Hiện dự án cáo tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đạt khoảng 50% khối lượng công việc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Ngày 11-6, tại buổi làm việc giữa thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật với chủ đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các nhà thầu dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Lê Quỳnh Mai, phó chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đề xuất xuất chuyển đổi hình thức đầu tư công đối với dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ sang hình thức PPP nhằm rút ngắn thời gian và tiết kiệm ngân sách.
Ông Lê Quỳnh Mai cho biết hiện đường cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ đang có 3 đoạn với hiện trạng khác nhau.
Đoạn từ TP.HCM - Trung Lương dài 40km đã đưa vào sử dụng hơn từ năm 2010. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dài khoảng 51km được khởi động lại từ tháng 3-2019 hiện đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc, dự kiến thông tuyến vào tháng 12-2020 và đưa vào khai thác năm 2021, thời gian hoàn vốn dự án này dự kiến 14 năm.
Tuy nhiên, ông Mai lo lắng rằng khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng mà đoạn cao tốc tiếp nối là Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn chưa xong thì sẽ không phát huy được thế mạnh của vùng khi tuyến huyết mạch này vẫn còn dang dở vì đoạn cao tốc còn lại bị chậm.
Đoạn còn lại dài mà ông Mai đề cập dài khoảng 23km nối Mỹ Thuận - Cần Thơ được điều chỉnh dự án vào tháng 10-2019 và thực hiện theo hình thức PPP, hoàn vốn trong 22 năm với tổng mức đầu tư 4.758 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 932 tỉ đồng.
Tuy nhiên, vào tháng 4-2020, dự án được điều chỉnh sang hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư khoảng 4.700 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Ông Hồ Minh Hoàng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho rằng không có gì đảm bảo được nếu đầu tư theo hình thức đầu tư công thì sẽ đạt đúng tiến độ toàn tuyến vào năm 2023.
"Nếu như Bộ GTVT khẳng định đầu tư công mà thực hiện đảm bảo đúng kế hoạch thì tôi ủng hộ, còn nếu không chắc chắn thì không nên theo những cái không chắc chắn.
Trong suốt quá trình qua, nếu nhìn lại nhiều chuyện Bộ GTVT nói là không chắc chắn, cho nên không có gì làm cơ sở để chắc chắn được dự án này đầu tư công được đảm bảo.
Đến năm 2023 thông tuyến dự án này lại càng không chắc chắn vì khi đó những lãnh đạo của Bộ GTVT chắc gì còn làm việc nữa, đó là cái khó cho những nhà đầu tư hiện nay và sẽ liên tục, không bao giờ dẫn được mạch từ TP.HCM - Cần Thơ được", ông Hoàng gay gắt.
Chính những lý do trên, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đưa ra đề xuất điều chỉnh, mở rộng phạm vi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án.
Theo ông Lê Quỳnh Mai, theo tính toán và đề xuất của Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm tận dụng thiết bị sẵn có, sự phối hợp nhịp nhàng của địa phương và nhà đầu tư sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án.
Cụ thể, nếu bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ rút ngắn gần một nửa thời gian thực hiện, đảm bảo thông tuyến vào năm 2021, hoàn thành trong năm 2022.
Phương án này cũng rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn của toàn dự án trước đây từ 14 năm 8 tháng giảm xuống còn 12 năm 6 tháng (rút ngắn được 2 năm 2 tháng).
Sau khi nghe Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến để cùng lãnh đạo bộ thảo luận.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư kiếm tra dự án - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận