Nhiều nhà thầu đã dừng thi công vì thiếu vốn, hàng ngàn kỹ sư và công nhân rời khỏi công trường - Ảnh: VĂN BÌNH
Theo Ban quản lý dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, hiện nay đơn vị tư vấn thiết kế đang rà soát thiết kế kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế để sửa chữa khắc phục xà mũ bị nứt tại hơn 100 trụ cầu ở dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Vụ nứt xà mũ trụ cầu trên đã xảy ra trong quá trình thi công tại 4 gói thầu J1, J2, J3 và A3, gồm cầu Bình Khánh, Phước Khánh và các cầu dẫn.
Cụ thể là ở cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ, TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) xảy ra sự cố các xà mũ bị nứt trên trụ cầu. Từ tháng 7-2018 đến nay nhà thầu đã tạm dừng thi công. Hiện nay, đơn vị tư vấn phê duyệt điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và đang thực hiện bản vẽ thi công điều chỉnh.
Còn ở cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp (huyện Nhà Bè và Cần Giờ, TP.HCM), sau khi xảy ra sự cố nứt xà mũ trụ cầu, từ 22-6-2018 đến nay nhà thầu cũng tạm dừng thi công. Hiện nay đơn vị tư vấn đang rà soát, điều chỉnh thiết kế vì tính chất phức tạp của hạng mục cầu này.
Trước đó, báo cáo với Thủ tướng về những khó khăn vướng mắc của dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Long An, TP.HCM, Đồng Nai), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (cơ quan chủ quản Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - chủ đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành - VEC) cho biết có những tồn tại về kỹ thuật của một số hạng mục quan trọng ở dự án này.
Cụ thể là việc lựa chọn thông số gió thiết kế và hệ số dùng để thiết kế cho cầu Bình Khánh và Phước Khánh chưa phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện tự nhiên của Việt Nam.
Đó là sử dụng vận tốc gió thiết kế cho cầu là 40m/s, trong khi yêu cầu tối thiểu là 45m/s. Đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa công trình vào khai thác.
Còn hiện tượng nứt xà mũ của hơn 100 trụ cầu, ảnh hưởng đến an toàn và tuổi thọ công trình.
Tháng 2-2020, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam rà soát lại tổng thể tính toán thiết kế, xem xét các giải pháp khắc phục và làm rõ các điều kiện để được nghiệm thu đưa vào sử dụng sau này.
Đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định ai và đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm và đền bù các thiệt hại về sự cố nứt xà mũ tại hơn 100 trụ cầu và các thiệt hại khi lựa chọn thông số gió thiết kế và hệ số dùng để thiết kế cho cầu Bình Khánh và Phước Khánh chưa phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Bên cạnh vấn đề kỹ thuật trên, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành còn đình trệ thi công do dự án thiếu vốn. Trong đó gồm thiếu vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước và thiếu vốn vì hiệp định vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB sẽ hết hạn vay lần thứ 2 vào ngày 30-6-2020, trong khi tiến độ dự án quá chậm trễ.
Mới đây ngày 11-6-2020, Chính phủ ban hành nghị quyết 91/NQ-CP, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương đề xuất tháo gỡ nguồn vốn đối ứng của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công ngày 19-7-2014 với tổng mức đầu tư 31.320 tỉ đồng (tương đương 1,6 tỉ USD). Bộ Giao thông vận tải dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2018. Đến nay dự án cao tốc này vẫn chưa xác định thời gian hoàn thành vì công trình đình trệ thi công do thiếu vốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận