25/03/2023 09:56 GMT+7

Chưa xác định được giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, mới đây Thanh tra Chính phủ cũng đã có báo cáo gửi Phó thủ tướng Lê Minh Khái về kết quả thực hiện kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Cảnh tại Hãng phim truyện Việt Nam sau nhiều năm không sử dụng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cảnh tại Hãng phim truyện Việt Nam sau nhiều năm không sử dụng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ngày 24-3, trả lời tại cuộc họp báo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về quá trình thoái vốn Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) sau nhiều năm vẫn chưa hoàn tất, bà Phan Linh Chi, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, nêu rõ khó khăn, vướng mắc chính do nhà đầu tư chiến lược không hợp tác tích cực.

Cụ thể, theo bà Chi, đến nay Tổng công ty vận tải Thủy (VIVASO - nhà đầu tư chiến lược) vẫn chưa ra văn bản tính toán các chi phí hợp lý, hợp lệ, tiến hành các thủ tục có liên quan. Đồng thời, chưa đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại để thực hiện thủ tục hoàn trả cổ phần cho Nhà nước đã mua tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Chưa tính toán được giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam

Liên quan đến công tác cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam, nhiều nội dung và kết luận được Thanh tra Chính phủ nêu ra chưa được thực hiện đầy đủ. Nhiều việc cần "khẩn trương" vẫn giậm chân tại chỗ.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, mới đây Thanh tra Chính phủ cũng đã có báo cáo gửi Phó thủ tướng Lê Minh Khái về kết quả thực hiện kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi hơn 5.300m2 đất tại Thụy Khuê do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam quản lý, sử dụng, giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất của TP để quản lý, lập phương án bồi thường tài sản, công trình trên đất.

Đối với việc thu hồi phần diện tích đất tại TP.HCM, UBND TP đã ban hành quyết định thu hồi 1.104/2.748m2 đất, công trình xây dựng trên đất theo hiện trạng tại đường Thái Văn Lung do Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP tạm quản lý, cho Hãng phim truyện Việt Nam thuê.

UBND TP.HCM yêu cầu bàn giao đầy đủ tài sản, hồ sơ có liên quan đến nhà đất cho Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng để tiếp nhận, quản lý, hạch toán giảm tài sản theo quy định.

Với một số vấn đề khác như xác định giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho hay Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với đơn vị kiểm toán thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp và nghiên cứu phương pháp tính toán giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam.

Mặc dù đã lấy ý kiến các bên liên quan, thảo luận về phương pháp tính giá trị thương hiệu, như căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống song vẫn chưa triển khai được vì chưa có đầy đủ cơ sở tính toán.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội, TP.HCM và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện dứt điểm các nội dung kết luận, kiến nghị đã nêu.

Không thể đơn phương thu hồi cổ phần đã bán

Bà Chi nêu rõ mặc dù nhà đầu tư chiến lược không có những hợp tác một cách tích cực nhưng phía bộ đã có những văn bản, dự thảo quyết định văn bản lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về kiến nghị và phương thức xử lý sự việc này.

Trong văn bản phúc đáp, hai cơ quan trên cho rằng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không thể đơn phương thực hiện thu hồi cổ phần đã bán cho VIVASO mà không có sự thống nhất, thỏa thuận với đơn vị này.

Trước câu hỏi trong trường hợp quá trình thoái vốn hoàn tất, số phận của hãng phim như thế nào? Bộ có tìm nhà đầu tư khác hay là mô hình hoạt động khác thay thế cho hãng phim không?

Bà Chi cho biết bộ đã và đang nghiên cứu tìm nhà đầu tư nhưng chưa thành công. Năm 2017, Đài Tiếng nói Việt Nam từng gửi văn bản muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của hãng nhưng sau đó rút lại ý định do không đủ tiềm lực tài chính.

Về vấn đề nhiều cán bộ nhân viên, nghệ sĩ của hãng bị cắt lương, bảo hiểm; bà Chi giải thích theo quy định nhà đầu tư chiến lược chiếm 65% vốn điều lệ, có quyền chi phối mọi hoạt động, chi trả lương, bảo hiểm.

Tuy nhiên, do sự vướng mắc giữa ban lãnh đạo và người lao động, hãng phim không có hoạt động gì sáu năm qua. Bà Chi thông tin thêm trong cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Minh Khái hôm 22-3, bộ đã báo cáo chi tiết những vướng mắc, chờ chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, những vấn đề tồn đọng ở Hãng phim truyện Việt Nam là những vướng mắc đã tồn tại lâu dài, bộ đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ.

Một số tấm pano các bộ phim của Hãng phim truyện Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một số tấm pano các bộ phim của Hãng phim truyện Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tính chi phí dựa trên cơ sở thu hồi cổ phần hay thoái vốn?

Tuổi Trẻ cũng đã trao đổi thêm với ông Nguyễn Danh Thắng - chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, phó tổng giám đốc VIVASO.

Ông Thắng cho hay trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, VIVASO đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xin được thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam trước thời hạn.

"Trong thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ về việc kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng đã đồng ý để chúng tôi được thoái vốn trước hạn.

Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng không có câu nào là thu hồi cổ phần của nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên khi thực hiện kết luận thanh tra, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại triển khai theo hướng "thu hồi cổ phần của nhà đầu tư".

Trong khi đó, khái niệm thoái vốn trong doanh nghiệp và thu hồi cổ phần là hoàn toàn khác nhau về bản chất. Thời gian vừa qua, bộ có yêu cầu chúng tôi tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ để hoàn trả tiền. Chúng tôi không rõ yêu cầu này được thực hiện trên cơ sở thu hồi cổ phần hay thoái vốn trước hạn?", ông Thắng giải thích.

Ông Thắng cho biết thêm ngay cả trường hợp thoái vốn trước thời hạn cũng gây rất nhiều khó khăn.

"Chúng tôi thấy rằng không có quy định nào của pháp luật hướng dẫn việc thoái vốn trong doanh nghiệp dựa trên cơ sở tính toán chi phí hợp lý như yêu cầu của bộ. Trên thực tế, tại Việt Nam cũng chưa từng có tiền lệ để chúng tôi tham khảo" - ông Thắng lý giải về thông tin Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói VIVASO chưa đề xuất cụ thể về số tiền nhận lại để thực hiện hoàn trả cổ phần cho Nhà nước đã mua tại Hãng phim truyện Việt Nam.

"Nếu Nhà nước tiếp tục không muốn chúng tôi đầu tư thì đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chúng tôi được thoái vốn theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành về thoái vốn tại doanh nghiệp" - ông Thắng nói.

Không có việc các phim của Hãng phim truyện Việt Nam bị ẩm mốc

Về bản quyền phim của Hãng phim truyện Việt Nam, bà Chi cũng nói "mọi người có thể yên tâm", không có việc các phim của hãng bị ẩm mốc bởi đó chỉ là bản copy.

"Hãng phim truyện Việt Nam có tổng cộng 291 phim, hiện tại 278 phim gốc đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. 13 phim còn lại không lưu trữ do được sản xuất hợp tác với đơn vị khác", bà Chi cho hay.

Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung cũng thông tin thêm quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam phát sinh nhiều vấn đề khiến nhiều bộ phim không được lưu trữ cẩn thận.

Vụ Hãng phim truyện Việt Nam: chưa có lối ra - Ảnh 4.

Nhà đầu tư Hãng phim truyện Việt Nam: Chưa rõ yêu cầu tính chi phí của bộNhà đầu tư Hãng phim truyện Việt Nam: Chưa rõ yêu cầu tính chi phí của bộ

Đại diện nhà đầu tư Hãng phim truyện Việt Nam nói chưa rõ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ để hoàn trả tiền được thực hiện trên cơ sở thu hồi cổ phần hay thoái vốn trước hạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên