Quyết tâm đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 cũng đã được Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa bằng hai nghị quyết với nhiều cơ chế chính sách quan trọng để thực hiện đầu tư 654km đường cao tốc chia thành 11 dự án thành phần.
Trong đó, có 8 dự án đường thực hiện theo hình thức đối tác - công tư (PPP), hợp đồng BOT.
Rút kinh nghiệm từ những dự án BOT giao thông trước đây, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ xác định đầu tư BOT đường cao tốc Bắc - Nam đều làm tuyến mới; thu phí theo số kilômet thực đi;
Toàn bộ dự án đều phải đấu thầu chọn nhà đầu tư thay vì chỉ định thầu như trước đây; tăng tỉ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư từ 15% lên 20% để chọn nhà đầu tư có năng lực; quy định rõ sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, nếu nhà đầu tư không thu xếp được vốn thì thu hồi dự án...
Có thể nói, những phản ảnh của người dân về những bất cập của dự án BOT giao thông trong thời gian qua đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu, đưa vào những chính sách cụ thể để người dân - người chấp thuận chi trả để góp phần vào thành bại của dự án BOT - đồng thuận.
Đây là điều khác hẳn so với nhiều dự án BOT trước đây không công bố hoặc công bố hạn chế những thông tin về dự án tới người dân, chỉ đến khi thu phí, xảy ra những bất cập, thông tin dự án mới vỡ dần ra.
Luật chơi đáng ghi nhận nữa trong cơ chế đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam là đấu thầu chọn nhà đầu tư, lấy giá trị trúng thầu làm giá trị thanh quyết toán và nhà đầu tư phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu.
Tất nhiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng phải đặt mình vào vị trí người dân, quý trọng đồng tiền của dân để tính sát, tính đủ giá trị khi lập dự toán đấu thầu cũng như kiểm soát được chất lượng công trình trong suốt quá trình thi công.
Chính phủ nhiều lần khẳng định thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là chủ trương nhất quán cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới để phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải.
Theo các chuyên gia, để thực hiện chủ trương trên, cần ban hành luật về đầu tư PPP có khả năng bao quát những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cũng như tạo khung pháp lý ổn định về chính sách, thay vì mới dừng lại ở nghị định như hiện nay.
Nhưng trong khi chờ xây dựng, ban hành luật, Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết về xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam là động thái tích cực, kịp thời để đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam trước những đòi hỏi về phát triển kinh tế - xã hội.
Hi vọng với cơ chế, chính sách mà nghị quyết đưa ra sẽ sớm có thành quả hiện hữu bằng tuyến đường cao tốc dọc theo chiều dài đất nước được đo bằng sự hài lòng của người dân về lợi ích, chất lượng và an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận