Đình Dương Xuân Hạ nhìn ra khu Bàu Vá, nơi nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (trái) cho là nơi tọa lạc phủ Dương Xuân - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Thuận Quảng dưới thời Tây Sơn là vùng đất rộng lớn kéo dài từ Quảng Bình đến tận Bình Định ngày nay.
Trong hơn 30 năm tồn tại (1771-1802), dấu ấn của nhà Tây Sơn tại Bình Định rất rõ nét, nhưng dấu vết tại kinh đô Phú Xuân (Huế) lại quá mờ mịt, dù vương triều này đóng đô ở đây 15 năm.
Trong đó lăng mộ vua Quang Trung là một ẩn số hóc búa, khiến việc tìm kiếm suốt hơn 50 năm qua vẫn là những cuộc tranh luận chưa ngã ngũ.
Bác bỏ cả hai giả thiết
Các nhà nghiên cứu đại diện cho các giả thiết về lăng mộ vua Quang Trung tại Huế, cũng như các chuyên gia miệt mài phản biện vấn đề này suốt hàng chục năm qua, đều có mặt tại cuộc hội thảo.
Đó là nhà nghiên cứu Trần Viết Điền - đại diện giả thiết lăng vua Quang Trung là lăng Ba Vành ở đồi Thiên An (Huế), gọi tắt là "thuyết Ba Vành".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - tác giả của giả thiết lăng mộ vua Quang Trung là cung điện Đan Dương, nguyên là phủ Dương Xuân, nằm cạnh chùa Thiền Lâm, tọa lạc tại khu vực cạnh chùa Thuyền Lâm ngày nay, gọi tắt là "thuyết Đan Dương cung điện".
Đây là hai giả thiết đối nghịch nhau và được bàn luận nhiều nhất suốt 30 năm qua.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế) đã trình bày một bản tham luận rất chi tiết về cuộc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung tại Huế, khởi đầu từ công bố của tác giả Nguyễn Thiệu Lâu vào năm 1961.
Ông Vinh đã đưa ra các phân tích rất chi tiết, cùng những nhận xét cho từng luận điểm và đi đến kết luận bác bỏ cả hai giả thiết nói trên. "Hai giả thiết này đều mắc phải những sai lầm nghiêm trọng có tính hệ thống và nhất là đều rơi vào niềm hoài nghi rằng nhà Nguyễn hoặc người Pháp đã ngụy tạo hồ sơ văn bản để che giấu địa chỉ thật sự của lăng vua Quang Trung" - ông Vinh nói.
Nguyễn Anh Huy (bác sĩ ở Huế) cho rằng phủ Dương Xuân không nằm ở khu vực chùa Thiền Lâm như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân xác định, mà ở khu vực Bàu Vá gần bờ sông Hương.
Ông Huy cho rằng "chưa thể loại trừ khả năng mộ vua Quang Trung chôn ở Nghệ An", còn mộ mà vua Gia Long khai quật tại Huế chỉ là mộ giả.
Đề xuất khảo cổ cả Ba Vành và Bàu Vá
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết ông xin tiếp nhận các ý kiến phản biện này, dù rằng "nó không có gì mới và không có giá trị khoa học gì cả".
Tuy nhiên, ông sẽ trình bày đầy đủ ý kiến của mình trên trang web về cung điện Đan Dương do ông lập ra tại địa chỉ cungdiendanduong.net.
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền đưa ra những tư liệu mới về Thái Tổ miếu - thờ vua Quang Trung, liên quan đến lăng Ba Vành - nơi mà ông giả thiết là lăng vua Quang Trung.
Ông cho rằng các nhà nghiên cứu và cơ quan hữu trách không thể bỏ qua một giả thiết đã được xây dựng từ năm 1941 của học giả L. Cadiere và tiếp nối bởi nhiều công trình nghiên cứu công phu, trong đó có ông. "Xin hãy ghé mắt đến Ba Vành, kẻo có tội với lịch sử" - ông Điền nói.
Cả ba nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, Nguyễn Anh Huy và Trần Viết Điền đều cho rằng việc Nhà nước tổ chức nghiên cứu khảo cổ học với quy mô lớn ở khu vực chùa Thiền Lâm vẫn chưa phải là căn cứ khoa học thuyết phục.
Ông Huy đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nên bổ sung hai địa điểm Bàu Vá và lăng Ba Vành vào quy hoạch khảo cổ đến năm 2020 của tỉnh.
Hội thảo đã thống nhất đề xuất thành lập Trung tâm văn hóa Quang Trung tại Huế để nghiên cứu các vấn đề về triều đại Tây Sơn, trong đó có việc tìm kiếm lăng mộ của nhà vua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận