Tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới, không chỉ giúp ngôi nhà trở nên tươi mới sạch đẹp, dọn dẹp, trang trí nhà đón Tết còn là một nếp nhà, tập quán, một nét văn hóa lâu đời được các thế hệ gia đình người Việt duy trì haằng năm mỗi khi Tết đến xuân về.
Theo quan niệm dân gian, việc dọn dẹp nhà cửa còn mang đến nhiều may mắn, hạnh phúc và tài lộc trong năm mới.
Lịch trình dọn dẹp
Tùy thuộc vào thời gian và điều kiện mỗi gia đình.
Do quỹ thời gian ít ỏi, từ đầu tháng chạp, gia đình tôi đã lên lịch trình dọn dẹp và ý tưởng trang trí.
Do ngày thường các phụ huynh đã "bao sân", "cân" hết việc để bọn trẻ có thời gian vui chơi, học hành, nên nhà tôi thường chọn thời điểm bọn trẻ thong thả việc học ở trường để cùng tham gia như một nếp nhà dịp Tết.
Dọn dẹp sân nhà, chăm sóc cây cối
Từ 15 tháng chạp, khoảng sân nhỏ nhà tôi đã xôn xao, chộn rộn.
Chộn rộn vì đến ngày dọn dẹp sân nhà, bọn trẻ trở thành nguồn nhân lực "nhờ cậy" của ba tôi khi các phụ huynh của chúng còn bận rộn với công việc cuối năm.
Cây mai vừa được lặt lá từ chiều hôm trước được "lực lượng trẻ" xúm lại dời ra chỗ nắng theo hướng dẫn của ông ngoại.
Đây là chậu mai ghép ba tôi tự trồng và chăm sóc đã nhiều năm, dù chưa đủ tuổi thành cội nhưng cũng có thâm niên ra hoa bằng tuổi đứa cháu ngoại đầu tiên nên ba rất quý.
Chủ đề trang trí
Tết xưa thường được chúng tôi lựa chọn để trang trí cho ngôi nhà của mình.
Tông màu chủ đạo cũng là các gam màu xanh đỏ truyền thống ngày Tết, bên cạnh sắc vàng, hồng, tím của hoa mai, cúc và vạn thọ...
Nguyên phụ liệu dùng để trang trí
Là đôi đòn bánh tét vừa gói, những bao lì xì có hoa văn, hình ảnh ngộ nghĩnh được lưu giữ lại sau mỗi dịp Tết. Là chiếc ruy băng màu đỏ lúc dọn dẹp nhà cửa dư ra...
Vài thứ được bạn bè gửi tặng như các con vật được làm từ gốm sứ có hình dạng, màu sắc vui mắt.
Thậm chí những tờ báo cũ cũng là vật liệu trang trí tiết kiệm và thân thiện với môi trường.
Có năm, theo xu hướng tôi mua thêm vài mét vải hình long phụng làm phông nền cho góc Tết gia đình.
Linh vật của năm cũng được chọn mua (thường bằng giấy, dễ mua và rẻ tiền) để góc trang trí thêm sinh động khi bọn trẻ ngắm nhìn.
Trang trí góc Tết
Với tiêu chí mỗi ngày hoàn thiện một ít, chúng tôi kêu gọi các con rời xa tivi, điện thoại để phụ giúp. Bọn trẻ thích thú tham gia cắt dán, được tận mắt ngắm nhìn cách trang trí truyền thống bằng các vật liệu đơn giản.
Năm nay, chủ đề Tết xưa vẫn là lựa chọn để trang trí nhà đón Tết của gia đình tôi. Những vật dụng năm trước được tái sử dụng như bình cắm hoa, bộ bình trà, phong pháo giấy, sách Tết…
Từ nguyên liệu đến sắc màu... Tất cả như tái hiện lại những ký ức, thông lệ Tết xưa.
Các bao lì xì được kết thành nhiều dây dài tạo phông nền đầy sắc xanh, sắc đỏ vui mắt. Có bao ghi sẵn lời chúc Tết hay in hình linh vật của năm với hình hài ngộ nghĩnh, hài hước.
Một bình hoa cúc với sắc vàng quê kiểng mà tôi mua giúp bà cụ nơi góc chợ Tết cũng góp vào góc trang trí làm "chuyện kể con nghe" lúc các con chung tay phụ giúp.
Góp thêm sắc màu dân gian cho dịp Tết Ất Tỵ năm nay là cây hoa giấy Thanh Tiên từ làng nghề nổi tiếng mà người bạn ở Huế gửi tặng. Mỗi bông hoa một sắc màu, hoa sen, hoa mẫu đơn, cúc, bìm bìm… như bung nở ra từ truyền thuyết xa xưa.
Từng cánh hoa giấy nhiều màu sắc được gấp xếp công phu, tỉ mỉ cắm vào chiếc bình sứ mang đậm nét mộc mạc, dân dã, cổ xưa và đầy hoài niệm.
Góc bếp thơm nồng mùi vị Tết
Góc bếp là nơi bề bộn với nồi niêu, bận rộn với các bữa ăn ngày thường, vào dịp Tết lại bày biện thêm mứt bánh, dưa món, kiệu chua…
Đến gần ngày tiễn ông Táo về trời các hũ lọ được sắp xếp lên kệ gọn gàng, ngăn nắp để nơi giữ lửa gia đình luôn được sạch sẽ, ấm cúng, trang nghiêm ba ngày Tết.
Tết cận kề, dọn dẹp và trang trí bên trong nhà
Ba tôi hướng dẫn đứa cháu lớn nhất cách lau dọn bàn thờ tổ tiên, nhắc nhở các cháu đeo khẩu trang, thấm khăn vào nước để tránh bụi.
Tận dụng nắng cuối chạp, bọn trẻ vệ sinh phòng khách và phơi phóng, giặt giũ màn cửa, khăn trải bàn...
Vài món đồ kỷ niệm gia đình được ba cất giữ cẩn thận, hằng năm cũng được đem ra lau chùi, bày biện nơi phòng khách.
Bọn trẻ tự nguyện tham gia dọn dẹp cùng ông ngoại như là một dịp gắn kết tình cảm gia đình nhiều thế hệ sau bao ngày bận rộn với việc học ở trường, ở lớp.
Dọn dẹp, trang trí nhà đón Tết là những việc không thể bỏ qua khi Tết đến xuân về mà còn là dịp để gia đình gắn kết, chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ bên nhau. Là nguồn khơi gợi ký ức, lưu giữ nếp nhà biểu hiện lòng tôn kính với tổ tiên.
Một ngôi nhà gọn gàng sạch sẽ tạo ra không gian sống ấm áp trong lành, sẽ đón nhận nguồn năng lượng tích cực, khỏe mạnh, may mắn và nhiều hạnh phúc, tài lộc trong năm mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận