06/01/2024 20:45 GMT+7

Bị buộc chịu trách nhiệm 300 bộ phim hỏng, Vivaso nói lưu trữ 'tài sản không còn giá trị' là vô ích

Về 300 bộ phim bị hỏng, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam phải chịu trách nhiệm. Cổ đông chiến lược Vivaso nói gì?

Nhân viên Viện Phim Việt Nam giới thiệu bản gốc Chung một dòng sông, bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đang được bảo quản theo điều kiện tiêu chuẩn nghiêm ngặt tại viện - Ảnh: TRẦN HUẤN

Nhân viên Viện Phim Việt Nam giới thiệu bản gốc Chung một dòng sông, bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đang được bảo quản theo điều kiện tiêu chuẩn nghiêm ngặt tại viện - Ảnh: TRẦN HUẤN

Ngày 5-1, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản phản hồi các nghệ sĩ ở Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) về tình trạng 300 bộ phim bị hư hỏng nặng thời gian qua, sau gần một năm tập thể này gửi kiến nghị.

Theo thanh tra bộ, các bộ phim trong kho phim bị hư hỏng thuộc trách nhiệm của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam.

Công ty này phải đề xuất phương án khắc phục báo cáo bộ và trả lời cho tập thể nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của công ty biết.

Vivaso: Không có văn bản nào giao nhiệm vụ lưu trữ

Trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 6-1, ông Nguyễn Danh Thắng - đại diện Vivaso - cho rằng "tất cả các phim tại kho phim của Công ty cổ phẩn Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam đều là bản sao".

Theo ông, Viện Phim Việt Nam lưu trữ toàn bộ bản gốc (bản negative) và một bản sao. Như vậy Viện Phim Việt Nam lưu trữ hai bản theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đại diện Vivaso nói trước đây, Hãng phim truyện Việt Nam lưu trữ bản sao này phục vụ nhiệm vụ phổ biến phim theo chức năng kinh doanh của hãng (lưu trữ để phục vụ kinh doanh).

Sau này việc phổ biến bằng phim nhựa không còn phù hợp, công ty đã chuyển các bộ phim này dưới dạng file lưu trữ tại các ổ cứng để phục vụ công tác phổ biến phim được thuận lợi trong thời kỳ công nghệ số hiện nay.

"Các bộ phim nhựa này trước đây đã được sử dụng nhiều lần và hiện nay không còn chất lượng để chiếu và cũng không có rạp hay cơ sở chiếu phim nào còn sử dụng máy chiếu phim nhựa, nên các bộ phim nhựa này không còn giá trị sử dụng", ông Thắng trình bày.

Ông Nguyễn Danh Thắng nói thêm: "Việc lưu trữ tài sản không còn giá trị sử dụng là việc làm vô ích, mặt khác điều kiện cơ sở vật chất của Hãng phim truyện Việt Nam không đủ điều kiện để lưu trữ phim nhựa lâu dài".

Theo đại diện Vivaso, không có quy định hay văn bản nào của Nhà nước giao nhiệm vụ cho công ty có trách nhiệm lưu trữ các bộ phim nhựa này.

Nói về đơn kiến nghị của tập thể nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam, ông Thắng phát biểu: "Một số nghệ sĩ không hiểu biết hoặc cố tình không hiểu đã làm đơn kiện chúng tôi nhằm mục đích gây mất đoàn kết nội bộ, tạo dư luận xấu làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty chúng tôi".

Bản gốc phim Em bé Hà Nội tại Viện Phim Việt Nam - Ảnh: TRẦN HUẤN

Bản gốc phim Em bé Hà Nội tại Viện Phim Việt Nam - Ảnh: TRẦN HUẤN

Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam nói Vivaso "sai hoàn toàn"

Trước phản hồi của Vivaso, các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bức xúc.

Theo các nghệ sĩ, "những bản phim dương bản gốc (positive) là một trong hai bản duy nhất còn lại của những bộ phim cũ, kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam: một bản được lưu trữ tại VFS, một bản được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam".

Đạo diễn Bùi Trung Hải - người đại diện tập thể nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam đứng đơn gửi kiến nghị lên bộ - nói với Tuổi Trẻ Online: "Quan niệm của Vivaso cho rằng phim nhựa đã được ngừng sử dụng là sai hoàn toàn".

Theo ông Hải, trên thế giới phim nhựa vẫn đang được sử dụng rộng rãi, song song với phim kỹ thuật số.

Ông ví dụ, tại Mỹ trong số những phim được lọt vào vòng đề cử giải thưởng của Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ năm 2020, số phim được quay bằng phim nhựa chiếm tới 52%, số phim quay bằng phim kỹ thuật số chiếm 48%.

Mới đây ở giải Quả cầu vàng 2024, không ít phim được quay bằng phim nhựa chiếm những đề cử quan trọng nhất như Oppenheimer, Killers of the Flower Moon, Maestro, Poor Things, Past Lives

"300 bản phim nhựa mà chúng ta đang bàn, ngoài việc là di sản văn hóa, những bộ phim này hoàn toàn có thể được sử dụng trong những hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế rất hiệu quả", ông nói.

Các nghệ sĩ ở Hãng phim truyện Việt Nam cũng nói thêm việc lưu trữ phim ở Viện Phim Việt Nam là một vấn đề khác, hoàn toàn không liên quan đến việc hỏng phim ở Hãng phim truyện Việt Nam mà Vivaso là cổ đông chiến lược.

Và "kể cả khi ở viện phim có một bản gốc nữa thì 300 bản phim của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn giữ nguyên giá trị. Nó có thể thay thế, bổ sung cho bản phim còn lại ở viện phim trong trường hợp có những hỏng hóc như thiếu tiếng, thiếu hình của từng bộ phim".

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 - Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước ngày 3-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Chính phủ giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam.

"Trong xử lý (vụ việc này - PV) có cái chưa đúng... Giờ phải nhìn thẳng vào sự thật để cùng nhau xử lý", Thủ tướng nói.

Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin thêm về hiện trạng bảo quản các bộ phim giá trị của điện ảnh Việt Nam tại kho phim của Viện Phim Việt Nam, trong đó bao gồm 278 phim do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng, tài trợ (số phim này cũng đã được lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam).

Đại diện thanh tra bộ cho biết những bộ phim này đầy đủ cả bản gốc và hồ sơ liên quan, được lưu trữ, bảo quản một cách khoa học trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế.

Cục Điện ảnh xác nhận gần 300 cuốn phim ở Hãng phim truyện Việt Nam hư hỏng nặngCục Điện ảnh xác nhận gần 300 cuốn phim ở Hãng phim truyện Việt Nam hư hỏng nặng

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành thừa nhận gần 300 cuốn phim tại Hãng phim truyện Việt Nam hư hỏng nặng, đúng như các nghệ sĩ phản ảnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên