Bà Nguyễn Thị Sau lúc ở Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Nguyên Linh |
... và sau nửa năm xuất viện - Ảnh: Nguyên Linh |
Sau nửa năm xuất viện, đến đầu tháng 1 năm nay sức khỏe bà Nguyễn Thị Sau (52 tuổi, trú xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) hoàn toàn bình phục, có thể làm những công việc nhẹ.
Từ chết đứng đến mừng ghê
Bà kể sau hai lần tái khám bác sĩ cho biết không có dấu hiệu tái phát, di căn ung thư, tất cả các chỉ số đều bình thường. “Trước khi nhập viện điều trị ung thư tui nặng chỉ 45kg, hiện tui đã tăng lên 55kg. Giờ ăn được ngủ được, tui mừng ghê lắm” - bà nói.
Bà kể phát hiện ung thư gần hai năm trước nhưng nhà nghèo không có tiền phẫu thuật, gia đình bất lực chờ chết. “Khi bụng trướng to đau dữ dội, gia đình chở tui lên BV Trung ương Huế cấp cứu. Bác sĩ la quá trời, nói răng mà để khối u to như ri mới nhập viện. Tui chết đứng khi nghe tin mình bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối” - bà Sau nhớ lại.
50 bệnh nhân ung thư được cấy ghép tế bào gốc PGS.TS Nguyễn Duy Thăng cho biết hiện ở BV Trung ương Huế có 20 trường hợp ung thư giai đoạn cuối (trong đó tám bệnh nhân ung thư vú và 12 bệnh nhân ung thư buồng trứng) đang được điều trị, cấy ghép tế bào gốc với sự hỗ trợ kinh phí của đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Đến nay, hai bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn cuối được điều trị lành bằng phương pháp này, đã xuất viện với tình trạng sức khỏe tốt. Còn ông Nguyễn Quang Trung, giám đốc BV Ung bướu Nghệ An, cho biết BV đang nhận hơn 30 bệnh nhân mắc ung thư vú đăng ký điều trị bằng phương pháp này. |
Vợ chồng nghèo vay mượn khắp nơi để có tiền cho bà nhập viện hóa trị, phẫu thuật. Tuy nhiên, hóa trị liều cao để diệt hết tế bào ung thư không thể áp dụng được vì sức khỏe bà Sau quá yếu, sẽ rơi vào tình trạng suy đa tạng, suy tủy không hồi phục, dễ dẫn đến tử vong. Bác sĩ tiên lượng sự sống của bà Sau chỉ còn đếm từng ngày.
“Hôm nghe bác sĩ báo tin mình được chọn điều trị miễn phí trong đề tài ghép tế bào gốc, tui vừa mừng vừa lo, dù chẳng biết phương pháp dùng tế bào gốc là chi cũng đồng ý. Cả gia đình xem đây là cơ hội sống cuối cùng, và giờ tui may mắn được cứu sống” - bà Sau cười.
Kết quả bước đầu
Đây là kết quả bước đầu của đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng” do PGS.TS Nguyễn Duy Thăng - phó giám đốc BV Trung ương Huế và các cộng sự đã nghiên cứu, ứng dụng trong suốt hai năm qua.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, với phương pháp cổ điển trong điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, nếu điều trị đúng liều thì bệnh nhân ung thư có thể bị suy tủy không phục hồi và tử vong do suy tủy, nhiễm trùng. Với cách điều trị mới, suy tủy của bệnh nhân đã được giải quyết.
Bệnh nhân ung thư được thu thập tế bào của chính mình, bảo quản ở nhiệt độ -196OC trong bình nitơ lỏng, sau đó dùng chính tế bào này để ghép lại cho bệnh nhân.
Sau khi thu thập đủ tế bào gốc, bệnh nhân ung thư được điều trị bằng hóa trị liều cao và điều trị nhắm đích trong môi trường vô trùng để tiêu diệt hết các tế bào ung thư. Khi toàn bộ các tế bào trong cơ thể đã bị tiêu diệt, bệnh nhân bị suy tủy không hồi phục, lúc này êkip bác sĩ sẽ ghép tế bào gốc trở lại cho bệnh nhân để tạo ra những loại tế bào mới chính của cơ thể, nhưng trẻ hơn, khỏe hơn.
Theo PGS.TS Thăng, phương pháp mới này sẽ điều trị tiệt căn các tế bào ung thư, giúp những bệnh nhân bị ung thư ở giai đoạn cuối đã mang “án tử” có thể sống chung, hoặc “trắng án” với căn bệnh quái ác.
Bác sĩ Thăng cho biết thêm cuối năm nay, khi kết thúc đề tài, BV Trung ương Huế sẽ áp dụng thường quy phương pháp mới này vào điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng và một số bệnh ung thư khác.
“Sinh ra lần thứ hai”
Cũng bằng phương pháp điều trị ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, BV Ung bướu Nghệ An đã chữa trị thành công cho hai bệnh nhân ung thư vú. Bà Đinh Thị Liễu (52 tuổi, khối 1, thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) là một trong hai bệnh nhân đó.
Trở về từ BV gần được một tháng, gương mặt bà Liễu đã hồng hào trở lại. Chìa đôi tay cho khách xem, bà Liễu nói: “Ngày trước truyền hóa chất vào da dẻ khô ráp, xù xì và thâm đen, người gầy rộc hẳn. Từ lúc ra viện đến nay tôi thấy khỏe lắm, không còn phải lo nghĩ gì nữa. Tôi như được sinh ra lần thứ hai trong đời vậy”.
Bà Liễu kể đầu năm 2013 bà phát hiện có cục u nhỏ ở vú phải, sờ vào khá cứng nhưng không thấy đau. Nhiều lần gia đình khuyên đi khám nhưng công việc làm ăn bận rộn, lần lữa mãi không chịu đi.
Mãi đến tận tháng 9-2014, bà mới đến BV Ung bướu Nghệ An khám. Sau khi nhập viện điều trị, bà Liễu được truyền hai đợt hóa chất, phẫu thuật bầu vú khiến sức khỏe giảm sút trầm trọng, lại thêm suy nghĩ, lo lắng khiến bà gầy rộc, tóc rụng hết.
Đầu tháng 11-2014, bà Liễu và hơn 20 bệnh nhân được đại tá PGS.TS Nguyễn Trung Chính - cố vấn cao cấp BV Ung bướu Nghệ An - tư vấn về phương pháp điều trị bằng cách ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Bà Liễu quyết định thử nghiệm phương pháp mới.
Theo PGS Nguyễn Trung Chính, bà Nguyễn Thị An (42 tuổi, xóm 6, xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An) “là bệnh nhân thứ hai mà chúng tôi chữa trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc thành công”.
Trước đó, BV Ung bướu Nghệ An đã điều trị ung thư thành công cho năm bệnh nhân bằng phương pháp trên, chủ yếu điều trị ung thư hạch.
Tiếp cận kỹ thuật tế bào gốc theo lộ trình Ông Nguyễn Ngô Quang, phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, cho hay hiện đã có một số biện pháp điều trị sử dụng tế bào gốc được Bộ Y tế cho phép áp dụng ở nước ta. Trong đó, có phương pháp sử dụng tế bào gốc điều trị liệt tủy cho bệnh nhân bị liệt do chấn thương, tai nạn ở BV Việt Đức. Sử dụng tế bào gốc điều trị bệnh liên quan đến khớp gối tại BV 115, BV Vạn Hạnh TP.HCM, BV Bạch Mai, BV Việt Đức, tế bào gốc trong điều trị các bệnh huyết học ở Viện Huyết học - truyền máu trung ương và TP.HCM... Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Ngô Quang, công nghệ tế bào gốc còn đang có rất nhiều trường phái nghiên cứu khác nhau trên thế giới và trong một số trường hợp thì sau khi được đưa trở lại cơ thể, tế bào gốc có thể bị biệt hóa thành các tế bào khác không mong muốn. Vì thế, Việt Nam sẽ tiếp cận phương pháp điều trị này theo hướng có lộ trình. Nguyên tắc quan trọng nhất được xác định là cho phép các phương pháp được FDA Hoa Kỳ khuyến cáo, sử dụng tế bào gốc tự thân, không can thiệp vào cơ thể, thời gian lấy tế bào gốc và đưa trở lại cơ thể ngắn và bệnh lý đó không có phương pháp điều trị khác. Về việc đã có trường hợp điều trị tế bào gốc nào bị tai biến ở Việt Nam hay chưa, ông Quang nói đã có những phương pháp không phát triển được do có một tỉ lệ nhất định bệnh nhân sau khi bơm tế bào gốc đã biệt hóa không kiểm soát được sau đó. Bộ Y tế đang xây dựng thông tư hướng dẫn điều trị bằng công nghệ tái tạo, trong đó có điều trị bằng tế bào gốc. Trước mắt, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đã có văn bản hướng dẫn ứng dụng tế bào gốc, trong đó Bộ Y tế đề nghị Bộ Khoa học - công nghệ khi có những nghiên cứu y sinh học thì cần có ý kiến của Bộ Y tế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận