28/11/2011 07:42 GMT+7

Chuẩn quốc tế... kiểu VN!

PHẠM QUANG TÚCẦM VĂN KÌNH ghi 
PHẠM QUANG TÚCẦM VĂN KÌNH ghi 

TT - Một sân bay quốc tế mà không có những dịch vụ căn bản như xe bơm nước máy bay, thu đổi ngoại tệ thì chữ “quốc tế” được gắn sau từ sân bay chắc hẳn sẽ làm du khách ngỡ ngàng và đặt câu hỏi về “chuẩn sân bay quốc tế” kiểu VN.

Trong khi đó, Hải Phòng đã có sân bay Cát Bi và sắp tới có thể có sân bay nữa. Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Dương... cũng có thể có sân bay. Liệu chúng ta có cần nhiều sân bay đến thế?

Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Tiền nhân cũng đã căn dặn “làm ra đầu ra đũa”, “làm cho đến nơi đến chốn”.

Không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn vào đất nước đang viện trợ ODA lớn nhất cho VN. Nhật Bản thuộc hàng các quốc gia phát triển nhưng họ chỉ có vài sân bay quốc tế. Với địa hình đồi núi, nhiều đảo; không thể nói nhu cầu hàng không của Nhật thấp hơn VN, cũng khó nói khách đến Nhật ít hơn VN.

Tại nhiều quốc gia, hàng không là một loại hình giao thông đặc biệt và nó chỉ được ưu tiên như một loại hình giao thông đặc thù. Với các nước nghèo thì độ ưu tiên còn thấp hơn vì khả năng chi trả của người dân có hạn. Các loại hình giao thông phải cùng phát triển, như với sân bay Nội Bài, nếu đặt chân xuống, hành khách có thể chọn đi taxi, xe buýt hay đường sắt... chắc chắn khó tắc nghẽn.

Và nếu hệ thống đường sắt kết nối tốt, từ Nội Bài xuống Hải Dương hơn 100km, chỉ mất thêm khoảng một tiếng sẽ không mấy ai nghĩ cần đầu tư hàng trăm triệu USD xây một sân bay nữa ở Hải Dương... Hệ thống đường sắt tốt, bài bản chắc chắn sẽ hiệu quả kinh tế hơn nhiều sân bay với chi phí vận hành rất cao với một lượng hành khách ít ỏi.

VN đang tập trung tái cấu trúc nền kinh tế mà đặc biệt là đầu tư công. Vì thế để tránh đầu tư dàn trải, điều đầu tiên là phải thay đổi tư duy trong cơ cấu phát triển kinh tế ngành và địa phương. Chúng ta ngoài “bệnh” thành tích có vẻ đang có thêm “bệnh” thích hoành tráng... đang biến các tỉnh thành các nền kinh tế có độ độc lập khá cao, nhìn tổng thể VN sẽ thành 63 nền kinh tế tỉnh. Nếu không thay đổi, VN sẽ khó tìm được lợi thế cạnh tranh và khó tránh được bệnh dàn trải trong đầu tư.

Làm một sân bay rất dễ, nhất là khi không bỏ tiền túi mà đi vay. Nhưng để duy trì một sân bay hoạt động hiệu quả, là đòn bẩy phát triển kinh tế... cần tư duy quy hoạch và phát triển đồng bộ. Từ thực tế Cam Ranh “hữu sinh vô dưỡng”, có lẽ thay vì làm nhiều sân bay tại những tỉnh có khả năng giao lưu quốc tế còn ít hơn Cam Ranh, chúng ta cần dồn tiền đầu tư sân bay quốc tế cho đáng chuẩn quốc tế, đồng thời phát triển đồng bộ các loại hình giao thông khác vẫn bị kêu đang thiếu vốn.

PHẠM QUANG TÚCẦM VĂN KÌNH ghi 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên