuật, lực cầu của thị trường vẫn yếu.
Dự báo xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm, nên phía công ty chứng khoán cho rằng trong ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể tiếp tục tận dụng nhịp hồi phục để hạ tỉ trọng cổ phiếu và chưa nên mua mới.
Về tình hình đầu tư trong tháng này, ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích VNDirect - nhận định xu hướng vận động tích lũy trong biên độ từ 1.130 - 1.210 có thể sẽ là kịch bản cho thị trường.
Tuy nhiên rủi ro vẫn hiện diện nếu áp lực tỉ giá tiếp tục gia tăng, gây sức ép lên chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Đồng thời rủi ro giảm phát từ phía Trung Quốc và đặc biệt từ nhóm ngành bất động sản có thể làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư về nhóm ngành này. Qua đó nhà đầu tư nên lưu ý với nhóm ngành nhạy cảm về lãi suất, hạn chế các vị thế mua rủi ro.
Dù vậy, thị trường vẫn còn tiềm năng khi bức tranh lợi nhuận trong quý 3-2023 dự kiến tích cực hơn, cũng như mặt bằng định giá thị trường đã về vùng hấp dẫn hơn.
Theo đó, nhà đầu tư dài hạn có thể nắm bắt cơ hội xuất hiện từ xu hướng đáng chú ý như: Đầu tư công vẫn là mũi nhọn tăng trưởng kinh tế, triển vọng xuất nhập khẩu đang dần phục hồi, theo sau sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất - bán lẻ nhờ sức mua cải thiện, dòng vốn FDI duy trì tích cực cải thiện triển vọng nhóm bất động sản khu công nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận