Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 - Phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước ngày 3-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Chính phủ giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam.
"Trong xử lý (vụ việc này - PV) có cái chưa đúng... Giờ phải nhìn thẳng vào sự thật để cùng nhau xử lý", Thủ tướng nói.
Bộ nói Vivaso không hợp tác, Vivaso nói khác
Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) trở thành cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam vào năm 2016 và quá trình cổ phần hóa chính thức được tiến hành vào năm 2017, từ đó nảy sinh hàng loạt sai phạm.
Cuối tháng 4-2023, sau năm năm, hai kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần ở Hãng phim truyện Việt Nam đến nay vẫn chưa được giải quyết, buộc Thanh tra Chính phủ phải ban hành quyết định kiểm tra sau thanh tra.
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang vướng gì khi thực hiện kết luận trên?
Đại diện Vụ Kế hoạch tài chính thuộc bộ cho hay bộ đã có năm buổi làm việc và 10 công văn đề nghị Vivaso tính toán các chi phí hợp lý, hợp lệ, tiến hành các thủ tục có liên quan; đề xuất cụ thể số tiền nhận lại để thực hiện hoàn trả cổ phần cho Nhà nước đã mua tại Hãng phim truyện Việt Nam.
"Tuy nhiên, Vivaso đã không hợp tác trong việc báo cáo, đưa ra số liệu tính toán về các chi phí, không có văn bản đề xuất cụ thể số tiền cần nhận lại để thực hiện thủ tục hoàn trả", vụ thông tin.
Bộ cũng viện dẫn các khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý khi thu hồi số cổ phần đã bán cho Vivaso:
Căn cứ Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, hợp đồng mua bán là hợp đồng dân sự nên Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính có ý kiến để nhận lại cổ phần phải có sự đồng thuận của nhà đầu tư.
Tuy nhiên cũng vì "nhà đầu tư không hợp tác nên không thể triển khai thực hiện".
Theo vụ, nguồn tiền để hoàn trả cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược hiện gặp khó.
Theo quy định, việc này phải được thực hiện theo nghị định số 148 năm 2021 về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp.
Việc hoàn trả cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược lại không thuộc đối tượng đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
"Khả năng mất ngân sách nhà nước nếu hoàn trả cổ phần. Hiện công ty cổ phần đã lỗ gần hết vốn chủ sở hữu", Vụ Kế hoạch tài chính nhận định.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 4-1, ông Nguyễn Danh Thắng - đại diện Vivaso - cho rằng: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói Vivaso không hợp tác là không đúng. Chúng tôi rất hợp tác".
Theo ông Thắng, khi Thanh tra Chính phủ chưa có kết luận, Vivaso đã có văn bản xin thoái vốn ở Hãng phim truyện Việt Nam.
"Việc thoái vốn phải áp dụng theo luật, quan điểm của bộ lại là thu hồi cổ phần. Không có cơ sở pháp lý cho việc này thì làm sao chúng tôi có cơ sở để tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ", đại diện Vivaso nói.
"Vivaso đã có văn bản trình một số phương án đến Chính phủ lẫn các bộ, ngành. Nếu Nhà nước chấp thuận Vivaso thoái vốn thì Vivaso mong được thoái vốn theo luật.
Nếu không thì phải để cho doanh nghiệp xây dựng, củng cố, đầu tư lại VFS", ông Thắng thông tin.
Ông nói thêm thời gian qua Hãng phim truyện Việt Nam xập xệ, xuống cấp nhưng Vivaso không làm gì được do mọi thứ "chưa được rõ ràng" và "trong thời gian thoái vốn, vướng thanh tra, Vivaso không thể bỏ tiền đầu tư bất cứ thứ gì".
"Bản thân Vivaso cũng muốn giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam. Để lâu cũng quá mệt mỏi", ông cho hay.
Nghệ sĩ mong dứt điểm
Theo biên kịch Tống Thị Phương Dung, trong hơn năm năm qua nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bị tước bỏ toàn bộ quyền lợi của người lao động: không lương, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế. Nhiều người đi làm thuê làm mướn, chạy Grab, mở quán bia hơi, bán hàng online...
Trong khi đó, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân gọi đây là "mất mát không gì bù đắp nổi". Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể anh chị em bảo ông lên tiếng vì "là người có uy tín". "
Cái gì muốn nói, tôi đã nói hết rồi. Anh chị em nghệ sĩ cũng đã nói hết rồi. Đến cô Trà Giang từng khóc ở Nhà hát lớn khiến Thủ tướng phải vào cuộc, mà bao nhiêu năm tình hình vẫn chây ì ở đó. Uy tín cỡ Trà Giang là hết cỡ rồi. Chúng ta giải quyết quá chậm chạp", ông chia sẻ.
Một số nghệ sĩ khác ở Hãng phim truyện Việt Nam "rất mong lần này vấn đề được giải quyết dứt điểm hẳn".
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo về quá trình triển khai thực hiện kết luận thanh tra và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về công tác cổ phần hóa tại VFS theo yêu cầu của đoàn Thanh tra Chính phủ.
Trong đó bộ đã trình Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để thu hồi lại số cổ phần đã bán cho nhà đầu tư chiến lược theo các quy định hiện hành và có biện pháp xử lý trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược không hợp tác.
Hiện bộ đang chờ kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa ở VFS, trong đó có kiến nghị của bộ về giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra.
Vốn chủ sở hữu VFS chỉ còn 2 tỉ 462 triệu đồng
Vụ Kế hoạch tài chính thông tin theo báo cáo của người đại diện phần vốn nhà nước tại Vivaso ngày 1-6-2022, báo cáo tài chính cho thấy số lỗ lũy kế tính đến hết năm 2021 là 47 tỉ 537 triệu đồng, trong đó số lỗ lũy kế tính từ ngày 23-6-2017 - thời điểm Vivaso chính thức chuyển sang cổ phần - đến hết năm 2021 là 24 tỉ 060 triệu đồng.
Vốn chủ sở hữu còn lại 2 tỉ 462 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận