Đại biểu ở các tỉnh, thành biểu quyết trực tuyến. Trong ảnh: các đại biểu Quốc hội TP.HCM thực hiện các thao tác biểu quyết qua máy tính bảng chiều 11-1 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Báo cáo trước Quốc hội vào chiều 11-1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết đã có hơn 300 ý kiến thảo luận, tranh luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật Nhà ở, Luật đấu thầu, Luật điện lực, Luật doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự.
Các nội dung các đại biểu còn chưa đồng thuận trong các luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Cụ thể, đối với sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, ông Thanh cho hay có 2 loại ý kiến. Trong đó, loại ý kiến thứ nhất đề nghị cân nhắc thận trọng việc bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, vì cho rằng nội dung này chưa được Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng, "có thể dẫn đến làm thất thoát ngân sách nhà nước".
Loại ý kiến thứ hai tán thành sự cần thiết sửa đổi khoản 1 điều 23 Luật nhà ở như Chính phủ trình, để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, tuy nhiên đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự thảo luật theo hướng trước mắt chỉ sửa đổi khoản 1 điều 23 Luật nhà ở, để làm rõ và phân định các hình thức sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
"Không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại vì vấn đề này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn và chưa đạt được sự đồng thuận cao" - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, thận trọng, trường hợp cần thiết, Chính phủ xây dựng đề án thí điểm áp dụng hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Các đại biểu Quốc hội TP.HCM theo dõi kết quả biểu quyết - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đối với Luật điện lực, ông Thanh cho hay một số ý kiến đề nghị rà soát toàn bộ Luật điện lực để xem xét đẩy nhanh việc sửa đổi toàn diện, bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật vì Luật điện lực có nhiều nội dung cần sửa đổi như cơ cấu ngành điện, năng lượng tái tạo, truyền tải điện, điện gió ngoài khơi…
Do đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, khẩn trương trình Quốc hội về dự án Luật điện lực (sửa đổi)…
Ngoài ra, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng giải trình những vấn đề các đại biểu nêu trong từng luật, sau đó trình Quốc hội biểu quyết với 436 đại biểu tán thành (87,37%), 21 đại biểu không tán thành (4,21%), 9 đại biểu không biểu quyết.
Theo Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật này xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận